Tranh cãi về Tý quậy

Là bộ truyện tranh của họa sĩ Đào Hải do NXB Kim Đồng xuất bản lần đầu từ năm 2003, đến nay Tý quậy đã ra được hơn 30 tập. Năm 2006, bộ truyện tranh này đã được Hội Xuất bản Việt Nam trao giải Đồng giải thưởng Sách hay trong năm.

Là bộ truyện tranh của họa sĩ Đào Hải do NXB Kim Đồng xuất bản lần đầu từ năm 2003, đến nay Tý quậy đã ra được hơn 30 tập. Năm 2006, bộ truyện tranh này đã được Hội Xuất bản Việt Nam trao giải Đồng giải thưởng Sách hay trong năm.

Nội dung của bộ truyện xoay quanh cậu bé Tý quậy, một cậu bé đang học tiểu học, thông minh nhưng khá tinh nghịch, cùng cậu bạn thân tên Tèo, hai cậu bé đã bày đủ trò phá phách khiến người lớn phải đau đầu. Họa sĩ Đào Hải cho biết: “Tý quậy là một phần tuổi thơ của tôi, của bạn bè tôi. Không có ý mong Tý trở thành nhân vật điển hình, tôi chỉ ước sao Tý quậy là một người bạn gần gũi, quen thuộc và sống với đúng nghĩa tuổi thơ”.

Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh lại cho rằng cách ăn nói của các nhân vật trong truyện nhất là các cô cậu bé quá hỗn hào như thiếu nhi lại dùng các từ “con ôn con”, “bỏ mẹ”, “chết cha”… Hay bày các trò lừa gạt phụ huynh, chọc phá người khác. Nhiều ý kiến trên các diễn đàn cho rằng một cuốn sách cho thiếu nhi mà như thế sẽ có ảnh hưởng không tốt đến độc giả nhỏ tuổi. Và cũng từ đó, người ta nêu ra sự thiếu trách nhiệm của NXB và tác giả trong việc cho ra mắt một bộ truyện tranh như thế cho thiếu nhi.

Tuy nhiên, đối lập với các sự phản đối là các ý kiến ủng hộ. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng những trò ma mãnh của các nhân vật chẳng phải đợi đến có Tý quậy chúng mới biết mà ngược lại, thông qua bộ truyện tranh, trẻ em hiểu được là dù làm trò gì chăng nữa cũng sẽ bị phát hiện và trừng phạt, như thế bộ truyện đã có được hiệu quả giáo dục cụ thể. Nhiều bậc phụ huynh lấy ví dụ thế hệ của họ những năm 70-80 của thế kỷ trước, các bộ sách giáo dục nổi tiếng của Liên Xô như Timua và đồng đội, Vichia Maleev - ở nhà và ở trường, hay bộ truyện Những cuộc phiêu lưu của Tom Shawyer (Mỹ), hoặc gần đây có bộ phim Pháp về cậu bé Nicholas đều không thiếu những trò quỷ quái, phá phách thậm chí đánh nhau,… Nhưng chẳng ai cho rằng những bộ truyện đó là thiếu tính giáo dục.

Biên tập viên một NXB lớn cũng cho rằng bản thân cuốn truyện là nói về một nhân vật “quậy” nên cách ăn nói như thế là phù hợp với nhân vật. Vấn đề cần xem xét là truyện có thể đưa ra những bài học gì để bạn đọc nhỏ tuổi hiểu và tránh mắc phải những lỗi lầm như nhân vật trong truyện chứ không phải lấy vài câu, tách ra khỏi cả truyện để phê phán.

Trên một số diễn đàn về chăm sóc trẻ em, có phụ huynh cho rằng đã đến lúc phải thẳng thắn thừa nhận hiện thực là trẻ em hiện nay ngày càng “lớn trước tuổi”. Vị phụ huynh này đưa ra ví dụ, khi kể cho hai đứa nhỏ 6 tuổi ở nhà (một con, một cháu) chuyện “Bạch Tuyết và Bảy chú lùn”. Kết thúc truyện, một đứa hỏi: “Mẹ ơi, sao Bạch Tuyết được bác thợ săn cứu, được 7 chú lùn chăm sóc, cứu khỏi chết bao nhiêu lần mà vừa sống dậy đã lấy luôn hoàng tử chả có công lao gì cả?”. Vị phụ huynh đang sững sờ chưa biết trả lời sao thì đứa còn lại đã bảo: “Vì hoàng tử đẹp trai hơn bác thợ săn và 7 chú lùn”, đứa kia không chịu: “Hoàng tử có lâu đài còn 7 chú lùn chỉ có cái nhà nhỏ xíu!”…

Thế hệ thiếu nhi ngày này đang có nhiều điều kiện tiếp cận với sự đa dạng của thông tin, tri thức. Việc giáo dục, uốn nắn cũng đã đến lúc cần có những phương pháp gần gũi hơn, thiết thực hơn, tránh những kiểu giáo dục giáo điều, khô khan sẽ khó được bạn đọc nhỏ tuổi tiếp nhận. 

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục