Dân tộc Thủy ở Tuyên Quang

Dân tộc Thủy ở Tuyên Quang

17 hộ với 109 người đang sinh sống tại thôn Thượng Minh xã Hồng Quang huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang. Đến nay, dân tộc Thủy tại Việt Nam mới chỉ được biết đến với thông tin ít ỏi như vậy. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất của Viện dân tộc học Việt Nam, dân tộc Thủy đang trên đà trở thành một nhánh của Pà Thẻn.

  • Xác định là một dân tộc
Dân tộc Thủy ở Tuyên Quang ảnh 1
Đa số trẻ em dân tộc Thủy mang 3/4 dòng máu Pà Thẻn.

Theo nguyên viện trưởng Viện dân tộc học Việt Nam (VDTHVN), tiến sĩ Khổng Diễn (hiện là viện trưởng viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ và Tây Nguyên), năm 1973, VDTHVN phối hợp với Ủy ban Dân tộc và trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức hội nghị, xác nhận dân tộc Thủy ở Tuyên Quang.

Trước đó dân tộc này được biết với tên gọi Mèo nước, bị coi là một nhánh của dân tộc Mông. Kể từ hội nghị này, tỉnh Tuyên Quang chính thức công nhận dân tộc Thủy, tuy chưa đưa vào danh sách 22 dân tộc trong tỉnh.

Qua lời kể của ông Lý Văn Triệu (sinh năm 1954), người Thủy di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam được khoảng 100 năm. Nghe người già kể lại (bố ông Triệu là cụ Lý Văn Boóc mới mất năm 2002 thọ 89 tuổi) đoàn người trên trăm nóc nhà đi bộ từ Quý Châu (Trung Quốc) sang Bắc Quang (Hà Giang) dựng nhà trong rừng rậm, lương thực chỉ là củ nâu, hoa chuối, măng tre... Đói khổ khiến phần lớn những người này quay về quê cũ, chỉ còn trên 30 hộ trụ lại. Dần dần, ốm đau bệnh tật đã gần như xóa sổ nhóm người.

Sau cách mạng tháng 8, chỉ còn 3 hộ, tổng cộng 13 người của 3 họ Lý, Mùng, Bàn, đem nhau về Hồng Quang (Chiêm Hóa - Tuyên Quang), sống du canh du cư trên các ngọn núi cao. Đến năm 1961, thực hiện phong trào hợp tác hóa, địa phương đã đưa đồng bào các dân tộc thiểu số xuống vùng thấp sống tập trung, hướng dẫn cho người Pà Thẻn, người Mông, người Thuỷ làm ruộng nước.

Trước đây, người Thủy chỉ trồng sắn, tra ngô, không bao giờ đủ ăn vì “cây sắn trước là hươu ăn lá, sau là lợn đào củ, không biết làm thế nào, chỉ ôm nhau khóc”, ông Triệu kể bằng tiếng Thủy, bà vợ người Dao dịch ra tiếng Kinh. Dù ít người, họ vẫn tạo thành một tập thể riêng biệt, từ tiếng nói, trang phục đến những nét sinh hoạt.

Hai người lớn tuổi và có uy tín nhất trong dân tộc Thủy là cụ Bàn Văn Kim 73 tuổi và ông Mùng Văn Lụ, 64 tuổi - những thầy cúng cao tay của thôn, còn đi cúng cho cả người Dao và người Pà Thẻn. Khi trước cụ Kim có giữ 3 hòm sách cúng nhưng “lửa ăn nhà đã ăn mất sách”. Những người lớn tuổi vẫn còn nhớ một số bài dân ca, giai điệu rất buồn, tâm trạng của họ trong suốt hành trình đói khổ cơ cực xưa kia.

  • Còn lại những gì?
Dân tộc Thủy ở Tuyên Quang ảnh 2
Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Thủy.

Sống giữa cộng đồng các dân tộc, với số lượng thành viên quá ít ỏi, người Thủy bỏ tập quán nội hôn. Trong mỗi gia đình người Thủy hiện nay có nhiều thành phần dân tộc. Bố Thủy, mẹ Pà Thẻn, con dâu cả Dao, con dâu thứ Mông, cháu ngoại Tày... Sự pha trộn phong tục tập quán trong mỗi gia đình là tất yếu. Bà Bàn Thị Tài, vợ ông Lý Văn Triệu, cho biết “nói tiếng Thủy, sinh hoạt theo phong tục Thủy để con cháu mình không quên nguồn gốc”.

Trong nhà ông Triệu, những đồ vật thuần nét Thủy có lẽ không còn bao nhiêu. Nhà dựng theo kiểu nhà của người Dao, vật dụng không khác gì của người Pà Thẻn, ăn mặc như người Kinh. Chỉ duy nhất tiếng Thủy là chưa lẫn với ngôn ngữ các dân tộc khác.

Vốn văn hóa dân tộc được truyền lại cho lớp trẻ chưa nhiều, Lý Văn Sơn (đời thứ tư của họ Lý tại Thượng Minh) sinh năm 1991, học sinh trường Văn hóa, Bộ Công an, nói chưa từng được nhìn quần áo của dân tộc mình, những bài hát chỉ được nghe tại các buổi cúng, không thấy người trẻ hát bao giờ, cũng không được ông hay bố dạy các lời bài hát. Trong nhà, bà nội là người Pà Thẻn, mẹ cũng là người Pà Thẻn nên sinh hoạt phần lớn theo thói quen của người Pà Thẻn, món ăn nấu theo cách Pà Thẻn, khi nói chuyện với ông và bố thì nói tiếng Thủy còn nói chuyện với nhau thì... tùy, tiếng Pà Thẻn, tiếng Dao, tiếng Tày, cả tiếng Mông.

Cách đây gần năm, khi mở đường vào thôn, người dân Thượng Minh mới có cơ hội tiếp xúc nhiều với bên ngoài. Trước đó, người Thủy chỉ ở quanh quẩn trong thôn, rất ít tham gia các hoạt động xã hội. Cũng từ năm 2005, 3 con em đầu tiên được cử đi học các trường chuyên nghiệp và bắt đầu có ý thức về nguồn gốc dân tộc mình.

Trưởng thôn Thượng Minh, con dâu của dân tộc Thủy, bà Bàn Thị Tài đã cố gợi tiềm thức người già để dựng lại bộ trang phục nữ: “Ăn còn không đủ (thôn Thượng Minh 100% hộ nghèo), điện kéo dây về tận thôn rồi mà không có tiền kéo về nhà, chắc phải vài năm nữa dân mới được dùng điện. Vì vậy, chưa thể vận động bà con mặc theo được. Mình cố may cho con gái một bộ để tự hào với bạn bè và để đi biểu diễn”.

Mới đây, VDTHVN, Sở Văn hóa thông tin tỉnh Tuyên Quang đã có một số nghiên cứu về dân tộc và văn hóa phi vật thể dân tộc Thủy. Các nghiên cứu đều khẳng định văn hóa của dân tộc này đến nay đã chịu ảnh hưởng quá nhiều từ các dân tộc khác trên địa bàn, nhất là dân tộc Pà Thẻn. Cứ theo đà này, một ngày không xa, dân tộc Thủy sẽ tự trở thành một nhánh của Pà Thẻn, mặc dù họ tha thiết mong được Nhà nước công nhận dân tộc gốc của họn

Bài và ảnh: Bạch Liễu

Tin cùng chuyên mục