Đà Lạt thiếu nước sinh hoạt

Thiếu nước sinh hoạt không phải là vấn đề mới với TP nghỉ dưỡng Đà Lạt mà đã xảy ra cục bộ từ nhiều năm qua và cách đây 2 năm đã có một đợt báo động khi thiếu hụt nguồn cung giữa mùa khô. Và nay, điều tồi tệ cũng đang xảy ra…

Hiện nguồn cung cấp nước cho người dân phố núi và du khách lấy từ 2 nguồn với tổng công suất 36.000m³/ngày đêm, trong đó: hồ Đan Kia cung cấp công suất 25.000m³/ngày đêm và hồ Chiến Thắng (11.000-12.000m³/ngày đêm).

Công suất này đủ cung cấp nước cho người dân TP dùng từ thứ hai đến thứ sáu nhưng vào các ngày cuối tuần, dịp hè hay lễ 30-4, tết thì nguồn cung vẫn thấp hơn so với nhu cầu sử dụng 2.000m³ – 10.000m³ nên gây ra tình trạng thiếu nước.

Hiện mỗi ngày Đà Lạt bị thiếu mất khoảng 6.000m³ và nếu thời tiết không thuận lợi thì đến cuối tháng 3 này sẽ thiếu 10.000m³/ngày đêm.

Trao đổi với PV Báo SGGP ngày 28-2, ông Võ Quang Tuân (Phó Giám đốc Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng) cho biết: công ty đang xem xét thay đổi phương án cấp nước luân phiên ngày chẵn, ngày lẻ (24 giờ) xuống còn nửa ngày (12 giờ) để giảm bớt khó khăn cho sinh hoạt của người dân, nhất là sinh hoạt của bệnh viện và các khách sạn, quán ăn…

Việc thiếu nước cục bộ vào cao điểm mùa khô không phải là vấn đề mới xảy ra đối với Đà Lạt nhưng cứ mỗi năm vấn đề càng thêm trầm trọng.

Hàng năm nhu cầu sử dụng nước sạch tăng thêm khoảng 5% với 1.500 hộ và những năm gần đây diện tích hoa nhà kính không ngừng tăng lên và năm 2009 ước đạt hơn 700 ha đã ngăn không cho nước mưa thấm tự nhiên xuống đất làm giảm nguồn nước ngầm chảy về hồ Chiến Thắng.

Khi diện tích đất canh tác tăng lên, nhất là hoa trúng giá như vụ Tết Kỷ Sửu trong lúc giá nước rẻ (hơn 5 năm chưa thay đổi) nên một lượng nước máy đáng kể được người dân dùng tưới rau, hoa góp phần làm thiếu nước.

Kết thúc mùa mưa vào tháng 11-2008, mực nước dâng trong hồ Chiến Thắng chỉ đạt 3,4m, thấp hơn mọi năm 2m nên nó đã cạn sớm hơn nhiều năm khoảng 5 tuần.

Được biết, từ năm 2006, Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng đã thấy được tính cấp bách của vấn đề nhưng dường như chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của chính quyền và ngành chức năng trong việc giao đất, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ và hỗ trợ vốn để triển khai các dự án mới.

Trước đây, công ty đã có kế hoạch nâng công suất Nhà máy nước Đan Kia và nếu được quan tâm, tạo điều kiện về vốn thì tình trạng thiếu nước đã được cải thiện đáng kể. Năm 2008, tỉnh đã cấp phép cho Công ty GELEXIM xây dựng NMN Đan Kia 2 công suất lên tới 30.000m³ ngày đêm nhưng đến nay sau 10 tháng khởi công dự án đang bị “treo” dù theo kế hoạch đến cuối năm 2009 phải có nước. Điểm bất cập của dự án này là nguồn nước lại được lấy chính từ hồ Đan Kia và không có gì đảm bảo hồ sẽ cung cấp đủ cho 2 NMN cùng lúc?

Một dự án khác là NMN Tuyền Lâm của Công ty CP Cấp nước Tuyền Lâm với công suất thiết kế 15.000m³ (giai đoạn 1 công suất 5.000m³, ngày đêm) khởi động từ 2 năm qua nhưng hiện trạm bơm tăng áp vẫn chưa có mặt bằng để xây dựng?

Quả là tình hình nước sinh hoạt cho đô thị Đà Lạt đang báo động đỏ nếu trong tháng 3 này trời không mưa to!

Văn Phong

Tin cùng chuyên mục