“Bức tử” rừng để lấy than

Trong thời gian qua, gần chục đơn vị và nhiều cá nhân đã đua nhau phá nát rừng Khe Tre (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) để khai thác than đá và lấy cây đốt làm than. Một hiểm họa về môi trường đang đe dọa nơi đây. Hàng trăm hộ gia đình nằm ngay dưới chân núi đang kêu cứu và hàng ngàn hộ dân ở vùng hạ lưu sẽ phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước và lũ lụt.
“Bức tử” rừng để lấy than

Trong thời gian qua, gần chục đơn vị và nhiều cá nhân đã đua nhau phá nát rừng Khe Tre (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) để khai thác than đá và lấy cây đốt làm than. Một hiểm họa về môi trường đang đe dọa nơi đây. Hàng trăm hộ gia đình nằm ngay dưới chân núi đang kêu cứu và hàng ngàn hộ dân ở vùng hạ lưu sẽ phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước và lũ lụt.

Tan hoang đỉnh núi

Theo con đường dốc dựng đứng do các đơn vị khai thác than mở, chúng tôi lần theo dấu vết của các vệt than đá rơi vãi để tìm đến các khu mỏ khai thác than đá trên đỉnh núi Khe Tre. Trên suốt tuyến đường từ chân núi cho đến đỉnh gần chục kilômét, cảnh tượng những vạc rừng bị cày xới tan hoang, những gốc cây trơ trọi với đường kính gần 0,5m xuất hiện dày đặc.

Xe múc đang bạt núi, phá rừng để khai thác than đá. Ảnh: Nguyễn Hùng

Xe múc đang bạt núi, phá rừng để khai thác than đá. Ảnh: Nguyễn Hùng

Càng lên cao, tình trạng chặt phá rừng càng trở nên nghiêm trọng hơn. Các mỏ than đã được các đơn vị khai thác xong bỏ lại với ngổn ngang cây cối, đất đá và những hố sâu gần chục mét, rộng cả trăm mét vuông. Thêm vào đó là hàng chục điểm khai thác mới vừa được mở. Cảnh tượng thật hãi hùng.

Khi lên đến đỉnh núi, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng hàng chục con người cùng với máy xúc, máy ủi ầm ầm hoạt động để bạt núi mở đường, phát quang rừng để lấy than. Ông Trần Văn Trung – một người dân ở xã Đại Hưng than thở: “Tan nát hết rồi! Cả khu rừng này chắc không còn nếu tình trạng này tiếp diễn chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi”.
 
Ngay trên đỉnh núi Khe Tre, chúng tôi đếm được gần chục điểm khai thác than lộ thiên và 4-5 hầm mỏ mà các công nhân ở đây đang ngày đêm đục khoét vào bên trong lòng núi. Thấy một hang sâu, tối mịt nhưng có tiếng động từ bên trong phát ra, chúng tôi quyết định thâm nhập để tìm hiểu.

Khi vừa chui vào trong hang được vài mét thì một người mặt mũi đen ngòm vì dính bụi than, trên tay cầm chiếc xà beng, nói giọng đe dọa: “Ai đó, muốn gì mà chui vào đây?”. Nếu để họ biết là nhà báo sẽ rất nguy hiểm nên chúng tôi liền tự giới thiệu là những người đi chụp ảnh phong cảnh núi rừng do đam mê. Nghe vậy, anh ta mới chịu đứng yên và thôi đe dọa.

Một lát sau, thấy không còn nguy hiểm, chúng tôi lân la hỏi chuyện. Anh này cho biết tên Thành, quê ở Đại Lộc vào đây làm được gần 1 năm, mỗi ngày làm được 4-5m3 than và được trả công 60.000 đồng/ngày. Trước đây, anh và các công nhân khác khai thác than ở những nơi có than lộ thiên, còn bây giờ thì được phân công “khoét núi” vì ngọn đồi này có trữ lượng than lớn.

Khi chúng tôi hỏi: “Khai thác than như thế này hủy hoại rừng ghê gớm lắm, anh có biết không?”. Anh Thành thản nhiên trả lời: “Việc đó tui không cần biết. Ở quê không có việc làm nên tui vào đây làm kiếm tiền nuôi gia đình”.

Hàng trăm hécta rừng ở xã Đại Hưng không những đang oằn mình gánh chịu nạn đào xới, đục khoét vào lòng núi của những đội quân khai thác than đá mà hàng ngày còn bị “chảy máu” bởi nạn đốn hạ cây rừng đốt lấy than.

Trên suốt dọc đường vào rừng Khe Tre, chúng tôi phát hiện 3 hầm đốt củi lấy than đang bốc khói nghi ngút. Nhiều vạt rừng bên cạnh các hầm đốt than này chỉ còn trơ trọi gốc cây.
 
Hiểm họa môi trường
 
Ông Phạm Văn Trạy, Trưởng thôn Thành Đại, bức xúc: “Khai thác kiểu dùng xe ủi núi ra để lấy than thì còn gì là rừng, là núi. Ngày xưa, rừng xanh bạt ngàn, là chỗ kiếm sống của người dân chúng tôi như lấy dầu rái, bức mây… nhưng bây giờ thì không còn gì nữa rồi. Đặc biệt, rừng bảo vệ hàng trăm hộ dân đang sinh sống ngay dưới chân núi mỗi khi mưa lũ về.

Bây giờ rừng không còn, núi bị cày xới tan hoang, cả ngàn mạng sống của người dân các thôn Thành Đại, Đại Mỹ, An Điềm bị đe dọa nghiêm trọng. Con người và tài sản có thể bị mưa lũ cuốn trôi trong phút chốc”.
 
Từ ngày việc khai thác than đá diễn ra ồ ạt tại đây, người dân xã Đại Hưng luôn sống trong nỗi lo sợ và bức xúc. Lo sợ vì hiểm họa lũ quét rình rập, bức xúc vì môi trường, môi sinh bị ô nhiễm trầm trọng.

Bà Lương Thị Nga cho biết: “Cuộc sống của gia đình tôi chỉ trông chờ vào hơn 1 sào ruộng phía dưới chân núi. Nhưng mới đợt mưa vừa rồi, nước than đá đen ngòm từ trên núi chảy xuống làm lúa chết hết. Nhiều hộ dân khác cũng cùng chung cảnh ngộ nên rất bức xúc và chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền. Nhưng đến nay vẫn không thấy chính quyền các cấp có cách giải quyết nào cho bà con”.
 
Khi đến tìm hiểu thực tế tại những khu đất nông nghiệp phía chân núi, chúng tôi thật sự cảm thông cho nỗi lo của bà Nga cũng như hàng trăm hộ dân nơi đây. Tại đây, nhiều khu ruộng phải bỏ hoang, còn nhiều mảnh ruộng khác thì cây lúa đang vàng úa và chết dần. Ngay cả nguồn nước sinh hoạt của bà con nơi đây cũng ô nhiễm than đá nghiêm trọng.

Tình trạng người dân bị ngứa, lở loét do tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm xảy ra ngày càng nhiều. Theo phản ánh của nhiều bà con, trâu bò uống phải nguồn nước nhiễm độc này đã lăn đùng ra chết. 

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục