Tư vấn kinh tế - pháp luật

- Nguyễn Văn Đông, Bình Thạnh, TPHCM:

- Nguyễn Văn Đông, Bình Thạnh, TPHCM: Ngày 1-8-2015 vừa qua, tôi và B, C, D cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH X, vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Việc góp vốn như sau:

Tôi góp 800 triệu đồng tiền mặt vào ngày thành lập công ty;

+ B góp vốn bằng giấy nợ của công ty cổ phần thương mại (một đối tác tiềm năng của công ty chúng tôi) với số tiền là 1,2 tỷ đồng. Công ty cổ phần thương mại này cam kết sẽ thanh toán tiền góp vốn cho B vào ngày 30-8-2015;

+ C góp vốn bằng ngôi nhà của mình được các thành viên thỏa thuận định giá 1,5 tỷ đồng (dù giá hiện tại căn nhà chỉ khoảng 700 triệu đồng nhưng các bên được biết sẽ có giải phóng mặt tiền nhà làm đường nên giá chắc chắn sẽ tăng);

+ D cam kết góp bằng 1,5 tỷ đồng bằng tiền mặt, nhưng lúc đầu chỉ góp 500 triệu đồng, số còn lại sẽ góp vào tháng 1-2016.

Sau 1 năm hoạt động, công ty X có lãi ròng 800 triệu đồng. Tuy nhiên, các thành viên không thống nhất việc phân chia tiền lời. D cho rằng phần vốn góp của B bằng giấy nhận nợ trong công ty là không hợp pháp, còn phần góp vốn của C cao hơn giá trị thực tế, nên C chỉ được chia lãi trên số vốn thực góp là 700 triệu đồng. Vậy, xin hỏi: việc góp vốn bằng giấy xác nhận nợ có hợp pháp hay không? Việc định giá tài sản cao hơn thực tế tại thời điểm góp vốn có hợp pháp không?

>> LS ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ (Giám đốc Công ty luật An Luật): Về việc góp vốn bằng giấy xác nhận nợ: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Doanh Nghiêp 2014 thì “Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam”. Trong trường hợp này, giấy xác nhận nợ được xem là tài sản có thể định giá bằng Đồng Việt Nam nên việc góp vốn bằng giấy xác nhận nợ là hợp pháp.

Về việc định giá tài sản góp vốn cao hơn giá thực tế: Khoản 2 Điều 37 Luật Doanh nghiệp quy định: “Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế”. Như vậy, việc định giá căn nhà của C cao hơn thực tế tại thời điểm góp vốn là hợp pháp (vì tại thời điểm định giá tất cả các thành viên đều đồng ý). Đồng thời, các bên cũng sẽ liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

* Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi  qua địa chỉ:

Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM.

ĐT: 0903.975323

Email: hanni@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục