Câu chuyện chủ nhật

Truyền thông và trách nhiệm xã hội

Nhắc đến các chương trình truyền hình thực tế, gameshow, tính giải trí luôn là yếu tố hàng đầu được các nhà sản xuất quan tâm. Trong dòng chảy chung ấy, những giá trị mang ý nghĩa cộng đồng và truyền cảm hứng sống tích cực sẽ được đặt để và tính toán như thế nào?

Tại buổi ra mắt chương trình truyền hình Khoảnh khắc cuộc đời, đạo diễn, NSƯT Vũ Thành Vinh, Giám đốc Công ty truyền thông Khang, đã đưa ra lời nhắn nhủ đầy tính suy ngẫm: “Chương trình phát sóng vào khung giờ 22g45 hàng ngày trên kênh HTV9, với mong muốn trước khi đi ngủ, khán giả sẽ có được những khoảnh khắc với thông điệp tốt đẹp để ngày hôm sau thức dậy, tái tạo những nguồn năng lượng tích cực”.

Có căn cứ để NSƯT Vũ Thành Vinh tự tin chia sẻ điều đó. Bởi 15 phút mỗi số phát sóng là mỗi câu chuyện khác nhau về những con người bình dị trong xã hội. Ở đó có những khoảnh khắc thành công và cả thất bại; có giây phút sinh tử và cả những điều thật bình dị. Nhưng ít nhất nó ảnh hưởng, thay đổi cuộc đời của người bên cạnh. Anh chia sẻ, cảm hứng thực hiện chương trình nhen nhóm kể từ sau giai đoạn thập tử nhất sinh trong cuộc đời mình. Anh muốn chương trình có thể tạo thành nguồn cảm hứng, động lực giúp thay đổi cuộc đời của nhiều người hơn nữa, theo hướng tốt đẹp hơn.

Mỗi ngày, trên báo chí, mạng xã hội có không ít thông tin trái chiều, phản ánh mặt trái xã hội gây bức xúc trong dư luận. Khái niệm “năng lượng tích cực” như trong chia sẻ của NSƯT Vũ Thành Vinh trở thành từ khóa đang được rất nhiều người quan tâm, tìm hiểu. Gõ cụm từ này trên google, chỉ trong 0,38 giây đã cho 91,8 triệu kết quả, trong đó những hiển thị đầu tiên là bí quyết làm sao tạo ra năng lượng tích cực. Vấn đề đặt ra là: Khi truyền hình thực tế, gameshow phủ sóng khắp các kênh sóng từ trung ương đến địa phương, trên các nền tảng trực tuyến, thì trách nhiệm xã hội của các đơn vị truyền thông, nhà sản xuất nằm ở đâu trong việc góp phần mang đến những nguồn năng lượng tích cực ấy cho khán giả.

Trước hết, cần nhìn nhận không chỉ các chương trình về văn hóa mang ý nghĩa cộng đồng mới mang đến năng lượng tích cực. Bản thân những chương trình thuần túy giải trí nhưng được thực hiện một cách chỉn chu, sạch sẽ và tôn trọng khán giả cũng hoàn thành rất tốt sứ mệnh ấy. Nhưng, trong nhiều trường hợp, để đảm bảo yếu tố giải trí, câu khách trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, không ít chương trình phải nghĩ ra đủ chiêu trò nhằm lôi kéo khán giả. Người ta dùng scandal của nghệ sĩ, đời tư của nhân vật, phát ngôn gây sốc, dàn xếp kết quả… để tạo sự chú ý thay vì tập trung vào chất lượng chương trình. Khi bản thân yếu tố giải trí không trọn vẹn, liệu những chương trình như thế có mang đến năng lượng tích cực nào cho khán giả hay chỉ tạo nên sự bức xúc, những tranh luận không hồi kết.

Có một thời gian, khán giả hồi hộp theo dõi từng tập phát sóng của Bước nhảy hoàn vũ, Thử thách cùng bước nhảy và tạo nên phong trào học nhảy hiện đại, dancesport sôi nổi. Sasuke - Không giới hạn cũng góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện thể thao rộng khắp. Thay lời muốn nói là những cảm xúc nồng nàn, khiến con người sống yêu người, yêu đời hơn. Lô tô show: Gánh hát ngàn hoa giúp khán giả có cái nhìn khách quan và công tâm hơn về một loại hình văn hóa dân gian và những nghệ sĩ luôn chịu nhiều định kiến. Nhiều chương trình truyền hình vì cộng đồng dù đang tiếp tục hay đã tạm ngưng: Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng, Cùng xây ước mơ, Nhịp cầu ước mơ, Vì bạn xứng đáng… cũng truyền đi niềm tin và sự lạc quan. Hầu hết những người từng tham gia các chương trình truyền hình vì cộng đồng đều có chung tâm niệm, những phần quà hay số tiền giúp đỡ không quan trọng bằng việc trao cho những hoàn cảnh ngặt nghèo niềm tin rằng trong xã hội vẫn luôn đầy ắp sự tử tế, nhân ái, sẻ chia. Những giá trị ấy, cần được nhân rộng.

Thời gian gần đây, không phải ngẫu nhiên những chương trình mang tính “hoài cổ” lại được yêu chuộng đến vậy. Mùa 1 của Ký ức vui vẻ kết thúc trong thành công rực rỡ với những hiệu ứng lan truyền tích cực trên khắp các mạng xã hội. Những ký ức đẹp có, vui có, buồn có của nhiều thế hệ từ 6X, 7X đến 2000 được tái hiện thông qua nhiều kỷ vật, nhân chứng sống. Ngay sau đó là Quán thanh xuân - điểm hẹn của những miền ký ức đẹp nay được tái hiện bởi những người đã và đang trải qua thanh xuân rực rỡ.

Trong sự xô bồ, hối hả, căng thẳng của cuộc sống hiện đại, những giây phút được lắng mình lại, từ hiện tại nhìn ngược về quá khứ mang đến những cung bậc cảm xúc tích cực. Quá khứ là những điều đã qua và không ai mãi mãi “ăn mày dĩ vãng”, nhưng quá khứ làm nên con người chúng ta của thì hiện tại. Nhìn lại để thấy tấm gương phản chiếu đa chiều của chính mình, để sống tốt hơn.

Mỗi chương trình truyền hình có trách nhiệm thực hiện một sứ mệnh riêng. Nhưng dù là tính giải trí hay những giá trị mang ý nghĩa cộng đồng, truyền cảm hứng sống luôn cần được thực hiện một cách tử tế, tâm huyết. Đó là bài học thành công và trách nhiệm những đơn vị truyền thông, sản xuất luôn cần tự nhắc nhở chính mình.

Tin cùng chuyên mục