Khai thác khoáng sản ở Kiên Giang: Sai phạm tràn lan, xử lý cả nể

Quá nhiều sai phạm
Khai thác khoáng sản ở Kiên Giang: Sai phạm tràn lan, xử lý cả nể

Kết quả thanh, kiểm tra tại 26 công ty, doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cho thấy, hoạt động này đang rất lộn xộn, sai phạm tràn lan. Trong khi đó việc xử lý vẫn còn xề xòa, cả nể.

Khai thác đá thủ công ở Hòn Đất (Kiên Giang). Ảnh: T.Vũ

Khai thác đá thủ công ở Hòn Đất (Kiên Giang). Ảnh: T.Vũ

Quá nhiều sai phạm

Một cán bộ trong đoàn kiểm tra liên ngành cho biết: “Có đi thực tế tại các mỏ đá mới giật mình bởi quá nhiều sai phạm trên lĩnh vực này. Hầu như doanh nghiệp nào khi kiểm tra cũng “dính”. Thậm chí, có những sai phạm rất dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng”. Lỗi phổ biến trên lĩnh vực khai thác khoáng sản là làm không theo phương pháp đã duyệt. DNTN Tâm Thanh, Công ty TNHH Thiên Giang khai thác tại mỏ núi Túc Khói  không cắt tầng nhỏ, bóc tầng phủ. Hơn nữa, theo thiết kế được duyệt, khai thác phải từ trên xuống nhưng doanh nghiệp lại khai thác theo lớp xiên.

Tương tự, Chi nhánh Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại Biển Tây (mỏ Trà Đuốc Lớn) lại khai thác theo vách đứng và không cắt tầng. Đội khai thác đá Bình An - đơn vị 622 (mỏ Lò Vôi Lớn), Công ty TNHH Nguyễn Bay, Công ty TNHH Quốc Thắng khai thác theo phương pháp thủ công, để công nhân trực tiếp đập, chặt, chẻ đá ngay tại công trường, không đảm bảo an toàn tính mạng người lao động.

Hàng chục doanh nghiệp không thực hiện tốt nội dung trong báo cáo hoặc cam kết, chưa ký quỹ cải tạo phục hồi, bảo vệ môi trường, một số khu vực nghiền đá để bụi phát tán ra môi trường xung quanh. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số doanh nghiệp sai phạm về an toàn lao động như: Chi nhánh Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng miền Nam, DNTN Tâm Thanh, Công ty cổ phần Thiên Giang không thực hiện tập huấn kiến thức, khám sức khỏe định kỳ, trang bị đồ bảo hộ, bồi dưỡng cho người lao động và chưa kiểm định đối với thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Trong quản lý, sử dụng vật liệu nổ, Chi nhánh Công ty TNHH Hữu Dương, Công ty TNHH Thiên Giang, Công ty TNHH Hương Trường, Công ty TNHH Nhật Khánh, DNTN Loan Phát… cũng chưa thực hiện đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, Công ty TNHH Biển Tây còn tổ chức bắn mìn ngoài khu vực được cấp phép.

Một số đơn vị không đảm bảo điều kiện, năng lực trong quá trình khai thác như: Đội khai thác đá Bình An khai thác tại mỏ Lò Vôi Nhỏ khi chưa được cấp phép và không có hồ sơ khai thác; Công ty TNHH Trung Hiếu khai thác vượt công suất, trong khi Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên thiết kế một đàng, phương pháp khai thác một nẻo.

Phạt lấy lệ

Mới đây, tại buổi làm việc với Sở TN-MT tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi cương quyết: “Phải lập lại trật tự, kỷ cương trên lĩnh vực khai thác khoáng sản. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt kiểm tra sau khi cấp phép để đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, thực hiện đúng theo những cam kết trước khi được cấp phép”.

Chỉ đạo là vậy, nhưng khi thực hiện công vụ, các cơ quan thực thi vẫn xề xòa, cả nể. Một thành viên trong đoàn kiểm tra liên ngành cho hay, rất khó xử phạt các doanh nghiệp sai phạm, vì hầu hết đều có “sếp đỡ đầu”. Chẳng lẽ phát hiện hàng loạt doanh nghiệp vi phạm nhưng không phạt vụ nào cũng khó coi, nên việc phạt cũng chỉ lấy lệ, mức phạt cũng không làm doanh nghiệp buồn lòng.

Anh cán bộ này bức xúc: “Hôm đó, tôi làm việc với chủ doanh nghiệp. Đang ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người này gọi điện thoại nói chuyện với một “sếp”, xong đưa điện thoại cho tôi nghe. Đầu dây bên kia nói: “Thôi, nhắc nhở doanh nghiệp được rồi(!)”.

Dư luận tại Kiên Giang cho rằng, nếu cứ phạt xuề xòa như thế sẽ chẳng khắc phục được gì, trong khi hoạt động khai thác khoáng sản ở Kiên Giang ngày càng diễn biến phức tạp.

Kiên Giang hiện đang khai thác các loại khoảng sản như: đá xây dựng, đá vôi, vật liệu san lấp, than bùn và khoáng sản làm xi măng. Trong đó, đá xây dựng quy hoạch khai thác tại 7 mỏ, với 268ha, trữ lượng khoảng 111 triệu m³, đã cấp 23 giấy phép; đá vôi quy hoạch khai thác 14 mỏ, diện tích 60,7ha, trữ lượng khoảng 17 triệu tấn. Những mỏ lớn do Bộ TN-MT cấp phép, tỉnh cấp 11 giấy phép khai thác tại các mỏ nhỏ; khoáng sản làm xi măng có 12 mỏ, trữ lượng 235 triệu tấn.

Trọng Nghĩa

Tin cùng chuyên mục