Trợ lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thống kê từ Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế thuộc Bộ Tư pháp, khoảng 60% doanh nghiệp phản ánh khó tiếp cận thông tin pháp lý liên quan đến các thủ tục hành chính, biểu mẫu… Do vậy, Ban quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp đang rà soát cơ chế, chính sách để triển khai chế định hỗ trợ pháp lý trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực từ năm 2018. 
Trợ lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Kịp thời, đúng mục đích

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), như hỗ trợ vốn, mặt bằng sản xuất, nâng cao năng lực công nghệ… nhưng hầu như, doanh nghiệp (DN) vẫn rất khó tiếp cận được các chính sách ưu đãi này. Ở nhiều hội thảo chuyên ngành diễn ra gần đây, câu chuyện khó khăn liên tiếp được lặp lại, với nội dung quen thuộc. Mà cụ thể là các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các DN nhìn nhận DNNVV thiếu rất nhiều thứ, gồm kỹ năng, nguồn vốn hoạt động, kiến thức pháp luật… 

Thống kê từ VCCI cho thấy, chỉ khoảng 30% DNNVV được “chạm tay” vào các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, 70% còn lại hầu như không biết hoặc không đủ điều kiện, cơ hội nhận hỗ trợ. Đây cũng là một trong những vấn đề nan giải trong việc tìm ra các biện pháp thiết thực hơn, tích cực hơn để DNNVV phát triển, hòa vào sân chơi chung toàn cầu. Bởi đây là đối tượng đóng góp hơn 30% vào tổng thu ngân sách. 

Nhìn nhận về thực tế này, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, việc hỗ trợ DNNVV cần tập trung, tránh hỗ trợ theo kiểu nhỏ giọt, phân bổ hằng năm, vì không tạo lực đẩy mạnh giúp DN chuyển biến. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cần phù hợp với nhu cầu DN; cần có sự liên kết hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành, địa phương… Không dừng lại ở những quy định chung chung, đậm tính hình thức. 

Trong một cuộc hội thảo về khởi nghiệp mới đây, ông Bargus Rachman, Vụ trưởng Vụ Dịch vụ, Marketing, Hợp tác xã và DNNVV (Bộ Hợp tác xã và DNNVV Indonesia) thông tin, nước bạn đã xây dựng riêng những công viên công nghệ hỗ trợ khởi nghiệp, có sự tham gia của Chính phủ, các chuyên gia, DN cùng các định chế tài chính phù hợp. Ông Bargus Rachman so sánh rằng, tại Việt Nam, mà đặc biệt là các TP lớn như Hà Nội, TPHCM… cũng có các vườn ươm công nghệ, sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp; nhìn chung khá tương đồng với mô hình của Indonesia. Tuy vậy, việc hỗ trợ của Indonesia được làm liên tục, đều tay, tập trung nên rất hiệu quả. Bằng chứng là tại nước này có đến 50% số DNNVV sử dụng giao dịch trực tuyến trên mạng xã hội.

Anh Nguyễn Văn Tân, giám đốc một DN chuyên về kinh doanh trực tuyến (Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM), đánh giá rằng, giới trẻ khởi nghiệp nói riêng, các DNNVV đã khởi nghiệp, định vị được tên tuổi nói chung, hầu như đều phải sử dụng công nghệ thông tin làm bàn đạp. Đó là xu hướng tất yếu trong thời kỳ công nghệ số. “Tuy vậy, để trợ lực cho các DN thì chính sách ưu tiên, biện pháp cụ thể vẫn còn ngổn ngang trăm mối lo. Cái chúng tôi cần chính là sự hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng từ cơ quan chuyên trách. Bởi ngày nay, chỉ cần sự phản hồi chính sách chậm trễ, DN mất nhiều cơ hội làm ăn, thiệt hại không nhỏ”, anh Nguyễn Văn Tân nói. 

Hỗ trợ pháp lý

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, đã và đang đẩy mạnh hoạt động chuyên mục thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý cho DN; song song đó cũng đề xuất thành lập bộ phận chuyên trách công việc này. Thống kê từ Bộ Tư pháp, khoảng 60% DN tiếp cận thông tin liên quan đến pháp luật thông qua các website của bộ, các sở, ngành… Tuy vậy, các DN khi được khảo sát cũng phản ánh rằng, khó tiếp cận các thông tin, quy định mới do một số website không cập nhật thông tin thường xuyên… 

Chia sẻ về những bất cập này, bà Ngô Thị Kim Quy, Giám đốc Công ty TNHH D.L (quận 12), cho biết mỗi lần DN muốn cập nhật một số chính sách về thuế, phí các loại trên trang web của trung ương cũng như TP thì y như rằng, không bị lỗi mạng cũng treo máy, hoặc thông tin chưa được cập nhật. “Chính sách, quy định thay đổi liên tục, DN không cập nhật sẽ lạc hậu. Thay vì phát tờ rơi, sổ tay, chuyên trang tuyên truyền, nên chăng các sở ngành chuyên trách chủ động cập nhật thông tin lên website liên tục để DN nắm được. Điều này vừa đỡ tốn chi phí, cũng như tiết kiệm thời gian, tiền bạc của DN”, bà Ngô Thị Kim Quy góp ý. 

Cùng chung nhận định trên, ông Phan Tuấn Kiệt, giám đốc DN chuyên về ngành hàng thời trang tại quận 6, phân tích thêm, nước ta có tới 97% DNNVV có đóng góp đáng kể vào tổng thu ngân sách quốc gia. Nhìn chung, nội dung hỗ trợ DN ngày càng đa dạng, toàn diện hơn, bao gồm môi trường kinh doanh, sự hoàn thiện dần về thể chế, cải cách lĩnh vực đầu tư, hải quan, thuế, tài chính, tín dụng… Thế nhưng, hiệu quả chưa rõ nét. Trong công cuộc cạnh tranh mang tính toàn cầu, thị trường mở toang cửa như hiện nay, DN cần phải nỗ lực, phải cạnh tranh rất nhiều nên không thể tránh khỏi những “bài học đau thương” khi tham gia sân chơi kinh tế quốc tế. Do vậy, DN rất cần các buổi tập huấn liên quan đến cạnh tranh thương mại, những rủi ro có thể gặp phải khi làm ăn với đối tác ngoại đối với một số thị trường cụ thể… Tất cả những điều này DN đều muốn biết, muốn có thông tin. 

Theo đại diện Bộ Tư pháp, hiện nay việc tiếp nhận kiến nghị, hoàn thiện pháp luật được thông qua nhiều hình thức; trong đó có hoạt động tổ chức hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại, các chuyên đề về kinh doanh… Tuy nhiên, trong công tác lấy ý kiến DN về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cũng như trong công tác tuyên truyền vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, bởi nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Do vậy, trước những kiến nghị đầy trăn trở, thiết thực của DN, trong thời gian tới phía Bộ Tư pháp sẽ tăng cường hoàn thiện cơ chế hỗ trợ pháp lý cho DN; thực hiện đổi mới chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN theo hướng đổi mới, tránh trùng lặp; đẩy mạnh hoạt động của chuyên trang điện tử về trợ giúp pháp lý cho DN… Mục tiêu hướng tới sự hài lòng của DN đối với cơ quan quản lý Nhà nước; hỗ trợ DN kinh doanh, phát triển ổn định, bền vững.

Tin cùng chuyên mục