Thuốc nhau thai đầy chợ

Ăn vô “sung” liền
Thuốc nhau thai đầy chợ

Thông tin “thuốc thịt người” từ Trung Quốc được các cơ quan chức năng Hàn Quốc phát hiện đang gây sốc dư luận. Tuy nhiên, thực tế thuốc từ nhau thai (Tử hà sa) thì đông y đã ghi nhận từ lâu và sử dụng rộng rãi trong nhiều bài thuốc trị bệnh. Hiện thị trường Tử hà sa tại Việt Nam cũng khá sôi động bởi nguồn nhập lậu từ Trung Quốc và chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa cảnh báo Tử hà sa có thể truyền bệnh nếu không được kiểm soát tốt. Ảnh: Tường Lâm

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa cảnh báo Tử hà sa có thể truyền bệnh nếu không được kiểm soát tốt. Ảnh: Tường Lâm

Ăn vô “sung” liền

Dù đã được khuyến cáo là phải có người quen dắt đi thì mới mua được nhưng chúng tôi vẫn mạnh dạn đến chợ đông y ở quận 5, TPHCM hỏi mua Tử hà sa. Ghé hiệu dược liệu đông y có tên Kỳ Duyên, nằm ngay trên hẻm ra vào khu dân cư trên đường Hải Thượng Lãn Ông, cô bán hàng nói còn và bảo người vô nhà đem ra với giá 250.000 đồng/cái. Thế nhưng, sau một lúc hỏi han về nguồn gốc thuốc, tình hình mua bán ra sao, cô bán hàng tỏ ra nghi ngờ chúng tôi là cơ quan quản lý nên ngượng ngùng tháo lui: “Hết hàng rồi”.

Chúng tôi lại ghé vào một hiệu thuốc đông y kế tiếp thì được cô bán hàng niềm nở: “Mua bao nhiêu cái, loại tốt hay loại thường”. Xong rồi cô ta giải thích loại thường là chỉ có 5 chữ viết của Trung Quốc, còn loại tốt có 4 chữ Trung Quốc lớn và 6 chữ nhỏ ở dưới. Cô ta đưa ra mấy gói, bên ngoài bao ni lông viết loằng ngoằng tiếng Hoa, bên trong là những cục vón màu vàng rộm chẳng khác gì mì tôm. Mỗi loại mỗi giá khác nhau, nhưng đều có tác dụng “Ăn vô là sung liền”, cô bán hàng quảng cáo và hướng dẫn sử dụng có thể về nấu canh, xào với rau hoặc có thể tán ra bột để hòa với nước uống…

Để tìm hiểu thêm thị trường Tử hà sa, chúng tôi tiếp tục đến một số cửa hàng thuốc đông y ở đường Triệu Quang Phục, Phùng Hưng (quận 5) và phần lớn đều có sẵn Tử hà sa để bán. Tuy nhiên, họ không trưng bày sẵn trên kệ mà phải vào trong kho lấy. Trao đổi với phóng viên, một số nhà thuốc đông y cho biết Tử hà sa chủ yếu lấy từ đầu mối Trung Quốc.

Có nhà thuốc đông y cho biết mỗi ngày bán được 10-15 cái Tử hà sa. Một chủ nhà thuốc đông y cho biết đa phần họ bán Tử hà sa cho bệnh nhân của các phòng khám đông y được lương y chỉ định dùng, nhất là những trường hợp vô sinh, hiếm muộn. Một số thầy thuốc còn mua cả nhau thai tươi về ngâm rượu hoặc viên thành những viên thuốc nhỏ để bán cho người tiêu dùng.

Bỏ ngỏ kiểm soát

Đem câu chuyện thuốc từ nhau thai trao đổi với lương y Nguyễn Đức Nghĩa, người đã có trên 30 năm nghiên cứu cây thuốc và đông y Việt Nam, ông cho biết nhau thai đã được các thầy thuốc sử dụng từ xưa. Một số lương y dùng để chữa bệnh “tinh khô – huyết kiệt”, rối loạn tình dục, yếu sinh lý, bệnh đường hô hấp… Tuy nhiên, không phải nhau thai nào cũng có thể làm thuốc được. “Nhau thai tươi khi lật ra nhìn như lá sen. Nếu viêm tấy, có hạt, màu sắc không tươi thì các thầy thuốc ngày xưa không dùng”, lương y Nghĩa nói.

Cũng theo lương y Nghĩa, nhau thai vốn nuôi thai nhi bằng những mạch máu nên khi lấy ra một lúc sẽ có màu thẫm như màu huyết khô. “Tử hà sa mà có màu vàng rộm như mì tôm dứt khoát không phải từ nhau thai”, lương y Nghĩa khẳng định.

Theo lương y Nghĩa, việc bào chế thuốc từ nhau thai tại Việt Nam manh mún do quen biết với các cơ sở y tế xin mang về và chủ yếu từ kinh nghiệm của thầy thuốc, chưa hẳn dùng là tốt nếu không nói nguy cơ bị lây truyền bệnh do nhau thai khi lấy ra bảo quản không tốt bị nhiễm vi khuẩn, virus, thai phụ mang bệnh…

Nói về thị trường “thuốc từ thịt người”, bác sĩ Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Quản lý y học cổ truyền - Sở Y tế TPHCM, cho biết chưa ghi nhận tại TPHCM nhưng Tử hà sa thì đã nghe qua. “Cơ quan chức năng chưa hề cấp phép cho việc bào chế, mua bán các loại thuốc từ thịt người hay nhau thai”, bác sĩ Vinh nói. Tuy nhiên, hiện TPHCM có trên 100 cơ sở sản xuất đông dược, 306 nhà thuốc y học cổ truyền nên lượng thuốc được sản xuất và phân phối cũng phong phú với nhiều chủng loại …

Theo bác sĩ Vinh, đa số các loại thuốc đông y hiện nay sản xuất thủ công theo dạng gia đình, không ít nhà thuốc, cơ sở sử dụng nguồn dược liệu nhập lậu, trôi nổi, kém chất lượng.

Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, 90% thuốc đông y bày bán tại Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và đến nay Việt Nam chưa thể kiểm soát được chất lượng các mặt hàng này.

Tường Lâm


  • Nhau thai là rác thải

Theo cử nhân hộ sinh Nguyễn Thị Tuyết Hằng, Phó Trưởng khoa Điều dưỡng Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TPHCM, sau khi sản phụ sinh xong, trước đây, gia đình có nhu cầu lấy nhau thai thì cho mang về, nhưng theo bà Hằng, hiện nay không cho lấy về nữa mà phải xử lý tiêu hủy theo quy trình.

  • “Thuốc thịt người” không được cấp phép, lưu hành ở Việt Nam

Ngày 9-5, phản ứng trước thông tin Hải quan Hàn Quốc phát hiện và tịch thu hàng ngàn viên sản phẩm “thuốc thịt người” có nguồn gốc từ Trung Quốc, TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, sau khi kiểm tra, rà soát, Cục Quản lý dược khẳng định không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành sản phẩm “thuốc thịt người” nêu trên tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người dân, cùng ngày, Cục Quản lý dược đã có công văn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng như hải quan, quản lý thị trường, công an, Ban chỉ đạo 127 địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện các sản phẩm nêu trên, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành. Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nếu phát hiện các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý.

Ng.Quốc

Tin cùng chuyên mục