Tự truyện của sao Việt: Có gì đáng đọc?

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều nghệ sĩ trong giới showbiz liên tiếp xuất bản tự truyện. Mỗi người mang tới một câu chuyện, nhưng không phải câu chuyện nào cũng đem lại giá trị cho người đọc… 
Ca sĩ Đức Phúc trong buổi ra mắt tự truyện
Ca sĩ Đức Phúc trong buổi ra mắt tự truyện

Cứ “đập mặt” là ra tự truyện

Thời gian qua, một số đơn vị làm sách đã kết hợp với nhiều nghệ sĩ cùng xuất bản tự truyện. Đây rõ ràng là thương vụ mà “đôi bên cùng có lợi”. Có điều, thay vì chọn lọc nhân vật để làm sách thì việc hợp tác này lại diễn ra một cách tràn lan. Thậm chí, có người cho rằng, chỉ cần “đập mặt” là có thể viết… tự truyện. 

Hương Giang Idol, ca sĩ trẻ bước ra từ cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam, có lẽ là người đầu tiên khai mào trào lưu này. Trước đây, Hương Giang công bố ra mắt tự truyện Tôi vẽ chân dung tôi là cách để cô tâm sự về những tháng ngày sống với “2 con người, 2 cuộc đời, 2 giới tính”. Sau đó, cô gái có biệt danh “Bà Tưng” ra mắt tự truyện Lạc giữa thanh xuân kể về những vấp ngã, trả giá của một hotgirl từng nổi đình nổi đám bởi những clip nóng và không thể thiếu việc “đại tu” nhan sắc. Một thời gian sau, ca sĩ Lâm Khánh Chi cũng ra mắt tự truyện Lột xác, kể về hành trình chuyển giới của mình. 

Cách đây gần 6 tháng, ca sĩ trẻ Đức Phúc cũng ra mắt tự truyện Đức Phúc - I Believe I Can Fly. Giống như nhiều cuốn tự truyện trước đó, tự truyện của Đức Phúc cũng theo một công thức: tuổi thơ, hoàn cảnh gia đình, niềm đam mê âm nhạc và tất nhiên không thể thiếu quá trình “đập mặt xây lại” của nhân vật chính. Đó là quá trình can thiệp của phẫu thuật thẩm mỹ để biến anh với mũi tẹt, mắt nhỏ, răng hô, môi dày thành một Đức Phúc mang dáng dấp của ngôi sao Kpop như hiện tại. 

Ngoài những cuốn tự truyện với điểm chung kể trên, chỉ trong thời gian ngắn, rất nhiều ngôi sao trẻ trong làng giải trí cũng xuất bản tự truyện như Sơn Tùng M-TP, Hari Won, Hoàng Thùy Linh… 

Tự truyện hay tự… PR?

Không ai có quyền ngăn cấm các ngôi sao ra mắt tự truyện. Và ở vị thế của đơn vị làm sách, họ bỏ qua cơ hội nếu cuốn sách đó hái ra tiền. Tuy nhiên, nếu đem so những “tự truyện” của các nhân vật còn non nớt về tuổi đời lẫn tuổi nghề, với một bên là những nhân vật đã sống “già đời, già nghề”, hẳn sẽ thấy có sự chênh lệch khá rõ về chất lượng của tác phẩm. Có thể kể đến các tự truyện Tâm thành và Lộc đời (NSƯT Thành Lộc), Sống cho người - Sống cho mình (NSƯT Kim Cương), Để gió cuốn đi (Ái Vân)… hay Ông giáo làng trên tầng gác mái, dù thầy giáo Nguyễn Thế Vinh không phải một ngôi sao như cách mọi người đang hiểu, nhưng anh vẫn là người của công chúng. 

Là dịch giả của nhiều cuốn tự truyện như Mike Tyson - Sự thật trần trụi, Tôi là Zlatan Ibrahimovic, đồng thời cũng là người chấp bút cho tự truyện của Hoàng Thùy Linh và Lê Công Vinh, nhà báo Trần Minh thừa nhận, anh là người đọc tự truyện nhiều nhất nước. Vậy nên, anh chỉ ra sự khác nhau của dòng sách tự truyện giữa Việt Nam và thế giới: “Có khác chăng là những nhân vật quốc tế thì thành tựu của họ lớn hơn nhân vật của nước mình. Nội dung sách của họ có độ dày, có chiều sâu câu chuyện. Tuy nhiên, không thể nói tự truyện của nước ngoài hay hơn Việt Nam”.

Như thế nào là một tự truyện hay? Đặt câu hỏi này với nhà báo Trần Minh, anh cho biết: “Ngoài hấp dẫn về kỹ thuật viết để thu hút người đọc, còn phải đặt ra vấn đề để xã hội phải bình luận, trăn trở về nó. Chẳng hạn như tự truyện của Lê Vân là cách sống của người phụ nữ trong một xã hội còn nhiều định kiến Á Đông. Với tự truyện Phạm Duy là tư duy của ông về tình dục, về nghệ thuật, về những khuôn phép, những gì nghệ sĩ được làm và không được làm”. Nhà báo Trần Minh nói thêm, khi cuốn tự truyện tạo ra được một cuộc tranh luận về mặt xã hội thì nó sẽ đặt mình cao hơn giá trị của một cuốn tự truyện, sẽ trở thành cuốn sách có một đời sống riêng, bên cạnh việc kể chuyện một cuộc đời nào đó. 

Nếu nhìn nhận ở góc độ như nhà báo Trần Minh, rõ ràng, tự truyện của các ngôi sao trẻ còn lâu mới đạt đến sự hấp dẫn và lôi cuốn như một số nghệ sĩ lớn đã làm được. Nên chăng, đối với các nghệ sĩ trẻ, thay vì ra mắt tự truyện, chỉ nên dừng lại ở 1 - 2 bài báo cũng đủ để độc giả hiểu và chia sẻ với họ. Chưa kể, đằng sau việc ra tự truyện, đôi khi lại có những động cơ khác, đó là biến tự truyện trở thành phương tiện PR cho mình. Nếu không “đập mặt” thì cũng sắp có dự án mới; khi đó, tự truyện chính là công cụ tốt nhất để đến với mọi người. Như tiền đạo Lê Công Vinh, dù đã tuyên bố giải nghệ nhưng anh cũng kịp ra mắt một học viện bóng đá. Và tự truyện Phút 89, ai nói không nằm ngoài mục đích PR cho học viện này? 

Tin cùng chuyên mục