Thú vị từ Flohmarkt

Phiên chợ thời điểm giao mùa

Một người bạn Việt Nam của tôi nhân chuyến du lịch sang Đức đã có dịp đến khu họp chợ trời (Flohmarkt) và mua được bộ đĩa than cùng hũ đựng đường có nắp bạc cổ. Bạn cho đó là “thu hoạch” lớn nhất khi sang du lịch ở đất nước Âu châu này.

Một góc chợ trời ở Đức

Thật vậy, ở Đức mỗi khi có kỳ Flohmarkt, đừng bỏ lỡ cơ hội tham gia và thưởng ngoạn vì đây không đơn giản chỉ là khu chợ mà còn phản ảnh phần nào văn hóa đặc trưng của xứ bản địa.

Phiên chợ thời điểm giao mùa

Nước Đức có khí hậu lạnh giá, băng tuyết phủ trắng xóa từ tháng 11 năm trước kéo dài đến tháng 3 năm sau. Người dân trú ngụ trong nhà, các hoạt động bên ngoài bị đình trệ nhiều do băng tuyết phủ dày, bất đắc dĩ lắm vì tính chất công việc, con cái học hành, họ mới phải ra khỏi nhà. Mùa đông nước Đức buồn và lạnh lẽo, cây cối đóng băng trơ trụi lá càng làm cảnh vật thêm ảm đạm. Khi cuối tháng 3 mùa xuân mới “gõ cửa”, nắng ấm tràn ngập khắp nơi, chim chóc ca hót líu lo, hoa nở bung khoe sắc cũng là lúc người dân bản địa hân hoan với những hoạt động ngoài trời. Họ mở các khu chợ trời - Flohmarkt - để giao lưu gặp gỡ lẫn nhau.

Không chỉ mang tính chất thương mại, các khu chợ trời Flohmarkt còn mang lại cho người dân bản địa những giá trị tinh thần to lớn. Chợ trời họp đồng nghĩa với băng tuyết đã tan, mùa xuân đã tới, lòng người rộng mở. Cả người bán lẫn người mua hân hoan náo nức tới chợ từ sáng sớm. Có những sạp hàng bày bán cả ngày nhưng người mua ít ỏi vì mặt hàng kén người hay diện tích chỗ ngồi khiêm tốn, nhưng sắc mặt người bán hàng vẫn vui vẻ phấn chấn. Những mặt hàng đó họ không phải đầu tư vốn liếng, phần lớn là đồ cũ trong nhà lâu ngày dọn dẹp một lần, gom một “mẻ” lớn đem ra chợ, bán được bao nhiêu vui bấy nhiêu, đồ không bán được trước đó cũng đã xác định bỏ đi rồi, giờ lấy cớ mang ra giao lưu buôn bán thôi nên lòng nhẹ nhõm lắm. Gần đến lúc mùa hè với nắng vàng rực rỡ kết thúc, đến tầm cuối tháng 9 đầu tháng 10 hàng năm, người Đức lại tổ chức họp chợ Flohmarkt một lần nữa trước khi cả con người và cảnh vật bước vào thời kỳ “ngủ đông”.

Nhiều gia đình cả vợ chồng con cái dắt nhau đi chơi chợ, đi từ sáng sớm khi chợ mới mở đến khi xế chiều, ngó nghiêng khu này một tí, lại lân la sang khu khác, ngắm nghía hàng hóa, nâng lên đặt xuống. Và trò chơi mặc cả khi mua bán không hề có trong các siêu thị, cửa hàng ở Đức, giờ được dịp phát huy sự thú vị của nó. Đi chơi chợ là đang tham gia vào một cuộc mua bán mặc cả, thử trí thông minh nhanh nhạy và độ “lì” của cả người bán lẫn người mua. Người mua trả chơi chơi, rẻ mua - đắt để đấy. Người bán phải nắm bắt tâm lý cũng như độ “máu lửa” của người mua muốn sở hữu sản phẩm ở mức độ nào để dùng dằng, nâng đặt, lúc nhu lúc cương để làm sao bán được sản phẩm với giá hời nhất.

Nhưng sung sướng nhất phải kể đến lũ trẻ con theo bố mẹ đi chơi chợ. Chúng được diện những bộ cánh đẹp nhất, tung tăng theo chân bố mẹ ngắm nghía những sắc màu sặc sỡ của khu chợ. Có lẽ chúng không ý thức được giá trị cuối cùng của những món đồ bày bán la liệt trong chợ, đôi khi là vô giá. Và điểm dừng chân cuối cùng mà bọn trẻ mong đợi nhất là khu bán đồ ăn nóng ở cuối chợ: mì xào, xúc xích nướng, bánh Dönner (một loại bánh mì kẹp thịt cừu quay kèm nước sốt và salad có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ theo chân người gốc Thổ du nhập sang đây)... Nhiều gia đình đi chợ từ sáng tới chiều không mua được gì, nhưng nhìn gương mặt họ sáng ngời hạnh phúc, tưởng như họ đã thu hoạch được món hời nhất sau một ngày dài rong ruổi phiên chợ trời này. “Món hời” lớn nhất đó là niềm vui sướng thỏa thích được giao lưu bên ngoài, được thỏa sức ngắm nhìn những sắc màu cuộc sống, được nghe người bán người mua nâng nhấc mặc cả, điều xa xỉ mà cả mùa đông dài giá lạnh cố thủ trong nhà họ không có cơ hội thực hiện.

Một lần tranh thủ dọn kho

Nguyên tắc bất di bất dịch trong việc thiết kế những khu nhà dân sinh ở Đức là ngoài diện tích nhà ở phải có diện tích Keller (tầng hầm) đi cùng. Việc mua bán, thuê nhà, thuê mặt bằng luôn đi kèm cả giá trị của tầng hầm. Vì sao? Tầng hầm là mặt bằng quan trọng trong quá trình sinh sống của dân Đức. Tất cả những đồ đạc trong nhà trải qua quá trình sinh sống, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia luôn được cất giữ dưới tầng hầm như một nơi lưu giữ an toàn. Thời gian trôi qua, lớp bụi thời gian phủ càng dày thêm lên những vật dụng tưởng như vô tri vô giác. Có khi hai, ba thế hệ nối tiếp nhau sinh sống trong cùng một ngôi nhà, và đồ vật cất dưới tầng hầm cứ chất chồng thêm lên, tạo nên tuổi thọ của những món đồ có khi cả trăm năm hoặc hơn thế. Tới một thời điểm nào đó, sức chứa tầng hầm quá giới hạn, gia chủ buộc phải tiến hành một công cuộc cải tổ, dọn dẹp tầng hầm, giải phóng đồ đạc trong nhà. Chợ trời Flohmarkt chính là điểm tập kết cuối cùng của những món đồ cũ, một địa điểm trưng ra những giá trị cuối cùng của đồ vật đã từng gắn bó lâu năm với gia chủ trước khi họ buộc phải quẳng chúng ra bãi rác.

Vậy là thay bằng phải bỏ tiền ra mua phiếu để “được” vứt bỏ đồ đạc vào bãi rác khổng lồ của thành phố với số tiền không hề nhỏ (gia đình tôi một lần dọn kho, chỉ với đồ đạc là những bể cá cảnh được tích trữ lâu ngày của ông chồng, vốn là tay mê chơi cá cảnh - đã phải chi trả 150 EUR cho ba lần đi tập kết bãi rác), giờ đây người dân đã nghĩ ra điểm đến hợp lý hơn là những phiên họp chợ trời vào mùa hè. Họ bán đồ chơi chơi vậy, mà số tiền thu về lại không hề nhỏ và đồ đạc của họ đúng nghĩa “cũ người mới ta”. Có những đồ đạc chỉ qua đôi ba lần sử dụng, nhưng khi gia chủ “phải lòng” món đồ mới với màu sắc kiểu dáng thời thượng hơn là món đồ cũ đã bị “đẩy” ra chợ trời, bán với giá rẻ như cho. Hoặc có những máy xay thịt, máy sấy tóc, bàn ủi, đồ điện...đúng kiểu nồi đồng cối đá, chất lượng miễn chê nhưng kiểu dáng có chút lỗi thời, cũng được bày bán chợ trời. Bên cạnh đó là những món đồ trang sức, quần áo, túi xách, mũ mão... của thương hiệu nổi tiếng với chất liệu da thật, giờ thương hiệu không ra lò sản phẩm này nữa, nhưng qua các phiên chợ trời, ai tinh mắt lùng mua, cũng có may mắn được sở hữu chúng.

