Trích kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu ở trường học ra sao?

Mọi năm, bảo hiểm xã hội (BHXH) đều trích chuyển 5% số thu bảo hiểm y tế (BHYT) cho các trường để các trường chi vào các hoạt động y tế, trong đó có chi phí chăm sóc sức khỏe ban đầu. 


Tuy nhiên, năm nay để các trường được trích chuyển 5% thì BHXH yêu cầu nhân viên y tế của các trường phải có chứng chỉ hành nghề (mọi năm không có yêu cầu này). Điều này rất khó cho các trường  vì đa số nhân viên y tế đều không có chứng chỉ hành nghề. Đặt ra yêu cầu trên là đúng hay không? Nếu đúng thì có phương cách nào giúp cho các trường được trích chuyển 5% để có nguồn chi hoạt động cho mảng y tế? (VŨ TRỌNG KHÁNH, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Hải, quận 10)


° Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Điểm a Khoản 1 Điều 34 Nghị định 146/2018 quy định “Có ít nhất một người có đủ điều kiện hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu”. Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật Khám chữa bệnh, “Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của luật này (sau đây gọi chung là chứng chỉ hành nghề)”. 

Do đó, một trong những điều kiện để được trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu là nhân viên y tế của các cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (trừ cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại Điều 19 Nghị định số 146/2018) phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Trong thời gian qua, khi triển khai thực hiện Nghị định 146/2018, BHXH TPHCM đã nhận được phản hồi của Sở GD-ĐT TPHCM, phòng GD-ĐT quận huyện và một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố phản ánh về việc không đủ điều kiện để được trích kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu, do nhân viên y tế không có chứng chỉ hành nghề. Để giải quyết vướng mắc này, BHXH TPHCM đã có công văn gửi BHXH Việt Nam xin ý kiến. Trong khi chờ ý kiến phản hồi của BHXH Việt Nam, BHXH TPHCM chỉ thực hiện trích kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho những trường hợp đủ điều kiện theo quy định và sẽ có thông tin đến các đơn vị khi BHXH Việt Nam có chỉ đạo cụ thể.

° Tôi được Thủ tướng cấp giấy khen chống Mỹ cứu nước. Tôi có được cấp thẻ BHYT không? Nếu được thì tôi cần làm thủ tục như thế nào, liên hệ ở đâu và mức hưởng bao nhiêu? (NGUYỄN THANH ĐÔNG, ngụ quận 10)


° Căn cứ Nghị định số 146/2018, người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được Nhà nước cấp thẻ BHYT và được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng. Tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thực hiện pháp lệnh quy định các trường hợp được công nhận là người có công với cách mạng với điều kiện và tiêu chuẩn như sau: Người được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến; Huy chương kháng chiến; Huân chương chiến thắng; Huy chương chiến thắng; người được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước”. Nếu ông thuộc đối tượng là người có công với cách mạng theo quy định nêu trên (hoặc ông có thể tham khảo thêm khoản 4, khoản 5 Điều 3 Nghị định 146/2018 nếu thuộc đối tượng Cựu chiến binh hoặc Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc) thì liên hệ với phòng LĐTB-XH quận, huyện nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để lập thủ tục cấp thẻ BHYT.

Tin cùng chuyên mục