Sau 3 lần gia hạn, tem hợp quy CR vẫn chưa vào cuộc sống

Tem hợp quy hay tem đối phó?
Sau 3 lần gia hạn, tem hợp quy CR vẫn chưa vào cuộc sống

Quy định dán tem quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (CR) đối với 6 mặt hàng điện, điện tử (dụng cụ điện đun nước nóng tức thời, dụng cụ điện đun nóng và chứa nước nóng, máy sấy tóc và các dụng cụ làm tóc khác, ấm đun nước điện, nồi cơm điện và quạt điện, đồ chơi trẻ em…) đúng ra đã có hiệu lực từ tháng 9-2009. Nhưng để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, quy định này đã được gia hạn đến 1-6-2010 và sau đó gia hạn tiếp đến 15-9-2010. Tưởng thời gian đó đã đủ… chín muồi để các doanh nghiệp thực hiện, nào ngờ sau gần 1 tuần quy định này có hiệu lực, tình trạng dán tem photocopy, tem tự in vẫn diễn ra.

Tem hợp quy hay tem đối phó?

Lực lượng Quản lý Thị trường TPHCM tạm giữ hàng không hợp quy. Ảnh: NGÂN HẠNH
Lực lượng Quản lý Thị trường TPHCM tạm giữ hàng không hợp quy. Ảnh: NGÂN HẠNH

Mặc dù trước ngày 15-9, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra và tạm giữ một số sản phẩm đồ chơi không đảm bảo chất lượng. Thế nhưng, sau ngày quy định có hiệu lực, nhiều điểm kinh doanh đồ chơi trẻ em trên đường Ngô Nhân Tịnh (phường 13, quận 5), đường Trần Bình, khu vực chợ Bình Tây (quận 6) đều không dán tem hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc có dán cũng chỉ là tem photocopy trắng đen nhằm đối phó với một số người tiêu dùng vốn chưa quen mặt với con tem này. Giải thích lý do dán tem sai quy định, chị Mỹ Hà, chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em trên đường Ngô Nhân Tịnh (quận 5) nói: “Vì chúng tôi bán với số lượng ít nên chỉ nhận tem CR từ công ty ký gửi. Hơn nữa, do hàng tồn từ 3-4 năm nên công ty cho phép chúng tôi photocopy tem để dán vào các sản phẩm đồ chơi trẻ em đang bị tồn này…”.

Không chỉ ở các cửa hàng nhỏ lẻ, ngay ở các siêu thị điện máy lớn cũng dán tem giả mạo để đối phó. Cụ thể, Siêu thị điện máy Nguyễn Kim (quận 1) dán tem CR photocopy trắng đen trên nhiều mặt hàng điện – điện tử như bình thủy, nồi cơm điện… Trung tâm điện máy Chợ Lớn (quận 5) dán tem photocopy lên bình nấu siêu tốc, quạt điện…  Sản phẩm có tem CR tức là sản phẩm đã được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1, 2, 3 chứng nhận phù hợp chất lượng. Tem thật được thiết kế nền vàng theo dạng 3 chiều để phân biệt thật giả dưới các góc nhìn 3 chiều. Vì vậy, những loại tem không đúng quy chuẩn, tem photocopy điều không có giá trị.

Sẽ như đá ném ao bèo!

Ngay cả cán bộ Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) cũng bất ngờ khi tham quan nhà sách Phương Nam, Fahasa… bởi sản phẩm ở đây dán tem CR ghi do “Quatest 3 kiểm định”, trong khi Quatest 3 không hề chứng nhận! Hay tem của Công ty Tùng Lâm, Công ty Kiến Hoa, Công ty cổ phần Thiết bị vật tư du lịch chuyên sản xuất lồng đèn Trung thu cũng dán tem Quatest 3 nhưng trung tâm này khẳng định trong mùa Trung thu 2010 không chứng nhận bất kỳ đồ chơi trẻ em nào.

Ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Quatest 3, cho biết: “Đến thời điểm này, Quatest 3 chỉ mới cấp giấy chứng nhận hợp quy cho khoảng 200 hồ sơ của hơn 20 doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM”. Trong khi ở địa bàn TPHCM có hàng ngàn doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất liên quan đến 6 mặt hàng điện, điện tử buộc dán tem CR. Với hơn 20 doanh nghiệp được chứng nhận nên đến thời điểm này, nhiều trung tâm điện máy, cơ sở kinh doanh vẫn ngang nhiên vi phạm quy định dán tem.

Vấn đề đặt ra là với những vi phạm tràn lan, trách nhiệm kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng ở đâu? Nếu thiếu tuyên truyền, giáo dục, quy định sẽ không đi vào cuộc sống, nhưng thiếu kiểm tra xử lý sẽ làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật. Không chỉ riêng lĩnh vực tem CR, hàng gian, hàng giả, hàng nhái bày bán khắp nơi từ siêu thị lớn đến cửa hàng nhỏ, ai cũng thấy, vậy trách nhiệm của hàng trăm cán bộ quản lý thị trường TPHCM ở đâu?

Khoản 1, Điều 16, mục 2, chương II của Nghị định số 54/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa nêu rõ: “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng: a) Không thực hiện công bố hợp quy khi sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa; b) Không đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền nơi tổ chức, cá nhân đó đăng ký kinh doanh; c) Không gắn dấu hợp quy theo quy định khi đưa sản phẩm, hàng hóa ra thị trường; d) Không lưu giữ hồ sơ công bố hợp quy đúng quy định”. 

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục