Giá thuốc hết thời “nhảy múa”?

Chi phí mua thuốc tại Việt Nam chiếm tới 60% trong tổng chi phí cho y tế. Trong khi đó, lâu nay, giá nhiều loại thuốc đua nhau “nhảy múa”. Không chỉ giá thuốc trên thị trường tự do mà giá thuốc đấu thầu vào bệnh viện cũng cao chót vót. Thực tế này khiến cho thị trường dược phẩm nhiều lúc trở nên hỗn loạn và người bệnh phải chịu nhiều thiệt hại.
Giá thuốc hết thời “nhảy múa”?

Chi phí mua thuốc tại Việt Nam chiếm tới 60% trong tổng chi phí cho y tế. Trong khi đó, lâu nay, giá nhiều loại thuốc đua nhau “nhảy múa”. Không chỉ giá thuốc trên thị trường tự do mà giá thuốc đấu thầu vào bệnh viện cũng cao chót vót. Thực tế này khiến cho thị trường dược phẩm nhiều lúc trở nên hỗn loạn và người bệnh phải chịu nhiều thiệt hại.

  • Loạn giá

Trung tâm dược phẩm ở phố Ngọc Khánh, Hà Nội mới sáng đầu tuần đã tấp nập, ngoài các khách mua sỉ có không ít người tới mua lẻ các thuốc không bán theo đơn. Tại một hàng thuốc nằm ngay giữa phố, một phụ nữ dáng vẻ khắc khổ bần thần cầm chiếc túi ni lông chứa vài vỉ thuốc, cứ lẩm bẩm: Có mấy vỉ kháng sinh và ít thuốc bổ mà tới hơn 500.000 đồng. Quả thật, với nhiều người bệnh, nhất là với người có thu nhập thấp, lâu nay mỗi khi đau ốm, bệnh tật thì nỗi lo chi phí chữa trị, trong đó có tiền thuốc chữa bệnh trở thành một gánh nặng không hề nhỏ đối với họ, nhất là khi giá thuốc “leo thang”.

Không chỉ có giá thuốc trên thị trường tự do biến động mà ngay cả giá thuốc trong bệnh viện nhiều lúc cũng bát nháo. Trong khi đó, tiền thuốc được sử dụng ở trong bệnh viện lại chiếm 50% - 60% tổng số chi thường xuyên của các bệnh viện. Hơn nữa, hệ thống bệnh viện công hiện sử dụng khoảng 40% tổng trị giá tiền thuốc trên cả nước. Thế nhưng, công tác đấu thầu, cung ứng thuốc vào bệnh viện lại lỏng lẻo và bất cập dẫn tới việc giá thuốc ở bệnh viện khi tới người bệnh đã bị đẩy lên cao.

Kết quả khảo sát về giá thuốc đầu thầu vào bệnh viện công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy có tình trạng hỗn loạn đáng lo ngại. Cùng một loại thuốc, cùng hoạt chất và cũng cùng nhà sản xuất phân phối nhưng mỗi bệnh viện một giá. So với giá trúng thầu chênh lệch khoảng 20% - 50%, thậm chí có loại thuốc chênh lệch 1 - 1,5 lần.

Chẳng hạn như thuốc Midapezon 1g (hoạt chất Cefoperazol) do Việt Nam sản xuất có giá trúng thầu thấp nhất 28.770 đồng và cao nhất là 64.995 đồng/lọ. Hay thuốc Arginin 200mg của Armephaco trúng thầu vào một bệnh viện là 650 đồng/viên nhưng vào bệnh viện khác là 1.100 đồng/viên.

Giá thuốc cao luôn là nỗi lo lắng của người bệnh. Ảnh: Q.KH

Giá thuốc cao luôn là nỗi lo lắng của người bệnh. Ảnh: Q.KH

  • Tăng cường chấn chỉnh

Chính sự bất cập về giá thuốc lâu nay đã khiến cho người bệnh phải gánh chịu nhiều thiệt hại, cũng như dẫn đến sự bất bình đẳng trong chi trả tiền thuốc khi cùng bệnh giống nhau, phác đồ điều trị như nhau nhưng tiền thuốc phải chi trả ở mỗi bệnh viện lại khác nhau “một trời một vực”.

Trước thực tế này, bản thân ngành y tế và các cơ quan chức năng đã nhìn nhận được ra nhiều bất cập, lỏng lẻo trong công tác quản lý giá thuốc nói chung và việc đấu thầu thuốc vào bệnh viện nói riêng. Chính vì vậy, trong năm 2013, công việc đầu tiên mà Bộ Y tế tiến hành thực hiện trên lĩnh vực dược phẩm là chấn chỉnh việc đấu thầu thuốc vào bệnh viện công, với việc áp dụng Thông tư 01 về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế.

Theo quy định của Bộ Y tế trong Thông tư 01 thì giá trúng thầu của từng mặt hàng thuốc không được cao hơn giá trong kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt. Các cơ sở y tế phải lập kế hoạch đấu thầu tối thiểu một lần/năm, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất trong nhóm thuốc đó, thay vì 7-10 thuốc cùng trúng thầu như trước đây. Thuốc sẽ được phân chia nhóm dựa trên mặt bằng tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ để lựa chọn mặt hàng đáp ứng các điều kiện với giá dự thầu thấp nhất vào bệnh viện…

Cục Quản lý dược cho biết, việc áp dụng Thông tư 01 này sẽ góp phần giảm tình trạng hỗn loạn giá thuốc đấu thầu, bảo đảm mục tiêu các cơ sở khám, chữa bệnh lựa chọn được thuốc trúng thầu đạt chất lượng với giá cả hợp lý. Nhiều bệnh viện hy vọng rằng, với việc triển khai đấu thầu thuốc theo Thông tư 01, giá nhiều loại thuốc có thể giảm 20% - 30% so với hiện nay.

Không chỉ có vậy, từ ngày 1-4, Bộ Y tế sẽ triển khai áp dụng Thông tư 06, trong đó chọn ra 9 đơn vị áp dụng thí điểm quản lý giá thuốc bằng phương pháp thặng số bán buôn tối đa toàn chặng đối với các thuốc do ngân sách Nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả gồm: bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện C Đà Nẵng, Sở Y tế Bắc Ninh, Sở Y tế Hải Phòng, Sở Y tế Đà Nẵng, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) và Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ.

Bộ Y tế cũng chọn ra 12 hoạt chất áp dụng thí điểm quản lý bằng phương pháp thặng số bán buôn tối đa toàn chặng. Đây là những loại thuốc có giá trị sử dụng lớn, có giá chênh lệch nhiều giữa các mặt hàng cùng hoạt chất, cùng nồng độ hoặc hàm lượng, cùng dạng bào chế như: Amoxicilin, Cefepim, Cefoperazon, Cefuroxim, Levofloxacin, Omeprazol, Oxaliplatin…

Ông Trương Quốc Cường, Cục Quản lý dược cho biết, thặng số bán buôn tối đa toàn chặng là quy định về mức chênh lệch tối đa được phép của giá bán buôn cung ứng cho các cơ sở y tế của Nhà nước so với giá trị gốc của thuốc. Thặng số này gồm các chi phí và lãi tối đa cho toàn bộ giai đoạn từ nhập khẩu tới bán buôn. Với thuốc sản xuất trong nước, mức lãi tối đa là 20% giá thành. Đây được coi là biện pháp để chống tình trạng mua bán thuốc lòng vòng qua các tầng nấc trung gian, chi phí ngầm và đẩy giá thuốc lên cao.

Ông Vũ Xuân Hiển, Trưởng ban Dược và Vật tư y tế Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết đã ban hành giá phổ biến của 5 loại hoạt chất là: Cefoperazol + sulbactam, Ceftriazon, Levofloxiacin, Cefuroxim, Methyl prednisolon, tương đương với gần 300 tên thuốc. Đây đều là những thuốc trong thời gian qua được sử dụng nhiều và chi phí thanh toán bảo hiểm xã hội lớn trong các bệnh viện. Giá phổ biến của những loại thuốc này được bảo hiểm xã hội đưa ra sau khi tham khảo, rà soát hàng trăm loại thuốc trúng thầu tại nhiều bệnh viện. Đây là cơ sở để các hội đồng duyệt giá trúng thầu, nhằm giảm thiểu tình trạng thuốc vào bệnh viện có giá quá cao gây khó khăn cho bệnh nhân, cũng như Quỹ bảo hiểm xã hội. 

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục