Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa

Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa

Đã thành thông lệ, vào dịp tháng 2-3 Âm lịch hàng năm, một lễ hội thiêng liêng mà trên đất nước Việt Nam sẽ không có nơi nào có được - Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Những cuộc ra đi

Ngày 18-4, lễ hội tâm linh này đã được 13 tộc họ tiền hiền, 27 dòng họ hậu hiền của hòn đảo nằm giữa trùng khơi xanh thẳm tổ chức nhằm tri ân đội Hùng binh Hoàng Sa năm xưa.

Tiếng trống liên hồi của lễ hội như tái hiện lại âm hưởng thôi thúc, động viên những binh phu năm xưa lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng vì Tổ quốc. Biết số phận mỏng manh khi ra biển lớn, hành trang mỗi người mang theo là một đôi chiếu, sẽ là vật dùng để bọc xác nếu không may gục ngã; 7 đòn tre, sẽ là vật nẹp quanh thân; 7 sợi dây mây, sẽ được dùng để bó xác người. Thi thể người lính nếu không may xấu số ấy sẽ được đồng đội thả xuống biển cả mênh mông.

Chiếc thẻ bài bằng tre có ghi tên tuổi, làng quê, phiên hiệu được cài trong bó xác sẽ là thông điệp gửi lại cho gia đình và bản quán nếu thi thể chưa kịp làm mồi cho cá dữ, khi sóng cả chưa làm tan tành những nẹp tre cùng những sợi dây mây… Vậy nhưng, đã bao phen, những binh phu ra đi, vẫn không thấy chiếc thẻ tre quay về làng cũ… Họ - những hùng binh Hoàng Sa - đã ra đi như vậy với tâm thức như những cảm tử quân. Sự hình thành và hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải trong lịch sử được sử gia của các triều đại phong kiến Việt Nam ghi lại, sách Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn) ghi chép: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như gươm, tiền bạc, vòng bạc… Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp”.

Tri ân

Phục dựng mô hình thuyền các binh phu ra Hoàng Sa năm xưa. Ảnh: Hà Minh
Phục dựng mô hình thuyền các binh phu ra Hoàng Sa năm xưa. Ảnh: Hà Minh

Theo TS văn hóa dân gian Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi: “Có lẽ, Lễ Khao lề xuất hiện trong đời sống của người dân Lý Sơn ngay sau khi những binh phu của đảo giong buồm ra Hoàng Sa kể từ khi Chúa Nguyễn trấn nhậm phương Nam cách nay trên 3 thế kỷ”. “Đã anh hùng dù sinh tử chớ sờn; Tuân lệnh triều đình bảo vệ lãnh hải trên vùng biển Hoàng Sa-Trường Sa; Tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn; thề quyết bảo vệ biên cương, bờ cõi; Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa - Phạm Văn Nguyên; Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa - Phạm Hữu Nhật; Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa - Phạm Văn Biện; Cai đội Hoàng Sa - Phạm Quang Ảnh… hùng binh hải đội Hoàng Sa hy sinh bảo vệ biên cương Tổ quốc”! Lời điếu văn gọi hồn các vong linh vang lên như hòa vào những đợt sóng lan tỏa vọng mãi ra biển khơi.

Cái hàm ơn mà bây giờ các thế hệ tộc họ trên Lý Sơn thể hiện với những hùng binh Hoàng Sa là lễ cúng “thế lính/tế lính”. Thân cây chuối hoặc thân cây tre làm một cỗ thuyền để tế, trên cỗ thuyền và đặt các hình nộm bằng giấy, trang trí cờ ngũ sắc cùng trầu, rượu, bánh khô, thịt, muối, nước, vàng mã... dâng ra trước sân của đình làng An Vĩnh. Lý Sơn tự hào có đội hùng binh Hoàng Sa, những người con của huyện đảo giữa trùng khơi này đã góp phần mang gươm đi mở cõi, cắm mốc, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc nơi biển xanh.

Hình ảnh tượng đài những hùng binh Hoàng Sa đã được người dân Lý Sơn khắc họa sâu thẳm trong tâm khảm như một mạch nguồn văn hóa trao truyền thế hệ để mãi mãi ghi nhớ, tự hào về những chiến sĩ trong đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam” - cụ Võ Hiển Đạt, vị cao niên, một trong hai “nhà Hán học” uyên thâm của huyện đảo Lý Sơn - tâm sự như nhắc nhở. Và những gì thuộc về công trạng của đội Hoàng Sa năm xưa đã được ghi trên câu đối lưu truyền tại đình làng Lý Vĩnh, dù đình Lý Vĩnh nay không còn: Ân đức dựng xây miền đảo Lý; Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa!

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục