Gặp tiến sĩ ca trù

Gặp tiến sĩ ca trù

Trẻ mà dám học Hán-Nôm, vượt lên những vướng bận cơm áo gạo tiền để say mê nghiên cứu ca trù và đặc biệt là vừa trở thành tiến sĩ đầu tiên ở Việt Nam về loại hình nghệ thuật này, là điều vô cùng quý giá và đáng trân trọng. Anh là Nguyễn Xuân Diện, năm nay 37 tuổi.

Mê vốn cổ

Gặp tiến sĩ ca trù ảnh 1

Quê ở làng Việt cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Tây; cái làng độc đáo của đồng bằng Bắc bộ này, đi đâu mà chả gặp ông đồ, chả thấy chữ nghĩa thánh hiền. Ngày nhỏ, mỗi dịp xuân hội, chứng kiến cảnh mấy ông đồ gò lưng mài mực rồi thả những nét chữ phượng múa rồng bay lên mặt giấy hồng điều; hoặc giả, những đêm gió mát trăng thanh, thập thò ngoài hiên nghe các bậc cao niên ngâm cổ thi, nảy Kiều…

Diện phục lăn và quyết tâm lớn lên phải ăn học bằng người để chí ít ra cũng đọc được những hàng cuốn thư, câu đối ở nhà thờ họ, đình làng, chùa xã… Lên đại học, trong lúc chúng bạn nô nức học những ngành thời thượng: y, dược, ngoại thương, sư phạm… thì Diện lẳng lặng chịu tiếng hâm để không ngần ngại vào khoa Hán-Nôm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).

Học Hán-Nôm, đọc nhiều tài liệu cổ nên biết rằng kho tàng văn hóa nước Việt có một loại hình văn nghệ trác việt là ca trù, Diện đã lấy làm thích thú. Rồi một bận lục được trong kho tư liệu nhà trường được một đĩa CD ghi tiếng hát ma mị của đào nương danh tiếng - NSND Quách Thị Hồ, thế là chàng trai của đất đá ong khô nhiều ngấn lệ này quyết chí mê đắm nghiệp sênh phách.

Tốt nghiệp đại học, về công tác ở Viện Nghiên cứu Hán-Nôm từ năm 1993 đến nay. Được đắm mình trong tàng thư Hán-Nôm lớn nhất cả nước về tài liệu cổ là hạnh phúc không gì đánh đổi được và cũng là cơ hội quý giá để Nguyễn Xuân Diện đắp bồi cho nghiệp ca trù.

Không chỉ chơi ca trù để làm sang như một số người đã và đang làm, Diện thật sự bị thứ âm nhạc bác học này bỏ bùa. Và anh quyết tâm làm cho ra tấm ra món. Anh lặng thầm với những chuyến điền dã liên tu bất tận, dày công khảo cứu, đối chiếu để đĩnh đạc công bố nhiều công trình khoa học: “Góp phần tìm hiểu lịch sử ca trù” (NXB Khoa học Xã hội, 2000), “Thơ Hát nói xưa và nay” (Soạn chung với Hoài Yên, NXB Văn hóa Dân tộc, 2003), tác giả của 29 luận văn khoa học, đồng soạn giả của 40 cuốn sách cùng nhiều cuộc thuyết trình về ca trù ở Việt Nam và Nhật Bản.

“Một thanh niên lại chịu học Hán-Nôm, sưu tầm, nghiên cứu rất nhiều tư liệu về ca trù thì thật vô cùng thích thú và ngạc nhiên” – GS-TS Trần Văn Khê đã thốt lên như vậy khi đọc cuốn “Góp phần tìm hiểu lịch sử ca trù” của Diện. Vị học giả uyên thâm này thích thú bởi Diện “cho tôi biết thêm sáu, bảy quyển “Ca trù thể cách”, lại còn kê khai trên 70 văn bia viết bằng chữ Nôm đang được tàng trữ tại Viện Hán-Nôm.

Công bố tư liệu quý về ca trù

Gặp tiến sĩ ca trù ảnh 2
Hát ca trù xưa. Ảnh: H.CH.

Phẩm bậc trong làng ca trù của Nguyễn Xuân Diện vừa được nâng lên một bước ngoạn mục khi anh xuất sắc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Nguồn tư liệu Hán-Nôm với việc nghiên cứu ca trù”.
Mất 7 năm ròng rã chuẩn bị luận án, áp dụng linh hoạt 3 phương pháp: thống kê phân loại, nghiên cứu liên ngành, điều tra điền dã để tập hợp, khảo sát 49 cuốn sách và 70 văn bia Hán-Nôm về ca trù tại Viện Nghiên cứu Hán-Nôm; các tư liệu tại một số làng có nghề ca trù và đền thờ tổ là Lỗ Khê (Hà Nội), Phú Đô (Hà Nội), Phượng Cách (Hà Tây), Diện làm ngỡ ngàng giới chuyên môn khi lần đầu tiên công bố:

Văn bản đầy đủ bài hát thờ “Non mai” và 9 thể ca trù được dùng trong lễ tế tổ. Tìm ra cứ liệu sớm nhất về ca trù là bài “Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn” của TS Lê Đức Mao sáng tác trước năm 1505 để khẳng định vào thế kỷ XV đã có sinh hoạt ca trù ở làng xã Việt Nam. Đưa ra số lượng 99 thể cách ca trù (trong đó có 66 làn điệu hát và 33 thể cách kết hợp hát, múa, diễn, nghi lễ) và việc sử dụng trong những không gian sinh hoạt khác nhau (hát thờ, hát thi, tế tiên sư, hát chơi). Góp phần làm sáng tỏ hơn về đặc điểm thể loại hát nói và phát hiện thêm 11 tác gia hát nói. Cung cấp những hiểu biết khá cụ thể về đàn đáy, phách và âm luật ca trù...

GS-TS Trần Văn Khê vốn kiệm lời là thế mà cũng đã không tiếc mỹ từ để thể hiện sự tâm đắc với công trình này của Diện. “Đây là một công trình khoa học tối ưu. Nội dung vô cùng phong phú. Có nhiều phát hiện mới mà từ trước đến nay chúng ta chưa được biết”.

Siết chặt tay chúc mừng ông tân tiến sĩ, tôi nghe Diện rủ rỉ bên tai: “Mình mới biết một nghệ nhân ngót chín chục tuổi mà đàn vẫn ngọt lắm. Đi nhé!”. 

THẢO LƯ

Tin cùng chuyên mục