Độc đáo tranh tre

Độc đáo tranh tre

Nhiều người khách nước ngoài tới Hà Nội như bị “thôi miên” trước vẻ đẹp mộc mạc mà sâu lắng của những bức tranh tre thuần chất Việt Nam lẫn trong vô số những thứ đồ thủ công mỹ nghệ đẹp đẽ và đắt giá. Tranh tre được bày bán nhiều trên các phố phục vụ đồ lưu niệm: Hàng Gai, Hàng Bông, Tạ Hiện, Hàng Trống, Hàng Mành...

Tuy mới xuất hiện trên thị trường 10 năm nay nhưng tranh tre đã chiếm được cảm tình của du khách trong nước và nước ngoài khi đặt chân tới Hà Nội.

Một địa chỉ làm tranh tre có tiếng ở Hà Nội là gia đình ông Nguyễn Kim Xuân (xã Mai Lâm, huyện Đông Anh). Gần trọn cuộc đời, ông Xuân vừa tìm tòi vừa sáng tạo được hơn 500 mẫu tranh. Trong đó, dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, tranh tĩnh vật, tứ quý, 12 con giáp được ông Xuân đưa vào tranh tre với những xúc cảm đầy ngẫu hứng. Bên cạnh đó, những cảnh đẹp và sinh hoạt đời thường của người nông dân Việt Nam cũng được ông Xuân đưa vào các bức tranh tre như một lời tâm sự mộc mạc, giản dị. Có thể thấy, mỗi bức tranh của ông Xuân có một nét riêng, thể hiện rõ cái tôi bắt nguồn từ phương thức làm tranh thủ công.

Một bức tranh tre vừa hoàn thiện.

Một bức tranh tre vừa hoàn thiện.

Theo ông Xuân, để có một bức tranh cần trải qua 3 công đoạn: thiết kế mẫu, tạo mẫu và sản xuất. Và điều quan trọng là mỗi nghề muốn thành công phải có bí quyết riêng. Với gia đình ông Xuân, sau nhiều năm mày mò trên hàng ngàn mẫu tre, trúc, ông đã tìm được những màu sắc, đường nét, hoa văn tiêu biểu để thể hiện trong những bức tranh tre.

Việc khó nhất khi sáng tạo một bức tranh tre là khâu chọn màu sắc, vì nội dung của tranh còn phụ thuộc vào sự lựa chọn màu tre. Để tạo màu vàng phải đem ngâm tre với vôi, màu xanh được chế từ chính cây tre và một vài hoạt chất khác, màu nâu và đen được tạo thành từ hun rơm và bồ hóng.

Ông Xuân “bật mí”, trước khi ghép tranh phải phác họa hình vẽ trước, sau đó cắt trên giấy và ghép vào mảnh tre, phân loại rồi lắp chúng với nhau. Và điều quan trọng là cảm xúc của người thực hiện phải đồng điệu được giữa màu sắc và ý tưởng. Đồng thời, sự tinh xảo của mỗi mảnh ghép phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của người thợ.

Bản tính kiên trì và tỉ mỉ cộng với lòng say nghề luôn là đòi hỏi hàng đầu đối với người thợ làm tranh tre: Từ công đoạn cắt, tạo hình, sau đó mài giũa cho nhẵn bóng, dán từng mảnh nhỏ vào giấy. Tiếp theo, dùng keo và băng dính để dán lên nền vải nhung, dùng cồn, xăng xử lý phần keo thừa. Cuối cùng là làm sạch và đánh bóng. Tùy theo cách làm mà người thợ có thể khảm tre, trúc trên nền sơn mài, sơn dầu hay cót ép để tạo ra những vẻ đẹp khác nhau. Hơn nữa, người làm tranh tre cũng có thể thực hiện những bức tranh độc bản hay nhân bản hàng loạt.

Gia đình ông Xuân là một điển hình nghề tranh tre ở Hà Nội, và cũng có rất nhiều những gia đình cũng đang thực hiện công việc này để đáp ứng đủ nhu cầu tranh tre cho thị trường. Nhìn từ một góc độ nào đó, tranh tre thực sự là một món quà đậm chất Á Đông dành cho những người yêu nghệ thuật. Và những nội dung trên bức tranh đã phản ánh rõ phần nào cuộc sống tinh thần của người dân Việt. 

LÊ NHI

Tin cùng chuyên mục