“Vua sanh” xứ cát

Nói về đất Phù Cát, tỉnh Bình Định, người ta thường gọi là đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”! Vậy mà trong cái khắc nghiệt của miền biển, hơn 20 năm qua, Trần Đình Hòa (ảnh) (thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến) như chú ong cần mẫn, trồng cây sanh và từ một nông dân tay trắng, anh trở thành triệu phú, là “vua sanh” xứ cát. 
“Vua sanh” xứ cát

Nói về đất Phù Cát, tỉnh Bình Định, người ta thường gọi là đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”! Vậy mà trong cái khắc nghiệt của miền biển, hơn 20 năm qua, Trần Đình Hòa (ảnh) (thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến) như chú ong cần mẫn, trồng cây sanh và từ một nông dân tay trắng, anh trở thành triệu phú, là “vua sanh” xứ cát. 

Bán cây, mua lại “gốc” 

Xuất hiện trên chiếc xe máy hiệu Rebel mới toanh, chân dung của “vua sanh” xứ cát: đội mũ tai bèo, hai vạt áo buộc chéo, điện thoại đeo bên hông, người thấp, đậm, da sạm đen và không ai nghĩ Hòa đang là ông chủ… Từ trồng lúa anh xoay ra trồng hoa, đi bạn đánh bắt cá, chạy xe ôm, rồi làm thuê nhưng do sức vóc không nhiều, phần bị cái nghèo đeo bám nên cuộc sống nghèo cứ hoàn nghèo.

“Duyên vô tiền định”. Một ngày tháng 8-1981, lang thang trên núi kiếm củi, anh bắt gặp cây sanh đem về nhà trồng, giâm cành, nhân giống. Năm 1997, anh bán cây sanh đầu tiên này được 3 triệu đồng (tương đương 8 chỉ vàng), cưới vợ hết 1 chỉ, số còn lại, quyết định đầu tư trồng cây kiểng. 

Một tương lai mở ra với anh khi đợt đầu tiên bán được 35 chậu sanh, thu 50 triệu đồng, đặc biệt có cây sanh thế anh bán với giá 95 triệu đồng cho một khách từ Nam Định vào tận vườn mua. “20 năm làm nghề, 10 năm bắt đầu có thu, trung bình mỗi năm thu về 100 triệu đồng, vị chi anh đã có 1,2 tỷ… vậy là tỷ phú rồi”, tôi nhẩm tính. Hòa cười một tràng dài, vang: “Không đến thế đâu, nhưng hiện giờ hơn 500 gốc sanh đã gần 5 năm tuổi, trung bình 2 triệu đồng/gốc, anh tính thử xem là bao nhiêu?”, rồi lại cười sảng khoái.

Bây giờ thì khách hàng của Hòa không chỉ trong tỉnh mà ở khắp mọi miền đất nước. Ăn nên làm ra, anh Hòa không quên cây sanh “tổ” của hơn 600 gốc sanh bây giờ anh đang có nên anh tìm đến nhà cổ Thủy Tài xin được mua lại cây sanh đầu tiên với giá 20 triệu đồng vì “nhờ cây sanh đó, cái gốc đó mới có gia tài ngày nay”! 

Đi lên từ cát! 

Cát Tiến là xứ cát nhiều hơn đất nên việc chọn cát để trồng cây được xem như một phát minh của Hòa. Những hôm trời mưa, người dân trong xã thấy anh lụi cụi hớt lớp cát mỏng ở ngoài sân vườn, thậm chí cả ở ngoài đường. Hòa phân tích: “Cát vùng này chứa nhiều chất kiềm, canxi... được phân hủy từ những vỏ sò, ốc của biển, sau những cơn mưa, lớp cát bề mặt là lớp sạch. Loại cát này hoàn toàn không có phân, không có mùn hữu cơ, khi sử dụng mới bón phân và như vậy rất dễ kiểm soát liều lượng phân”, Hòa giải thích.

Nghe đơn giản nhưng để làm được và chăm sóc cây sanh trong môi trường nuôi trồng là đất cát, như cách của anh, thì không dễ chút nào. Sau nhiều năm vui, buồn cùng với cây sanh, giờ trong 3 vườn của “vua” sanh xứ cát có trên 600 gốc, cây nào cũng xanh mướt, phát triển tốt. Cây sanh dễ bán, được nhiều người chuộng phải là cây có lá nhỏ, da trắng, đọt xanh, dày chi, mau lớn, trái đẹp. Vì vậy, giống sanh mà anh chọn đều có hầu hết những đặc tính ưu việt này… 

Thấy việc làm ăn của anh Hòa phát triển, hàng chục hộ trong thôn Phú Hậu cũng làm theo và đến nay họ cũng đã giàu lên nhờ sanh. Anh Hòa cho biết: “Tôi đã lập dự án để trình UBND xã xin thuê 1-2 ha đất để nhân giống cây sanh con và trồng thêm một số cây trang trí. Nhưng xã đã hết đất. Tôi mới kiếm thêm được địa điểm mới, đang san lấp mặt bằng”. Hòa dự báo: “5 năm tới, nhu cầu trồng kiểng của người dân sẽ tăng lên rất nhiều và tôi sẽ kết hợp làm điểm du lịch nhà vườn và các dịch vụ khác để mở rộng sản xuất, kinh doanh” 

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục