Theo dấu chân du mục

Hình ảnh những đàn dê, đàn cừu lặng lẽ, bình thản giữa mênh mông đất trời mới bình yên làm sao. Nhưng bên cạnh đó, là cuộc mưu sinh vất vả của bao nhiêu người vùng đất Ninh Thuận cháy nắng này.
Theo dấu chân du mục

Hình ảnh những đàn dê, đàn cừu lặng lẽ, bình thản giữa mênh mông đất trời mới bình yên làm sao. Nhưng bên cạnh đó, là cuộc mưu sinh vất vả của bao nhiêu người vùng đất Ninh Thuận cháy nắng này.

Đàn cừu ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận

Xứ sở dê, cừu

Từ huyện Ninh Sơn, rẽ qua huyện Bác Ái về đến Phan Rang - Tháp Chàm có rất nhiều những đồng đất khô hạn, nhiều đoạn đường dài chỉ thấy hai bên là những đám cây lúp xúp, những bụi xương rồng, cái thứ cây chịu đựng được, thậm chí còn hợp cái khí hậu khắc nghiệt này. Thỉnh thoảng, chúng tôi gặp một người đẩy xe đạp treo mấy cái can đựng nước. Họ men theo những dòng suối cạn khoét những cái hố nhỏ và đợi gạn từng gáo nước đổ vào can mang về dùng. Rồi bất chợt chúng tôi gặp một đàn dê, đàn cừu căng tròn đang di chuyển, chỉ huy chúng là một chàng “du mục”. Mà có lẽ chỉ là “bán du mục” thôi, bởi họ ở địa bàn hẹp hơn và di chuyển ít hơn so với những dân du mục chính hiệu. Nhưng dù sao thì dấu chân ròng rã tháng ngày của họ cũng đã in dấu khắp đất này.

Anh Trần Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Phước Trung (huyện Bác Ái) cho biết đây là vùng khô hạn nhất. Năm nay, các hồ chứa đã cạn hết nước, nên kênh mương cũng khô. Mấy tháng nay xã đã cho chở khoảng 200 xe nước từ Nhà máy nước Xuân Hải về cho bà con dùng, kinh phí đã lên đến 59 triệu đồng. “Hôm trước tưởng có cơn bão số 5 vào, nhưng không có. Anh em điện hỏi tình hình thiệt hại ra sao, chúng tôi “báo cáo” chỉ thiệt hại mấy con gà do nấu cháo đợi bão”, anh Dương nói vui. Một vùng đất hoang mạc, cằn cỗi, thi thoảng mới có một mảnh ruộng trồng lúa, khoai mì, hay đậu. So với nơi khác thì chẳng đáng kể, vì năng suất thấp. Mùa hạn, xã phải khuyến cáo bà con không gieo cấy, khỏi mất cả giống vốn. Đất đai, khí hậu khắc nghiệt là vậy, nên cuộc sống của bà con rất khó khăn. Cả xã có tới 16% hộ cận nghèo, trên 25% hộ nghèo, ấy là đã giảm gần 10% so với năm trước. Cũng may là ở đây còn có con dê, con cừu, con bò.

 

* Ninh Thuận là vùng đất nắng nóng quanh năm, lượng mưa rất ít, chỉ trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 11, nhưng đất đai trải rộng từ vùng núi, gò đồi đến đồng bằng ven biển, thích hợp cho việc chăn thả, phát triển những vật nuôi có sừng như bò, dê, cừu…

 

Ở Bác Ái, đặc biệt là Phước Trung, việc chăn nuôi dê, cừu khá phổ biến. Nhà ít vài chục con, nhà nhiều thì trăm, vài trăm, cá biệt có nhà ngàn con, như trang trại của ông Hòa, ông Dưỡng, ông Bảy, ông Sơn. Bác Ái là vùng núi, nhiều gò đồi chăn thả, nên không ít người nơi khác đến đây lập trang trại, thuê người chăn nuôi. Giá thuê chăn 100.000 - 200.000 đồng/con/năm, tùy đàn nhiều hay ít. Chăn khoảng 200 con, được khoảng 20 triệu đồng tiền công/năm và cũng khoảng chừng đó tiền bán phân. Thu nhập từ chăn nuôi, kể cả chăn thuê đã góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Chúng tôi khoác ba lô bám theo anh Đào Văn Duy, lùa đàn cừu về trang trại ở thôn Dã Giữa. Câu chuyện dọc đường cho tôi biết, Duy năm nay 26 tuổi, dân tộc Chăm, theo nghề này cũng lâu rồi. Đàn cừu 120 con, mỗi năm tiền công được 19 triệu đồng, tiền bán phân cũng được hơn chục triệu đồng nữa. Ở thôn Đồng Dầy, chúng tôi ghé vào trang trại của ông Hòa, trại này tới cả ngàn con. Anh Đảo Văn Phúc (người Chăm huyện Ninh Sơn) cho biết đã làm cho ông Hòa 6 năm rồi, nhà cửa, ruộng vườn ở quê giao cho con gái, con rể. Chủ ở xa, đây chỉ là trang trại. Một dãy nhà ngang cho 3 hộ ở trông nom đàn cừu. Anh Phúc cho biết, ông chủ đối xử tốt, ngoài tiền công, thỉnh thoảng ông cũng cho thêm chút ít, tết nhất cũng đầy đủ. Tôi hỏi: “Chăn thế này có bao giờ bị mất cừu không?”. “Có chứ, thỉnh thoảng cũng bị mất đấy”. “Thế có phải đền không?”, “Theo thỏa thuận, mất phải đền, nhưng thực ra đã đền bao giờ đâu, không may thì mất thôi, chủ cũng thông cảm”. Hàng ngày khi anh Phúc đi chăn thả đàn cừu thì vợ ở nhà vừa trông con vừa chăm sóc cừu đẻ.

Chúng tôi gặp hai mẹ con chị Bi, người Raglei, cũng chăn thuê ở khu Đồng Dầy, bé Tayen Thịnh mới 5 tuổi cũng theo mẹ ra đồng. Chị Bi cho biết, mỗi năm được 13 triệu đồng tiền công, chồng đi làm thuê chỗ khác, cộng lại cũng tạm trang trải cho cả nhà 5 miệng ăn. Ở cánh đồng phía bên cạnh, một cậu bé đen nhẻm đang lùa đàn cừu về chuồng. Thấy chúng tôi lạ, cậu chỉ nói nhát gừng. Mẹ và em trai chăn dê cho nhà khác, em nghỉ học mấy năm rồi, chăn thuê và ở cùng nhà chủ gần đây.

Anh Nguyễn Hồng Nhứt, cán bộ Sở NN-PTNT Ninh Thuận, người có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, cho biết: Khí hậu nắng gió, khô hạn nhưng lũ dê cừu thích hợp và phát triển tốt. Chẳng thế mà cũng con giống ấy đem về đây thì lớn nhanh, to đến 30 - 40kg, đem đến chỗ khác nuôi thì chỉ to bằng con chó, con mèo. Con dê, con cừu đến Ninh Thuận từ rất sớm, riêng con cừu thì đã ở đây cả trăm năm. Có người bảo do người Chăm đưa về, cũng có người bảo do một dòng tộc người Ấn đem đến, lại có người bảo chúng theo những đoàn tàu từ châu Âu sang… Xuất xứ thì không dám chắc, nhưng biết chắc rằng chúng thích nghi và phát triển tốt trên đất Ninh Thuận. Tuy nhiên, nhà nước cũng chưa có đầu tư nào gọi là lớn cho phát triển đàn dê, cừu ở đây, nói chung, nông dân cứ tự xoay xở từ A đến Z, phát triển theo phong trào. Lúc giá cao thì phong trào lên, lúc giá xuống thì phong trào xẹp. Cả tỉnh có lúc lên đến 200.000 con (khoảng năm 2002 - 2003), nhưng sau đó (từ năm 2005) giảm và duy trì ở mức 150.000 con (trong đó, cừu khoảng 60% - 70%). Nhiều nhất là Ninh Phước 21.000 con, Thuận Nam 15.000 con, sau đó là Ninh Hải, Phan Rang, Ninh Sơn, Bác Ái.

Ngày trước đất đai, rừng rú bạt ngàn thì chăn thả rông, cho chúng tự kiếm ăn, nay bớt bạt ngàn thì trồng thêm cỏ, cho ăn thêm cám. Ngày lùa ra đồng cho chúng kiếm ăn, chạy nhảy, tối cho về chuồng nằm sàn khô ráo, sạch sẽ. Người đi chăn cũng sáng đi tối về, đỡ vất vả hơn trước. Làm ăn lớn thì trang trại lớn, 500 - 700, 1.000 con, trị giá hàng tỷ đồng, làm ăn nhỏ thì vài chục con. Có thể nuôi sinh sản, hoặc nuôi thịt. Nơi nào rộng (như Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Sơn, Bác Ái) nuôi sinh sản, đồng bằng ít chỗ chăn thả, tiện giao thông, thị trường thì nuôi thịt. Một con dê, cừu nuôi khoảng 7 - 8 tháng thì bắt đầu sinh sản. Hai năm 3 lứa, đến khoảng 12 - 15kg là có thể bán để nuôi thịt, vỗ khoảng 3 tháng, to gấp đôi (25 - 28kg) là bán được khoảng 2,5 - 2,8 triệu đồng/con. Ít vốn thì chỉ cần khoảng chục triệu đồng là có được 5 - 6 con giống, rồi nhân đàn hoặc bán thịt.

Và nho, táo

Những năm gần đây, Ninh Thuận mở rộng thêm diện tích trồng táo, nho. Lá táo, lá nho, trái xấu, trái rụng chính là nguồn thức ăn rất tốt cho dê cừu. Phân dê, cừu lại bón thúc cho cây. Vậy là hình thành những gia trại khép kín, trồng nho táo, nuôi dê cừu. Hiện Ninh Thuận có hàng ngàn hécta nho, táo và như vậy cũng có nghĩa là nguồn thức ăn cho dê, cừu khá dồi dào. Tuy nhiên, bài toán về đầu ra cho nho táo và cả dê cừu cũng đồng thời đặt ra. Từ lâu, người ta đã nghĩ đến nhà máy chế biến nho táo, làm ra các sản phẩm sấy khô, hay rượu vang, nhưng rồi cho đến nay vẫn chưa thể có. Còn đầu ra của dê, cừu cũng chưa tính được. Hiện tại, thịt dê, thịt cừu mới chỉ vào các quán nhậu, chứ chưa thể phổ thông như thịt heo, thịt bò, chưa vào bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình, cũng chưa nói chuyện xuất khẩu. Vậy là những trang trại lớn cũng phải vừa làm vừa nghe ngóng.

Quay về con đường Ninh Sơn, Bác Ái, chúng tôi gặp lại những “chàng du mục” Tapu Xoan, Tayen Xon, Đào Duy… Túi khoác trên vai, can nước đeo bên mình, cái roi trên tay, sải dài bước chân trên những con đường mòn len lỏi, những cánh đồng bạc trắng…

BÌNH NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục