Thư viện cơ sở: Bỏ thương, vương tội

Đánh giá về hệ thống thư viện cơ sở của TP hiện nay được gói gọn trong 5 cái thiếu: trụ sở, trang thiết bị, nguồn sách, nhân sự và cuối cùng là kinh phí hoạt động. 
Một buổi sinh hoạt bạn đọc tại Thư viện quận Phú Nhuận
Một buổi sinh hoạt bạn đọc tại Thư viện quận Phú Nhuận
Hệ thống thư viện công cộng tại TPHCM hiện đã phủ khắp từ trung tâm TP đến 24 quận huyện và một số xã phường. Dù được đánh giá là một trong những thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa, văn minh nhưng cho đến nay hoạt động của hệ thống này gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí một số gần như là chỉ tồn tại cho có. 
Thiếu tiền, thiếu sách, thiếu nhân sự
Đánh giá về hệ thống thư viện cơ sở của TP hiện nay được gói gọn trong 5 cái thiếu: trụ sở, trang thiết bị, nguồn sách, nhân sự và cuối cùng là kinh phí hoạt động. 
Toàn TP hiện có 24 thư viện quận huyện thì chỉ có 9 thư viện là có trụ sở riêng nhưng hết 8 là nhà cấp 4 đã xuống cấp. 15 thư viện còn lại chỉ là 1 phòng đọc sách nhỏ nằm trong khuôn viên trung tâm văn hóa. Thậm chí một số trường hợp còn bị xếp vào góc chân cầu thang, không có đủ không gian để bày sách chứ chưa nói đến các hoạt động chức năng bình thường nhất của một thư viện.
Về nhân sự, trung bình mỗi thư viện có 2 người nhưng có đến 9 thư viện chỉ có 1 người phụ trách, mỗi khi có công tác đột xuất, đi học lớp nghiệp vụ, lấy sách… xem như thư viện đóng cửa ngừng hoạt động. Đó là chưa kể việc tuyển chọn nhân sự cho thư viện cũng chưa được chú trọng. Theo quy định hiện nay, thư viện quận huyện trực thuộc trung tâm văn hóa quận huyện quản lý. Nếu người quản lý trung tâm am hiểu hoạt động thư viện, tuyển chọn nhân sự phù hợp thì thư viện hoạt động tốt còn ngược lại thì thư viện xem như đi xuống. Do đặc thù hoạt động thư viện quận huyện đòi hỏi thường xuyên bổ sung kiến thức nghiệp vụ, việc nhân lực liên tục thay đổi dẫn đến việc bổ sung kiến thức mới trở nên khó khăn.
Kinh phí hoạt động của các thư viện quận huyện tại TP hiện bình quân khoảng 70 triệu đồng/năm bao gồm toàn bộ các khoản chi từ mua sách đến tổ chức các hoạt động… Tuy nhiên trên thực tế không phải mọi thư viện đều nhận được giống nhau, có nơi mỗi năm nhận được trên 100 triệu đồng trong khi có nơi chỉ nhận được khoảng 30 triệu đồng. Số tiền trên ngay cả để chi trả cho nhân sự đã là một vấn đề khó khăn chứ chưa nói đến việc bổ sung sách, một hoạt động quan trọng bậc nhất của thư viện.
Tính cả năm 2016, tất cả 24 thư viện nhận khoảng 20.000 bản sách, trung bình mỗi thư viện có hơn 850 bản sách. Trong đó, sách tặng từ các nhà tài trợ, sách nhà nước đặt hàng… chiếm đến khoảng 70% nguồn sách khiến tính đa dạng trong nội dung sách của các thư viện hầu như không có, thiếu sức thu hút bạn đọc.
Vai trò của thư viện quận huyện
Có một nghịch lý đang xảy ra với các thư viện quận huyện tại TPHCM là thường các thư viện vùng ven lại làm tốt hơn các thư viện trung tâm.
Có thể nói ví dụ điển hình nhất là Thư viện quận 1 tọa lạc tại Trung tâm Văn hóa quận 1 số 6 Mạc Đĩnh Chi, phường Bến Nghé quận 1. Nằm tại một vị trí đẹp nhưng hoạt động của thư viện lại gần như là con số không, thậm chí hầu như không có bạn đọc đến với thư viện. Sự yếu kém của Thư viện quận 1 không phải là điều gì mới lạ và được xem là một sự tất yếu khi vị trí của thư viện chỉ cách Thư viện KHTH TPHCM, thư viện lớn nhất miền Nam chỉ chưa đến 2km. Xung quanh thư viện là một loạt các nhà sách quy mô từ lớn đến rất lớn và thậm chí chỉ cách đó chưa đầy 5 phút đi bộ là Đường sách TPHCM, trung tâm hoạt động văn hóa đọc nhộn nhịp nhất TP hiện nay. Trong bối cảnh như vậy, việc bạn đọc không quan tâm đến thư viện là một điều dễ hiểu.
Trong khi đó, ở một số thư viện vùng ven lại có hoạt động rất sôi nổi. Được đánh giá là năng nổ nhất trong mạng lưới thư viện quận huyện nhiều năm qua là Thư viện quận 6. Thư viện này đã khéo léo sử dụng lợi thế vị trí nằm cạnh Công viên Phú Lâm để tổ chức hoạt động “Phục vụ sách tại công viên”. Hoạt động này hiện nay đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân khu vực xung quanh.
Ngoài ra, Thư viện quận 6 cùng với các Thư viện quận 5, Tân Phú còn tổ chức hoạt động phục vụ lưu động điểm sách tại các trường học. Các thư viện chọn sách, soạn bài giới thiệu, chọn diễn giả… nhà trường bố trí mặt bằng, sắp xếp học sinh tham gia… các chương trình giúp nâng cao niềm yêu thích văn hóa đọc ở lứa tuổi học sinh.
Tìm hướng đi mới
Thư viện quận 12 hiện đang duy trì và mở rộng hình thức phòng đọc sách phục vụ công nhân tại các khu nhà trọ với kinh phí khoảng 20 triệu đồng mỗi phòng. Trong đó phần sách do Liên đoàn Lao động quận vận động từ nhiều nguồn; phần kệ sách, đèn, quạt, phí bảo dưỡng… do trung tâm văn hóa quận hỗ trợ. Đảng ủy, UBND các phường hỗ trợ bàn ghế, các chủ trọ bố trí không gian đọc, sắp xếp thời gian phù hợp với điều kiện của công nhân khu trọ… các thủ thư thực hiện việc chọn sách, giới thiệu sách hay, mới đến công nhân, tư vấn sách hợp nhu cầu. Mô hình phòng đọc sách khu nhà trọ đã đáp ứng đúng nhu cầu giải trí của công nhân vốn khó có điều kiện lên thư viện nên đã nhận được hưởng ứng tích cực.
Thư viện cơ sở: Bỏ thương, vương tội ảnh 1 Phòng đọc sách phục vụ công nhân tại quận 12
Cũng với hình thức phục vụ công nhân, thư viện quận Thủ Đức lại có cách làm khác khi đưa sách lên các xe cơ động để mang trực tiếp đến phục vụ các khu nhà trọ công nhân.
Theo Th.s Nguyễn Thị Như Trang, Phòng Xây dựng phong trào (Phòng Mạng lưới Thư viện), Thư viện KHTH TPHCM, người nhiều năm hỗ trợ nghiệp vụ cho các thư viện cơ sở thì hoạt động thư viện cơ sở hiện thiếu ổn định nghiêm trọng. Do đặc thù thư viện hiện là một phần của trung tâm văn hóa quận, huyện, việc thư viện hoạt động tốt hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan tâm của ban giám đốc trung tâm.
Các thư viện hoạt động mạnh, có nhiều chương trình thiết thực đều là các thư viện có sự hỗ trợ nhiệt tình từ ban giám đốc trung tâm. Thậm chí, hiện nay một số trung tâm duy trì hoạt động thư viện do tình thế bắt buộc, nếu không có sẽ bị giảm thành tích thi đua cuối năm.
Đầu năm 2017, Sở VHTT TPHCM yêu cầu các thư viện quận huyện phải đạt mức bổ sung sách tối thiểu 1.500 bản/năm, thu hút từ 15.000 đến 20.000 lượt bạn đọc một năm. Tuy rằng con số trên vẫn chưa cao và cách làm trên mới chỉ mang tính ứng phó. Về lâu dài, hệ thống thư viện quận huyện muốn phát triển cần có những hướng đi mới như tách thành thư viện độc lập, có con dấu, tài khoản riêng. Và cuối cùng là chính sách đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực.
Có nơi thư viện bị xem là chỗ để “an dưỡng” của những người sắp nghỉ hưu hoặc không có chỗ sắp xếp công tác. Những thủ thư này xem công tác thư viện như một dạng bảo vệ, sáng mở chiều đóng, các hoạt động liên quan đến sách hầu như không có.
Ở một số trung tâm khác, vấn đề nhân sự được chú trọng hơn nhưng lại vấp phải rào cản về chế độ chính sách, mức lương của thủ thư thư viện quận huyện hiện được xem là quá thấp so với các bộ phận khác, chế độ phụ cấp độc hại cũng quá ít, chỉ khoảng từ 2.000 đến 4.000 đồng/người/ngày.
Kết quả là dù rất thiếu nhân sự nhưng vẫn không thể tìm được người như trường hợp Thư viện quận 5 trước có đến 5 thủ thư nhưng đến nay chỉ còn 1 người, trung tâm đã tổ chức thi tuyển nhưng vẫn chưa tìm được nhân lực bổ sung.

Tin cùng chuyên mục