Đãi cát tìm vàng

Một người phụ nữ gốc Nga đòi giá chiếc đồng hồ đeo tay cổ với giá 30 EUR khi tôi hỏi mua. Bà giới thiệu rằng chiếc đồng hồ có niên đại gần 200 năm, của người chú bà để lại trong nhà kho. Người chú bà vốn là một người thợ sửa chữa đồng hồ, đã mất cách đây lâu lắm rồi. Bà được thừa hưởng lại ngôi nhà cũ với tầng hầm rộng lớn của chú, vốn không lập gia đình và không có con nối dõi. Những chiếc đồng hồ nằm im lìm dưới nhà kho lạnh lẽo, cũ kỹ, giờ bà bán chúng cho những người có thú sưu tập đồ cổ. Bà tưởng tôi là tay săn tìm đồ cổ nên phát giá cao như vậy. Tôi cảm ơn bà và mỉm cười thoái lui.

Trong suy nghĩ của nhiều người mặc định một điều: những người tìm đến khu chợ trời Flohmarkt thường là những người không có quá nhiều tiền đề đủ mua và sở hữu những món đồ mới. Đó là suy nghĩ phiến diện và đơn giản. Có đi chợ trời nhiều mới hiểu thêm một tầng nghĩa nữa, những người lui tới chợ trời nhiều, săn tìm đồ cũ nhiều có khi lại là những người có quá nhiều tiền, giờ tìm niềm vui vào những thú xa xỉ khác: sưu tầm buôn bán đồ cổ. Tại một góc khuất khác của chợ, những chiếc đồng hồ quả lắc, những chiếc đồng hồ đeo tay cũ kỹ, những chiếc thìa bạc, mâm đồng nằm im lìm một góc ít người để ý. Có biết đâu rằng, trong một khoảnh khắc nào đó, chúng được một tay tinh đời săn tìm đồ cổ để mắt tới. Chính người chủ đang sở hữu chúng cũng không ý thức được giá trị thực sự của món đồ mình đang sở hữu, chỉ mặc định với hai từ đồ cũ và phát giá bán rẻ như cho. Người mua bỏ ra 1-2 EUR để có chúng trong tay, buôn đi bán lại trong giới săn đồ cổ và thu về hàng ngàn EUR không chừng.

Tôi nhìn thấy những giá trị thực tiễn hơn mà khu chợ trời mang lại. Người nông dân ở khu điền trang gần đó mang tới khu chợ trời những chiếc cuốc, thuổng, búa liềm cũ... mỉm cười đon đả khi tôi hỏi giá. Một gia đình đông con bày bán tại đây những con búp bê cũ, áng chừng bao thế hệ bé gái trong gia đình đã sở hữu chúng. Mặt hàng đang bày bán thể hiện phần nào đặc trưng của từng gia đình có mặt trong chợ. Cũng như nhiều người đi chợ trời, tôi hiếm khi mua đồ ở đây mà đi chơi chợ là chủ yếu. Đi để được sống, được hít thở bầu không khí náo nhiệt, để nhìn nhận cuộc sống theo một góc độ khác - đơn giản nhưng tiềm ẩn nhiều giá trị ở tầng sâu.

LÊ MINH THUẬT (từ Đức)

Tin cùng chuyên mục