Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Sản phẩm dây và cáp điện là nhóm ngành hàng đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu trung bình vài năm gần đây chỉ xoay quanh mức 3% - 5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. 

Nguyên nhân chủ yếu xuất do doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa đủ sức vượt qua các hàng rào kỹ thuật khi tham gia thị trường quốc tế. 

Hiện Việt Nam có trên 200 DN tham gia sản xuất và xuất khẩu dây, cáp điện. Cơ hội của ngành được đánh giá có tiềm năng khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Bởi thuế xuất khẩu hàng hóa cũng như nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất về 0%. Hàng hóa dễ dàng tiếp cận thị trường rộng lớn, đặc biệt là Nhật Bản, Canada, Malaysia, Singapore. 

Ông Lê Bá Tuấn, đại diện Công ty Sản xuất dây và cáp điện (Bình Dương), cho biết sản phẩm của công ty trước đây chủ yếu xuất sang Mỹ. Thế nhưng, thị trường Mỹ ngày càng khó khăn bởi hàng loạt rào cản thương mại, kỹ thuật liên quan đến thuế xuất khẩu, chất lượng tiêu chuẩn… Mặt khác, DN Việt có quy mô sản xuất nhỏ nên chưa thâm nhập được nhiều hệ thống phân phối chính. Thị phần xuất khẩu cũng vì thế không bền vững, dễ bị đánh bật ra khỏi thị trường.

Một điểm nữa là dù CPTPP cho phép hàng hóa xuất khẩu của các nước thành viên về 0%, nhưng điều kiện đáp ứng để được hưởng lợi thế này không dễ. DN phải đáp ứng quy tắc xuất xứ nguồn nguyên liệu sản xuất từ nội khối, không sử dụng các nguyên liệu của nước ngoài thành viên CPTPP. Thực tế này đang gây khó khăn đối với DN sản xuất dây, cáp điện của Việt Nam. 

Theo các chuyên gia kinh tế, để DN đủ sức cạnh tranh, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại nói chung, cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ DN của các cơ quan nhà nước, từ nguồn vốn, thông tin thị trường, nhân sự kỹ thuật đến công nghệ... Về phía DN cần chủ động nắm bắt các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành; từ đó xây dựng lộ trình đổi mới về công nghệ và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm có tính đến các yếu tố tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Đây là những rào cản trách nhiệm xã hội mà DN bắt buộc phải thực hiện để tiếp cận được thị trường tiêu thụ tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
 
Có thể thấy, Việt Nam đang tham gia sâu vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, ký kết nhiều các hiệp định thương mại tự do. Điều này sẽ giúp mở rộng thị phần tiêu thụ hàng hóa cho các DN trong nước; ngược lại cũng tạo ra không ít áp lực cạnh tranh. Do vậy, DN phải nắm vững những quy định và yêu cầu khác nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành dây và cáp điện để có thể tiếp cận các thị trường toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục