Văn hóa hâm mộ

Còn nhớ, vào những năm 1990 của thế kỷ trước, khi đó phim điện ảnh Việt Nam được rất nhiều khán giả trẻ yêu thích. Nhiều ngôi sao điện ảnh lúc đó như Diễm Hương, Lý Hùng, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh... thể hiện thành công qua các bộ phim điện ảnh nhựa như: Phạm Công - Cúc Hoa, Nước mắt học trò, Sau những giấc mơ hồng, Xương rồng đen, Lệnh truy nã... tạo nên một làn sóng hâm mộ sâu rộng của công chúng từ thôn quê đến thành thị.

Còn nhớ, vào những năm 1990 của thế kỷ trước, khi đó phim điện ảnh Việt Nam được rất nhiều khán giả trẻ yêu thích. Nhiều ngôi sao điện ảnh lúc đó như Diễm Hương, Lý Hùng, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh... thể hiện thành công qua các bộ phim điện ảnh nhựa như: Phạm Công - Cúc Hoa, Nước mắt học trò, Sau những giấc mơ hồng, Xương rồng đen, Lệnh truy nã... tạo nên một làn sóng hâm mộ sâu rộng của công chúng từ thôn quê đến thành thị.

Người hâm mộ lúc đó đâu quá khích như bây giờ? Chuyện hâm mộ giản đơn chỉ là cái nắm tay nghệ sĩ, sung sướng chụp hình chung với thần tượng, là những chữ ký được nâng niu, gìn giữ trong cuốn tập học trò hay đơn giản chỉ là ánh mắt nhìn người nghệ sĩ mà mình hâm mộ, trân trọng từ xa khi bắt gặp thần tượng của mình đâu đó trên đường hoặc trong các kỳ liên hoan phim...

Tôi vẫn còn nhớ, ngày ấy diễn viên Diễm Hương nổi tiếng trong bộ phim điện ảnh nhựa Phạm Công - Cúc Hoa đã lấy đi biết bao nước mắt của người hâm mộ. Trong một lần liên hoan phim Việt Nam, làn sóng hâm mộ cuồng nhiệt chị đã lên đến đỉnh điểm. Hàng trăm người vây quanh chị để được nhìn tường tận nàng Cúc Hoa xinh đẹp, thủy chung, dịu dàng bằng xương bằng thịt ngoài đời như thế nào. Người xin chữ ký, người đòi chụp hình chung, người líu ríu hỏi thăm... Có lẽ kỷ niệm mà không riêng gì Diễm Hương nhớ đến mà đông đảo khán giả vẫn còn xúc động khi nhắc nhớ. Đó là, sau khi thoát khỏi vòng vây của người hâm mộ, Diễm Hương về lại khách sạn và phát hiện ra tà áo dài cô đang mặc đã bị người hâm mộ cắt đi một góc để... làm kỷ vật.

Sự tiếp cận, du nhập văn hóa các nước trong những năm gần đây đã ít nhiều ảnh hưởng đến lối sống, văn hóa ứng xử khi bày tỏ lòng hâm mộ của một bộ phận khán giả trẻ Việt Nam. Nhưng tựu trung lại có thể thấy đó là kiểu thể hiện lòng hâm mộ xa lạ với nét tao nhã, thanh lịch vốn có của người Việt: la hét, gào thét, khóc lóc thảm thương... như trong các lần đón tiếp những ngôi sao châu Á nổi tiếng Bi Rain, Big Bang, Kim Tae Hee, Jang Dong Gun... khi sang Việt Nam.

Sự hâm mộ quá khích, quá đà của một số bạn trẻ như hôn lên ghế thần tượng đã ngồi; nhịn ăn, nhịn uống để mua được chiếc vé vip ngồi sát sân khấu cho dễ dàng thấy thần tượng hoặc đói lả, ngất xỉu... vì chờ đợi mong mỏi gặp thần tượng... đã để lại một hình ảnh bệ rạc, kém thẩm mỹ đến khó hiểu. Có thể nói đó là hành động quá mê muội vì thần tượng, không còn sáng suốt để nhận biết việc làm của mình là đúng hay sai và đương nhiên có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc cho chính bản thân mình? Chưa hết, có thể trong số những khán giả trẻ la hét kia có không ít người a dua theo đám đông mặc dù không hề yêu thích và không hề hiểu biết về những nghệ sĩ đó...?

Ai cũng có quyền hâm mộ và bày tỏ lòng hâm mộ, tình cảm của mình đối với nghệ sĩ trong nước và những ngôi sao nổi tiếng trên thế giới khi họ đến giao lưu văn hóa với Việt Nam, nhưng việc bày tỏ lòng hâm mộ sao cho đúng mực, lịch sự không chỉ với nghệ sĩ mình yêu mến mà còn đối với những người xung quanh mình hầu như không thấy. Suy cho cùng, việc hâm mộ cũng phải thể hiện nét đẹp văn hóa.

Nguyễn Đước

Tin cùng chuyên mục