Tràn lan khu công nghiệp ở Đồng bằng Sông Cửu Long - Chạy đua và lãng phí

Hướng mở tất yếu
Tràn lan khu công nghiệp ở Đồng bằng Sông Cửu Long - Chạy đua và lãng phí

Theo quy hoạch, ĐBSCL là vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nhiều tỉnh thành trong vùng đã chọn phát triển công nghiệp là giải pháp then chốt. Thế nhưng, những gì đang diễn ra cho thấy công nghiệp ĐBSCL đang phát triển lệch hướng, thiếu quy hoạch, cạnh tranh không lành mạnh giữa các tỉnh, thành.

Sau 5 năm thành lập, KCN Hưng Phú chỉ có tấm bảng dựng bên bãi đất hoang. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Sau 5 năm thành lập, KCN Hưng Phú chỉ có tấm bảng dựng bên bãi đất hoang. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Hướng mở tất yếu

Đến nay, ĐBSCL đã quy hoạch và hình thành 111 khu, cụm công nghiệp (KCCN) với tổng diện tích 24.091ha, tập trung nhiều nhất và với quy mô lớn là tỉnh Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang. Trong đó, Long An có số lượng KCCN và diện tích đất sản xuất CN lớn nhất: 24 khu, với diện tích gần 8.278ha, chiếm 35% diện tích các KCCN toàn vùng. Kế đến là Kiên Giang có 9 khu, diện tích 7.111ha, chiếm 29%. Các KCCN đã thu hút được 494 dự án gồm: 70 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư 7,66 tỷ USD và 424 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 5.867 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 52.000 lao động.

Việc phát triển các KCCN trong vùng đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng về công nghiệp hóa, thực sự là động lực phát triển nông thôn, góp phần đáng kể vào phát triển nông nghiệp, đổi mới nông thôn ở ĐBSCL, trực tiếp là các ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản.

Các KCN hình thành, đi vào hoạt động thu hút lượng vốn đầu tư rất lớn, làm thay đổi rõ nét bộ mặt công nghiệp theo hướng hiện đại, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ở ĐBSCL. Tuy vậy, nhìn tổng thể, kinh tế của vùng nói chung và công nghiệp nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế.

Mạnh ai nấy làm

Tại TP Cần Thơ, ngoài KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh nên thu hút được nhà đầu tư, còn lại hàng trăm hécta đất tốt ven sông Hậu ở KCN Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, 2B đang trong tình trạng “đắp chiếu” nhiều năm qua vì chủ đầu tư chưa giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng. Người dân ven sông Hậu đoạn qua TP Cần Thơ còn bị ảnh hưởng bởi quy hoạch KCN Ô Môn, Bắc Ô Môn, Thốt Nốt với tổng diện tích 1.600ha.

Tỉnh Kiên Giang có 5 KCN, diện tích hơn 750ha nhưng đến nay mới có KCN Thuận Yên (Hà Tiên) đang triển khai xây dựng hạ tầng, thu hút 4 nhà đầu tư với vốn đăng ký 185 tỷ đồng. Nằm dọc sông Hậu, có lợi thế về vận tải thủy nhưng KCN Sông Hậu (tỉnh Hậu Giang) rộng trên 300ha cũng đang trong tình trạng đìu hiu, hàng trăm hécta đất bị bỏ hoang ngoại trừ Công ty CP Thủy hải sản Minh Phú đang xây dựng nhà máy chế biến thủy sản trên diện tích 56,4ha. Tình trạng lãng phí đất trong các KCN cũng xảy ra phổ biến ở Sóc Trăng, Bạc Liêu…

Hoang tàn nhà dân trong dự án xây KCN Hưng Phú, TP Cần Thơ. Ảnh: T.M.T.

Hoang tàn nhà dân trong dự án xây KCN Hưng Phú, TP Cần Thơ. Ảnh: T.M.T.

Hiện tại, phần lớn các KCCN chỉ mới sử dụng khoảng 36% - 40% diện tích đất, có những nơi chỉ mới sử dụng khoảng 5% diện tích. Sở dĩ có tình trạng này là do các địa phương khi thành lập các KCCN đã thiếu nghiên cứu, tính toán bài bản, từ đó mạnh ai nấy làm, dẫn đến tự cạnh tranh với nhau. Ngay cả giải pháp về cơ sở hạ tầng kỹ thuật... mỗi tỉnh làm một cách, có lúc không thực hiện được và lãnh đạo các địa phương ở khu vực ĐBSCL cũng chưa ngồi lại để cùng bàn cụ thể.

Theo một khảo sát mới đây của VCCI Cần Thơ, các KCCN mới chỉ cho thuê hơn 810ha, đạt tỷ lệ hơn 22%. Các tỉnh, thành ĐBSCL còn thành lập 177 cụm công nghiệp, tổng diện tích 15.457ha. Trong số này, mới có 15 cụm được các doanh nghiệp thuê hơn 700ha đất, đạt tỷ lệ 4,5%. Như vậy, ĐBSCL đang lãng phí đất rất lớn trong các KCCN với diện tích lên đến hơn 17.600ha (hơn 92% diện tích quy hoạch). Đáng chú ý là hàng ngàn hécta đất cặp sông Tiền, sông Hậu từ thượng nguồn đến hạ nguồn, được các chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học đánh giá là rất tốt, cần được bảo vệ phục vụ sản xuất nông nghiệp (lúa, cây ăn quả đặc sản, rau màu) đã và đang bị khoác lên chiếc áo KCCN.

Triệt đất lúa để làm công nghiệp

Tại Vĩnh Long, tỉnh muốn lấy đất lúa để quy hoạch làm KCN nên sẵn sàng “trình” với Thủ tướng rằng vùng đất này trồng lúa năng suất rất thấp. Để có điều kiện đẩy mạnh tăng trưởng, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa… nên tỉnh Vĩnh Long quy hoạch thêm 5 KCN mới ở huyện Long Hồ, Bình Tân, Bình Minh và huyện Mang Thít, với tổng diện tích 1.930ha. Trong đó có khoảng hơn 1.000ha là đất đang sản xuất lúa nhưng năng suất rất thấp, khoảng 4,07 tấn/ha, thấp hơn năng suất trung bình của tỉnh...

Rất nhiều KCN ở ĐBSCL chỉ là những bãi cỏ hoang như thế này. Ảnh: HUY PHONG

Rất nhiều KCN ở ĐBSCL chỉ là những bãi cỏ hoang như thế này. Ảnh: HUY PHONG

Thế nhưng, sau khi tờ trình của Vĩnh Long được công bố, nhiều người bức xúc cho rằng UBND tỉnh Vĩnh Long đã báo cáo sai với Thủ tướng về năng suất lúa vùng quy hoạch làm KCN. Bởi thực tế, năng suất lúa ở vùng đất này rất cao, từ 6 - 7 tấn/ha, thậm chí có nơi 8 tấn/ha. Thấy dư luận không đồng tình, UBND tỉnh Vĩnh Long đã làm tờ trình mới gửi Thủ tướng, điều chỉnh lại năng suất lúa vùng này lên từ 4,4 - 5,5 tấn/ha (vẫn còn thấp so với năng suất thực tế) nhưng vẫn quyết tâm quy hoạch các vùng đất làm KCN!

Vấn đề lấy đất nông nghiệp chuyển sang làm đất công nghiệp, có lẽ Long An là “điểm nóng” nhất tại các tỉnh ĐBSCL. Bởi sau hơn 10 năm tập trung phát triển công nghiệp, Long An đã thành lập được 64 KCCN, với 15.467ha đất bị thu hồi, trong này phần lớn là đất nông nghiệp. Theo đó, hàng chục ngàn hộ dân cũng buộc phải di dời, giải tỏa để nhường đất cho phát triển KCCN (trung bình 1ha đất bị thu hồi thì có 3 hộ bị di dời, giải tỏa). Như ở huyện Thủ Thừa từ năm 2004 trở lại đây đã có gần 1.300 hộ dân bị mất đất; huyện Bến Lức có gần 4.300 hộ bị di dời giải tỏa; huyện Đức Hòa có gần 5.300 hộ buộc phải “lên đường”; huyện Cần Giuộc cũng có gần 4.100 hộ bị “hô biến”…

Vấn đề đáng nói là hiệu quả từ các KCCN này mang lại chưa cao, trong khi nó đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của hàng chục ngàn hộ dân nơi đây. Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, khi triển khai dự án lập các KCCN, chính quyền và doanh nghiệp chỉ nghĩ đến việc đền tiền cho dân là xong, còn chi tiêu ra sao, cuộc sống thay đổi thế nào thì hình như không ai để ý tới. Đây là một vấn đề lớn cần được quan tâm và xem xét kỹ lưỡng.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục