Vàng phi SJC chuyển đổi sang vàng SJC chuẩn: Đa số đều không đủ tuổi

Có thương hiệu gần 60% không đủ tuổi
Vàng phi SJC chuyển đổi sang vàng SJC chuẩn: Đa số đều không đủ tuổi

Đã hơn 1 tháng sau khi Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho phép Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) dập gần 400.000 lượng vàng (khoảng 40.000 lượng vàng SJC móp méo, còn lại là vàng phi SJC) sang vàng SJC chuẩn thì đến nay, công ty này mới dập chưa được một nửa. Lý giải sự chậm trễ này, ông Đỗ Công Chính, Tổng Giám đốc Công ty SJC, cho biết, nhằm đảm bảo uy tín của thương hiệu vàng SJC, Công ty SJC phải thực hiện kiểm định và loại vàng nào đủ tuổi mới tiến hành chuyển đổi. Theo ông Chính, trong quá trình kiểm định cho thấy, đa số các thương hiệu vàng phi SJC đều không đủ tuổi.

Vàng SJC đạt chuẩn được ép bao vào ngày 8-11 tại Công ty SJC. Ảnh: Huy Anh

Vàng SJC đạt chuẩn được ép bao vào ngày 8-11 tại Công ty SJC. Ảnh: Huy Anh

Có thương hiệu gần 60% không đủ tuổi

Chiều 8-11, ông Đỗ Công Chính cho biết, đến nay, số lượng vàng chuyển đổi sang vàng SJC chuẩn là gần 168.000 lượng. Trong quá trình kiểm định, số lượng vàng phi SJC bình quân không đủ tuổi khoảng 10%. Cụ thể, trong số 61.205 lượng vàng của 5 thương hiệu vàng phi SJC đã được Công ty SJC kiểm định, có 54.945 lượng vàng đạt chuẩn 4 số 9 (999,9), còn lại 6.260 lượng chỉ đạt ở 3 số 9 đầu, còn số cuối chỉ ở khoảng 5 hoặc 6 (999,5 hoặc 999,6).

“10% là số bình quân, trong đó, có thương hiệu vàng không đạt chỉ khoảng 5%, có thương hiệu không đạt 30% - 49% và cũng có một số thương hiệu chất lượng vàng rất tệ, tỷ lệ vàng không đạt lên đến 55% - 57%” – ông Chính thông tin. Tuy nhiên, ông Chính không tiết lộ thương hiệu vàng nào vì cho rằng đây là vấn đề mà SJC không thể công bố.

Có ý kiến cho rằng, Công ty SJC vừa sản xuất vừa kiểm định vàng thì không khách quan mà cần phải có một cơ quan độc lập của Nhà nước thực hiện việc kiểm định. Hơn nữa, máy kiểm định của mỗi thương hiệu vàng có thể có chuẩn khác nhau và họ chịu trách nhiệm về thương hiệu vàng của mình, hoặc trong khi thực hiện kiểm định cũng có sai số. Vì thực tế qua kiểm định cho thấy, cùng một thương hiệu vàng nhưng có lượng đủ chuẩn (theo tiêu chuẩn của SJC - PV), nhưng có lượng không đạt, trong khi máy gia công vàng đều có chuẩn nhất định.

Với những dư luận trên, ông Chính cho biết, một số đơn vị đã đề nghị đưa máy của mình sang SJC cùng kiểm định để tiến hành cho nhanh. Công ty SJC cũng đồng ý và để hai bên tiến hành thực hiện, nhưng sau khi thực hiện, kết quả của các thông số không giống nhau. Có loại vàng đưa vào máy của DN nọ thì đạt 999,9 trong khi đưa vào máy SJC chỉ có 999,5 và ngược lại, vàng 999,5, 999,6 của SJC đưa vào máy đó thì lại đạt 999,9.

“Tôi không biết chuẩn máy của các đơn vị khác như thế nào, nhưng máy kiểm định của SJC được Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt làm dựa theo tiêu chuẩn chất lượng vàng ký của Thụy Sĩ” - ông Chính cho hay.

Theo ông Chính, Công ty SJC được NHNN yêu cầu phải chuyển đổi sang thương hiệu vàng SJC nên công ty phải kiểm định chất lượng chặt chẽ và theo tiêu chuẩn của SJC để đảm bảo uy tín thương hiệu.

Tạm xuất vàng miếng, tái nhập vàng khối?

Nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi vàng miếng cũng như xử lý các loại vàng không đủ chuẩn, NHNN chi nhánh TPHCM đã trình Thống đốc NHNN 3 phương án xử lý. Phương án 1: tạm xuất vàng miếng và tái nhập vàng khối, tức là xuất các loại vàng phi SJC và nhập vàng khối chuẩn về để gia công lại thành vàng SJC cho nhanh. Phương án 2: xuất vàng trong dự trữ ngoại hối ra ứng trước rồi sau khi kiểm định trả lại. Phương án 3 là nấu chảy vàng không đủ chuẩn thành khối để việc kiểm định tiến hành nhanh hơn kiểm định từng miếng như hiện nay.

Liên quan đến 3 phương án trên, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, phương án 1 có vẻ khả thi nhất. Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định chỉ có NHNN mới được xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu nên các NHTM và các đơn vị phải ủy quyền cho NHNN thực hiện, nhưng chi phí chênh lệch thì các DN và NHTM phải chịu. Còn phương án xuất vàng trong kho dự trữ thì rất rủi ro về giá cũng như việc thu hồi và cần phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Đối với phương án nấu vàng miếng thành khối để kiểm định không được các DN đồng tình vì rủi ro về mặt chất lượng cao hơn so với kiểm từng miếng.

Ngoài ra, để giải quyết vướng mắc hoạt động kinh doanh vàng, đảm bảo cung ứng đủ nguồn cung vàng cho thị trường, góp phần kéo giảm chênh lệch giá vàng, giảm thiệt hại cho các tổ chức tín dụng và người dân, UBND TPHCM cũng đã kiến nghị NHNN chấp thuận kiến nghị của Công ty SJC liên quan đến việc cấp giấy phép mở, tức là NHNN không xác định về số lượng và thời gian mà các đơn vị có vàng SJC móp méo bao nhiêu thì chuyển đổi thành vàng SJC bấy nhiêu để loại vàng này được lưu thông.

Trong thời gian chờ ý kiến của Thống đốc NHNN, để đẩy nhanh tiến độ dập vàng, Công ty SJC cho biết đã huy động máy kiểm định ở tất cả các vùng miền, hiện tại Công ty SJC TPHCM có 5 máy kiểm định và 1 máy đang trên đường nhập về. Nhân viên cũng làm việc gấp đôi thời gian để thực hiện việc chuyển đổi nhanh hơn.

Sau khi tăng mạnh trong ngày hôm trước, giá vàng SJC trong nước ngày 8-11 đã lùi về dưới 47 triệu đồng/lượng. Khoảng 9 giờ 30 tại thị trường TPHCM, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 46,73 triệu đồng/lượng mua vào và 46,93 triệu đồng/lượng bán ra. Đến cuối giờ chiều, giá vàng SJC hạ tiếp xuống mức 46,68 triệu đồng/lượng mua vào và 46,88 triệu đồng/lượng bán ra.

Thị trường vàng thế giới cũng đã không duy trì được mức tăng mạnh sau khi kết thúc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tại phiên giao dịch đêm hôm trước ở thị trường New York, chốt phiên giá vàng giao ngay chỉ còn 1.718,3 USD/ounce. Tại thị trường châu Á vào lúc 9 giờ 30 (giờ Việt Nam) ngày 8-11, giá vàng tăng 1,4 USD/ounce, lên mức 1.719,7 USD/ounce. Với mức giá này, giá vàng SJC trong nước hiện cao hơn thế giới gần 3,7 triệu đồng/lượng.

Hạnh Nhung

Tin cùng chuyên mục