Nhà sản xuất phim Jimmy Nghiêm Phạm:

Tin tưởng vào tương lai điện ảnh Việt Nam

Tin tưởng vào tương lai điện ảnh Việt Nam

Jimmy Nghiêm Phạm tốt nghiệp điện ảnh Trường Đại học Nam California, Mỹ, năm 1997, từng tham gia làm đạo diễn phim ca nhạc, phim hài trước khi ra trường. Bộ phim Vật đổi sao dời đánh dấu những ngày đầu anh trở về Việt Nam cùng với ê-kíp làm phim của đạo diễn Charlie Nguyễn (đạo diễn phim Dòng máu anh hùng). Hiện tại, Jimmy Nghiêm Phạm làm việc tại hãng phim Chánh Phương với vai trò giám đốc sản xuất phim.

- PV: Như vậy, bắt đầu từ sau phim hài Vật đổi sao dời, Nghiêm đã quyết định trở lại Việt Nam làm phim?

Tin tưởng vào tương lai điện ảnh Việt Nam ảnh 1

Đạo diễn Jimmy Nghiêm Phạm tác nghiệp bên máy quay.

Đạo diễn JIMMY NGHIÊM PHẠM: từ năm 2002 đến 2004, sau thời gian bỡ ngỡ, chúng tôi cảm thấy an tâm, tôi và bà xã, Thanh Trúc (cũng học sản xuất phim ở Mỹ và từng làm phim ở hãng Cinema Pictures) đã quyết định về an cư lạc nghiệp ở TPHCM. Ở Việt Nam, công việc đầu tiên tôi đảm nhận là giám đốc sản xuất của hãng phim Chánh Phương. Giai đoạn thử sức mới của chúng tôi bắt đầu từ phim Dòng máu anh hùng…

- Đây cũng là giai đoạn điện ảnh Việt Nam có sự góp mặt của đông đảo các nghệ sĩ  Việt kiều anh suy nghĩ gì về vấn đề này?

Tôi nghĩ Việt Nam mình có câu “đất lành, chim đậu” là rất đúng. Chúng tôi về nước mấy lần, cảm nhận được sự đổi mới đi lên của nước nhà và với cái nhìn của lớp trẻ, chúng tôi tin tưởng một viễn cảnh tương lai điện ảnh Việt Nam sẽ hội nhập thế giới. Thời gian qua, nhiều anh chị em nghệ sĩ Việt kiều về nước đều mong muốn đem những kinh nghiệm làm phim của mình từ nước ngoài để chia sẻ với điện ảnh trong nước. Ngược lại, chúng tôi cũng học được kinh nghiệm của điện ảnh trong nước về chuyện tìm đề tài, tìm chất liệu sống… Hơn nữa, đi xa chúng tôi càng thấy yêu quý phong cảnh đẹp của quê hương; biết nhìn lại những nét đẹp truyền thống của người Việt Nam và có thể nói, nhìn từ xa người ta mới cảm nhận thấm thía ý nghĩa bản sắc dân tộc giữa bao nhiêu con người xa lạ.

- Sau thành công của phim Dòng máu anh hùng, hãng Chánh Phương đã sản xuất phim Cú và chim se sẻ, phim 14 ngày, nhưng bao giờ ra mắt khán giả?

Phim đã thực hiện xong nhưng chưa có cơ hội ra rạp. Đó cũng là chuyện khó khăn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và mối quan hệ từ các nhà làm phim ở Mỹ, chúng tôi phải tính phương cách khác là tìm đầu ra cho phim ở nước ngoài trước, khi điều kiện thuận lợi sẽ chiếu trong nước. Ngoài ra, hãng phim vẫn phải thực hiện tiếp các dự án sản xuất. Dự án bộ phim võ thuật lịch sử Lửa Phật đã triển khai nhưng do kinh phí quá cao đành “án binh bất động”! Nếu tình hình tiến triển khả quan, phim dự kiến bấm máy vào cuối năm 2009. 

- Ngoài dự án làm phim nhựa, hãng Chánh Phương có định làm phim truyền hình?

Chúng tôi đang chuẩn bị thực hiện hơn 200 tập phim hài sitcom, hợp tác với kênh truyền hình HTV3 cùng Công ty Truyền thông Trí Việt (TVM). Phim được dự kiến bấm máy vào tháng 3-2009. Khác với phim truyện nhựa thiên về võ thuật, phim truyện truyền hình tâm lý xã hội sẽ là dạng phim hài tình huống, đề tài hướng về đời sống xã hội đương đại. Đạo diễn Charlie Nguyễn sẽ là người thực hiện 20 tập đầu, phần còn lại, chúng tôi sẽ mời một số đạo diễn trong nước tham gia. Với dạng phim nhiều tập, có nhiều đạo diễn tham gia, sức sáng tạo của mỗi đạo diễn làm phim phong phú, sinh động hơn và sẽ không làm khán giả nhàm chán.

- Phim truyền hình nhiều tập, nếu kéo dài quá lâu, người xem khó kiên trì theo dõi, vậy nhà sản xuất nghĩ sao?

Chúng tôi luôn nghĩ đến chất lượng của những bộ phim đã làm nên thương hiệu hãng Chánh Phương. Thực sự, khó khăn lắm để hãng tạo dựng được thương hiệu thì dẫu làm phim nhựa hay phim truyền hình, không ai để sự dễ dãi chi phối. Phim hay sẽ thu hút khán giả, cho dù kéo dài nhiều tập. Làm phim đối với chúng tôi là phải nghiên cứu, chuẩn bị thật kỹ, thật tốt ở phần tiền kỳ. Phải chuyên nghiệp hóa từng công đoạn, có như thế công việc làm phim sẽ ít gặp trở ngại, chất lượng phim sẽ cao hơn. Trước đây, một số nghệ sĩ chưa quen lắm nhưng nay họ đã thích nghi và chứng tỏ được sự năng động, chuyên nghiệp của nghề. Đó cũng là quá trình tất yếu của thời kỳ công nghệ điện ảnh, truyền hình đã phát triển khá cao.

- Năm nay trực tiếp làm việc tại TPHCM, gia đình Nghiêm  chuẩn bị đón tết con Trâu  như thế nào?

Chúng tôi vẫn bận rộn như vậy đấy. Mấy năm trước, ngày tết vẫn còn ra Bắc, còn đi Hội An chọn bối cảnh quay. Năm nay công việc thiết kế cảnh quay và casting cũng rơi vào thời gian kề cận tết, nhưng công việc sẽ tạm dừng vào ngày 28 Tết, và đến mồng 6 sẽ tiếp tục. Rất may, trong năm 2009, bà xã Thanh Trúc sẽ san sẻ gánh nặng điều hành để tôi được tham gia làm phim. Có lẽ chúng tôi sẽ đón xuân Kỷ Sửu tại TPHCM thật đầm ấm và có thời gian đi thăm bạn bè; đi viếng cảnh chùa ngày tết ở chính quê hương Việt Nam của mình.

- Xin cảm ơn và chúc đạo diễn cùng gia đình sẽ có những ngày tết thật ý vị.

Yên Ngọc

Tin cùng chuyên mục