Tản văn

Hỏi để nhớ lâu

Hỏi để nhớ lâu

Lễ kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ (19-5) tổ chức trọng thể tại hội trường lớn. Tất cả quan khách, thầy cô và học sinh có mặt đông đủ.

Sau lễ chào cờ cử hành quốc ca và diễn văn chính thức, đến phần phát biểu ý kiến. Ban tổ chức có nhã ý mời thầy cựu hiệu trưởng đã về hưu lên diễn đàn.

Thầy Hoành đưa tay lên cao vẫy chào, gửi gắm thêm nụ cười thân thương:

- Kính thưa thầy cô và các em học sinh của tôi!

Hỏi để nhớ lâu ảnh 1

Bác Hồ và các cháu thiếu nhi. Ảnh tư liệu

Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch không bút nào nói hết được. Hôm nay tôi không đọc diễn văn cũng không phát biểu cá nhân mà xin phép được cùng toàn thể học sinh giao lưu. Chắc các bạn đồng ý với tôi, như phương châm học tập của trường ta: “Bài giảng là quan trọng, nhưng câu hỏi đáp theo nội dung là quan trọng hơn” vì hỏi đáp là có động não, động não là có sáng tạo hơn, nhớ lâu hơn.

Tôi muốn cùng các bạn tham gia một trò chơi hỏi đáp. Tôi đã chuẩn bị những câu hỏi về sự nghiệp và cuộc đời Bác Hồ mà các em đã được học. Ta chia ra hai đội, bên trái các em nữ là đội A, bên phải là các em nam đội B. Tôi nêu câu hỏi, đội nào có người đưa tay trước đội ấy trả lời, giải thưởng là tràng pháo tay thật to của mọi người.

- Câu hỏi thứ nhất: Hãy đọc bài thơ chúc Tết hay nhất của Bác – A! một bạn nữ. Mời bạn!

- “Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay  tiền tuyến ắt càng thắng to
Vì độc lập vì tự do
Đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ đồng bào!
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”

- Hay lắm! Đây là tầm cỡ lãnh tụ kiệt xuất của Bác Hồ! Chúc Tết có cả dự báo thời cuộc và không quên mục tiêu cuối cùng là thống nhất nước nhà – Xin một tràng pháo tay!

- Câu hỏi thứ hai: Khi giao nhiệm vụ cho các ngành các cấp, Bác Hồ có tài đặt để ra những cụm từ ngắn gọn dễ hiểu lại rất đầy đủ ý nghĩa. Xin cho biết cụm từ Bác tặng Quân đội Nhân dân Việt Nam là gì?

- Đội B: Là “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng” (vỗ tay).

- Và cụm từ với ngành y? Năm từ thôi!

- Đội A: Dạ, “Lương y như từ mẫu – Thầy thuốc như mẹ hiền”.

- Còn cụm từ đặc biệt cho phụ nữ Việt Nam?

- Đội A: Xin nói luôn ạ! “Anh hùng – bất khuất – trung hậu – đảm đang”.

- Và cụm từ dành cho Công an? Năm từ thôi!

- Đội B: “Công an là bạn dân” ạ!

- Hỏi: Đối với văn học nghệ thuật, Bác Hồ lại ví von “Văn nghệ ta thực tế như củ khoai, sắc bén như lá lúa”. Xin hỏi tại sao là thực tế như củ khoai, tại sao sắc bén như lá lúa?

- Đội A: Dạ, củ khoai mỏng vỏ đặc ruột lại không có xương, cắn ngập răng – ý nói văn nghệ phải giản dị dễ hiểu, người bình dân thấy hay mà người trí thức ăn cũng thấy ngon, không xương nghĩa là không có đầu độc tư tưởng và gây phản cảm. Sắc bén như lá lúa, nghĩa là lá lúa mềm mại và rất đẹp song cạnh lá sắc lắm, cứa không chết ai nhưng mà ngứa… để con người rà soát lại tư cách đạo đức mà tự hoàn thiện mình.

- Tự hoàn thiện mình, hay lắm! Xin một tràng pháo tay.

- Hỏi: Trong “Sửa đổi lề lối làm việc”, Bác Hồ dạy “Nguyên tắc quá mất việc – Thẳng quá mất lòng” - Đề nghị các em phân tích hai chữ “quá” trong câu này.

- Đội B: Nguyên tắc luôn luôn cần thiết để tuân thủ trật tự và làm việc theo pháp luật. Nhưng nếu quá là nguyên tắc cứng nhắc, nguyên tắc máy móc xa rời thực tế gây hỏng việc. Thẳng thắn là tính cương trực nhưng nếu thẳng quá là xa rời quần chúng, hách dịch, cửa quyền. Câu này Bác Hồ muốn dạy cán bộ ta phải có quan điểm quần chúng, để được lòng dân (vỗ tay).

- Hỏi: Tôi xin kể về tài ngoại giao của Bác Hồ – Khi Bác Hồ đại diện cho nước Việt Nam đi dự hội nghị Fontainebleau bên Pháp trở về, Cao ủy d’Argenlieu tiếp Bác Hồ trên một tuần dương hạm. Khi bước lên sàn tàu thấy đội danh dự quân đội Pháp đứng thành đội ngũ lưỡi lê tuốt trần có vẻ biểu dương lực lượng, Bác Hồ nói với d’Argenlieu câu tiếng Pháp có nghĩa: “Ngài thấy đấy! Chúng ta đang đứng giữa cái khung của sức mạnh quân đội Pháp”. Bác Hồ dùng danh từ cái khung với thâm ý nào?

- Đội B: Thưa, ý Bác Hồ muốn nói, trong một khuôn hình, nội dung ở trung tâm, bức tranh mới là nội dung quyết định còn cái khung chỉ là cái khung thôi đâu có ý nghĩa quyết định gì – ý nói nội dung bức tranh là đại diện của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Hỏi: Kim chỉ nam tư tưởng của Cách mạng Việt Nam là kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Hãy cho biết câu thơ nào của Bác Hồ tiêu biểu cho lập trường tư tưởng ấy?

- Đội A: Thưa, câu thơ ấy là:

“Đây suối Lê-nin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà”.

Cả hội trường vỗ tay thật dài. Chủ tọa ôm hoa từ khán phòng lên nghiêng mình trao tặng giáo sư cựu hiệu trưởng:
- Thay mặt tất cả giáo viên và toàn thể học sinh nhà trường, tôi xin nhiệt liệt cám ơn giáo sư đã biến bài phát biểu thành một cuộc động não đặc biệt thú vị – qua đó giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn cuộc đời và sự nghiệp Bác Hồ.

TRẦN KIM TRẮC

Tin cùng chuyên mục