Vụ lãnh đạo Nhà máy cồn Đại Tân (Quảng Nam) “mất tích”: Thuê vệ sĩ phá tài sản của dân

Trong khi lãnh đạo Nhà máy cồn ethanol Đại Tân (Quảng Nam) mất tích cùng khoản nợ người dân hàng chục tỷ đồng chưa được giải quyết thì 2 giờ sáng ngày 20-12, gần 100 người lạ mặt tự phong tỏa giao thông, có hành vi côn đồ và định phá cửa nhà máy để hút cồn gây nên cảnh đại náo giữa đêm khuya tại xã Đại Tân.
Vụ lãnh đạo Nhà máy cồn Đại Tân (Quảng Nam) “mất tích”: Thuê vệ sĩ phá tài sản của dân

Trong khi lãnh đạo Nhà máy cồn ethanol Đại Tân (Quảng Nam) mất tích cùng khoản nợ người dân hàng chục tỷ đồng chưa được giải quyết thì 2 giờ sáng ngày 20-12, gần 100 người lạ mặt tự phong tỏa giao thông, có hành vi côn đồ và định phá cửa nhà máy để hút cồn gây nên cảnh đại náo giữa đêm khuya tại xã Đại Tân.

  • Tẩu tán tài sản trong đêm?

Theo người dân có mặt chứng kiến sự việc kể lại: vào khoảng 2 giờ ngày 20-12, hàng chục người đi trên 1 chiếc xe 16 chỗ và 1 xe 50 chỗ dẫn 16 xe bồn từ Đà Nẵng lên Nhà máy cồn Đại Tân. Khi đến nơi, hàng chục người đã tự ý phong tỏa đường đi; đập phá, đâm thủng lốp và khiêng 2 xe tải loại 3,5 tấn đang chắn trước cổng nhà máy sang một bên.

Trong số những người này, có những người mặc đồng phục vệ sĩ, cầm gậy dài, roi điện, bình xịt hơi cay phong tỏa đường đi, cổng Nhà máy cồn Đại Tân. Sau đó, nhóm người này đã xông vào cổng nhà máy hòng tháo dỡ cổng để xe bồn vào chở cồn. Hành động này lập tức gặp sự phản ứng của khoảng 20 người dân của tỉnh Quảng Nam và Kon Tum (đang nằm sẵn chờ đòi nợ 21 tỷ đồng từ nhiều ngày qua).

Bị người dân ngăn cản không cho phá cửa vào nhà máy, nhóm vệ sĩ đã xô xát với người dân gây náo loạn khiến đồng chí Trương Minh Hòa, Trưởng Công an xã Đại Tân phải nổ súng chỉ thiên để giải vây. Chưa dừng lại ở đó, nhóm người này đòi đưa xe húc đổ cổng nhưng hàng chục người dân đã kết tay nhau đứng dàn hàng ngang và hô “Có Cảnh sát 113 đến” lúc đó nhóm người này dừng lại và bỏ đi.

Ông Dương Rượu Em cho rằng nhóm vệ sĩ đã đâm thủng lốp xe tải của mình.

Ông Dương Rượu Em cho rằng nhóm vệ sĩ đã đâm thủng lốp xe tải của mình.

Tại hiện trường, 2 xe tải nhẹ 92K-6048 của ông Dương Rượu Em và 92K-8109 của ông Dương Văn Phúc (cùng trú xã Đại Phong, Đại Lộc, để chặn trước cổng nhà máy nhiều ngày qua chờ đòi nợ) đã bị đập vỡ kính, thủng nhiều lốp xe. Chung quanh còn vương vãi hàng chục khúc gỗ dài khoảng 80 đến 100cm của nhóm đối tượng lạ mặt mang đến đập phá và để lại.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Trưởng Công an xã Đại Tân Trương Minh Hòa, cho biết: “Chúng tôi thấy nhóm người của Techcombank đưa lên có hành vi côn đồ coi như không có chính quyền. Khi họ xô xát với người dân, trong đó có một mẹ Việt Nam anh hùng, tôi phải nổ súng chỉ thiên họ mới dừng lại”.

  • Công an tỉnh vào cuộc

Ngay trong đêm, Công an huyện Đại Lộc đã đón lõng và tạm giữ 2 ô tô chở 50 người và yêu cầu về trụ sở công an huyện làm việc. Công an huyện Đại Lộc xác định trong số 50 người trên có 35 người là vệ sĩ của Công ty Dịch vụ vệ sĩ Phi Vũ (phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM), 15 người còn lại là thanh niên do Công ty Phi Vũ thuê. Hiện Công an huyện Đại Lộc tạm giữ 2 ô tô chở người tham gia vụ việc cũng như lấy lời khai với các đối tượng, trong đó có bà Hà Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty Dịch vụ vệ sĩ Phi Vũ.

Ngay sáng 20-12, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cho Phòng CSĐTTP về TTXH đến hiện trường phối hợp với Công an huyện Đại Lộc giải quyết vụ việc. Công an tỉnh đang lấy lời khai các đối tượng liên quan để làm rõ ai hợp đồng thuê vệ sĩ Phi Vũ cũng như điều tra ai có hành vi đập phá xe của người dân.

Người dân cho rằng Techcombank đã thuê “xã hội đen” đến đập phá tài sản của dân, phá cổng hòng lén lút vận chuyển cồn ra khỏi nhà máy giữa đêm khuya là hành động bất minh và không thể chấp nhận được. 

NGUYÊN KHÔI 

Xử lý của Techcombank là hợp pháp 

Chiều 20-12, bà Phạm Thị Nhị, Trưởng phòng quản lý khách hàng - doanh nghiệp Techcombank Việt Nam và bà Chu Ngọc Lan, Giám đốc Techcombank chi nhánh Đà Nẵng đã có buổi làm việc với một số cơ quan báo chí về vụ việc. Bà Nhị và bà Lan xác nhận Công ty Đồng Xanh hiện còn nợ Techcombank 152 tỷ đồng. Trước đó, công ty này thế chấp 4.900m3 cồn và sắn lát tại các kho của công ty để vay 300 tỷ nhưng đến khi giám định lại trong kho chỉ còn 1.400m³ (580 USD/m³). Hiện tại trong kho giá trị lượng cồn không đảm bảo cho khoản vay. Techcombank khẳng định việc làm của họ là hợp pháp vì số cồn còn lại trong Nhà máy cồn Đại Tân là tài sản Công ty Đồng Xanh thế chấp cho họ.

Nói về việc có hay không việc Techcombank thuê xã hội đen đến tẩu tán cồn khỏi nhà máy vào rạng sáng 20-12, cả bà Nhị và bà Lan đều khẳng định Techcombank hoàn toàn không biết. Việc vận chuyển số hàng trên do Techcombank hợp đồng với Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Kho vận A+ (viết tắt LA+) thực hiện. Việc LA+ thuê bên thứ 3 là Công ty Dịch vụ vệ sĩ Phi Vũ (TPHCM) tham gia vụ việc được LA+ thông báo cho Techcombank là để bảo vệ và áp tải hàng. Điều đáng nói, đại diện Techcombank cho rằng không biết việc nhóm vệ sĩ do LA+ thuê đập phá tài sản của người dân. Theo báo cáo của cán bộ của Techcombank với lãnh đạo, việc làm của đội vệ sĩ hoàn toàn hợp pháp.

Giải thích việc vận chuyển cồn ra khỏi nhà máy vào giữa khuya, bà Nhị cho rằng là phụ thuộc vào việc nhận hàng của phía đối tác nước ngoài. Nếu trễ hạn cung cấp cồn, bên đối tác sẽ phạt vì vi phạm hợp đồng.

Khi PV hỏi LA+ có phải là công ty thành viên của Techcombank, bà Nhị cho biết LA+ là một công ty hoàn toàn độc lập và đối tác với Techcombank. Tuy nhiên, theo xác minh của PV Báo SGGP, Công ty CP Đầu tư và dịch vụ kho vận A+ có tên giao dịch là Logistics LA+ Techcombank có trụ sở tại tầng 6, tòa nhà CDC, 25-27 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Công ty này là Công ty thành viên của Ngân hàng Techcombank, chuyên về định giá và quản lý tài sản đảm bảo cho hệ thống Ngân hàng Techcombank và các ngân hàng khác.

>>Nhà máy cồn ethanol Đại Tân (Quảng Nam) nợ hàng trăm tỷ đồng, lãnh đạo “mất tích”

Tin cùng chuyên mục