TPHCM kiến nghị mở thêm 3 cơ sở đào tạo lái xe mới

Chiều 6-5, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, nhằm giải quyết tình trạng tồn đọng hồ sơ đào tạo lái xe, đáp ứng nhu cầu của người nhân dân trong việc học và thi giấy phép lái xe, UBND TPHCM đề nghị Bộ GTVT cho phép TP mở mới thêm 3 cơ sở đào tạo lái xe.

Theo đó, cơ sở mở mới phải đảm bảo quy mô đáp ứng tối thiểu 500 học viên, nằm ngoài khu vực trung tâm thành phố, không gây ùn tắc giao thông; ưu tiên vùng xa, kinh tế khó khăn hoặc khu vực ít hay chưa có cơ sở đào tạo lái xe. 

Theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2019, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành nói trên không bao gồm quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. 

Ngoài ra, theo Quyết định số 767/QĐ-BGTVT ngày 18-4-2018 của Bộ GTVT về việc công bố phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông đường bộ, điều kiện về xây dựng mới cơ sở đào tạo lái xe phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe ô tô thuộc danh mục cắt giảm, đơn giản để phù hợp Luật Quy hoạch. Do vậy, UBND TPHCM đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, kể từ năm 2019 trở đi sẽ không thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ về mặt số lượng. Thay vào đó, chỉ xem xét ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe, phù hợp với mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương.

TPHCM kiến nghị mở thêm 3 cơ sở đào tạo lái xe mới ảnh 1 Thi thực hành cấp phép lái xe chở khách

Theo Sở GTVT TPHCM, tính đến tháng 4-2018, trên địa bàn TP có 54 cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ (xe ô tô) với tổng số lượt đào tạo được cấp phép là 59.174 học viên; cụ thể hạng B (33.711 học viên), C (22.501), D1 (270), E (820), FC (872). 

Theo Quyết định 966, TPHCM được quy hoạch mở mới 4 cơ sở đào tạo trong giai đoạn 2014-2015 và mở mới thêm 4 cơ sở đào tạo trong giai đoạn 2016-2020. Nếu thực hiện theo quy hoạch này, tổng số cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn thành phố đến năm 2020 là 57 cơ sở. Mặc dù chưa đạt đến 57 cơ sở như quy hoạch, nhưng trong giai đoạn quy hoạch 2016-2020, TP không còn chỉ tiêu để mở mới cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ. 

Về nhu cầu học và thi sát hạch lái xe, theo Quyết định 966, quy hoạch hệ thống đào tạo lái xe cơ giới đường bộ của khu vực thành phố cần đảm bảo tỷ lệ là 5-6 cơ sở/1 triệu dân. Trong khi đó, dân số trung bình của TPHCM năm 2017 là 8,6 triệu người, tăng 2% so với năm 2016. Nếu tiếp tục tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, đến năm 2020, thành phố có thể đạt trên 10 triệu người (chưa tính dân các tỉnh thành khác đến sinh sống, làm việc) và tương ứng cần đến 60 cơ sở đào tạo lái xe.

Mặt khác, ngành vận tải, kho bãi đang có đóng góp lớn (8,6%) chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong 9 ngành dịch vụ trên địa bàn TPHCM. Năm 2017, doanh thu vận tải hàng hóa đường bộ và doanh thu vận tải hành khách đường bộ tăng lần lượt là 15% và 22% so với năm 2016; tổng lượng phương tiện ô tô được quản lý trên địa bàn 675.143 phương tiện, tăng 59.748 phương tiện so với năm 2016 (tương đương 9,7%); tổng số giấy phép lái xe ô tô được cấp mới 153.736 giấy phép, tăng 14% so với năm 2016. Nhu cầu học và thi sát hạch lái xe của người dân có thể vẫn tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. 

Do đó, nếu thực hiện theo Quyết định số 966, không tăng thêm mà giữ nguyên số lượng cơ sở đào tạo lái xe ô tô là 54 cơ sở như hiện nay sẽ khó đáp ứng nhu cầu học và thi lấy giấy phép lái xe ngày càng tăng cao của người dân TPHCM.

Tin cùng chuyên mục