Đêm hội ngộ ca trù phương Nam

 
Đêm hội ngộ ca trù phương Nam

Gương mặt xinh xắn, giọng ca đằm thắm, tiếng đàn dìu dặt như rót vào hồn người nghe những giai điệu bâng khuâng, mơ màng. GS-TS Trần Văn Khê đã so sánh ví von Phạm Thị Huệ - cô gái đàn hay, hát giỏi ấy như thể biết được “thập bát ban võ nghệ”... 

Đêm hội ngộ ca trù phương Nam ảnh 1
Từ phải sang: GS-TS Trần Văn Khê, nghệ sĩ Thanh Hiền (gõ phách), nghệ sĩ Phạm Thị Huệ (đàn đáy), nhà thơ Tô Long (trống chầu) trong đêm ca trù ở TPHCM. Ảnh: K.Ư.

Trong hai đêm 5, 6-2 trình diễn liên tục phần ca trù và đàn tì bà tại ngôi nhà của GS-TS Trần Văn Khê (32 đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh), nghệ sĩ Phạm Thị Huệ đã thu hút khách đến thưởng thức âm nhạc truyền thống khá đông. Thật thú vị, trong gian phòng rộng, khách ngồi nghe các nghệ sĩ biểu diễn có cả những mái đầu bạc phơ lẫn những người trẻ tuổi muốn biết về âm nhạc độc đáo nổi tiếng của dân tộc Việt Nam. Khán phòng có cả những người Việt sống ở nước ngoài về quê ăn Tết, người nước ngoài đến Việt Nam thưởng thức không khí Tết phương Đông. Ấm áp, đậm đà một không gian âm nhạc đẹp đẽ.
 
Nhắc lại sự đánh giá cao của UNESCO về ca trù qua giọng hát của NSND Quách Thị Hồ cách nay hơn 30 năm, GS-TS Trần Văn Khê đã diễn giảng về sự ra đời của ca trù trong lịch sử âm nhạc dân tộc và huyền thoại về cây đàn đáy. Ca trù đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhạc và thơ, có thang âm điệu thức rất đặc thù cùng với âm thanh đàn đáy và âm thanh thẩm định nghệ thuật của tiếng trống chầu, kết hợp thành một không gian âm nhạc ca trù đặc sắc, chỉ người Việt Nam, dân tộc Việt Nam mới có.
 
Lần đầu tiên, bên cạnh phần giới thiệu của GS-TS Trần Văn Khê về những nét đẹp của nghệ thuật ca trù, khách nghe còn được thưởng thức giọng hát của nghệ sĩ Thanh Hiền, tiếng trống của nhà thơ Tô Long, tiếng đàn đáy của nghệ sĩ Nhị Hùng (CLB Ca trù - Hát thơ Lạc Việt) và đặc biệt là tiếng đàn đáy của nghệ sĩ Phạm Thị Huệ, người vừa được xác lập kỷ lục Người phụ nữ Việt Nam duy nhất biết chơi đàn đáy.
 
Đêm hội ngộ âm nhạc, GS-TS Trần Văn Khê còn giới thiệu nét độc đáo của đàn tì bà Việt Nam. Cây đàn tì bà có xuất xứ từ cây đàn Barbat của Ba Tư đến đàn Pipa (Trung Quốc), Pipa (Triều Tiên), Biwa (Nhật Bản) và cuối cùng là cây đàn tì bà của Việt Nam. Âm thanh nghệ thuật đàn tì bà khá phong phú khi được nghệ sĩ Phạm Thị Huệ (cũng là giảng viên khoa Tì bà Nhạc viện Hà Nội) trình diễn từ phong cách truyền thống ca nhạc Huế đến phong cách truyền thống âm nhạc tài tử và độc tấu hai câu vọng cổ.
 
Phần hòa tấu đàn tì bà và đàn nhị giữa nghệ sĩ Phạm Thị Huệ và GS-TS Trần Văn Khê thật cảm động khi vị giáo sư bậc thầy âm nhạc truyền thống bày tỏ nhận xét như tìm thấy “nét tri âm” qua tiếng đàn của nữ nghệ sĩ trẻ tài hoa đất Bắc. Khi ông hát bài Lý con sáo Nam bộ theo phong cách cổ cũng là lúc Phạm Thị Huệ gửi hết tấc lòng mình vào giai điệu âm nhạc miền Nam. Để rồi, như phút ngẫu hứng của những nghệ sĩ, Phạm Thị Huệ thể nghiệm phong cách mới qua sáng tác Du xuân và được sự ứng tác, ứng tấu cùng tiếng trống của nhạc sĩ Trần Văn Khê từ những tiết tấu nhẹ nhàng thong dong đến rộn ràng, sôi nổi...
 
Đêm hát ca trù và hòa tấu tì bà, đàn nhị, trống là đêm hội ngộ âm nhạc truyền thống giữa Sài Gòn thật thú vị, đầy ý nghĩa khi nhạc sĩ Trần Văn Khê nhắc lại “rằng khi hội nhập, thế giới rất quan tâm và muốn biết Việt Nam có nền âm nhạc dân tộc truyền thống độc đáo, đặc sắc”  

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục