Nhớ thời Nam bộ kháng chiến

“Xã hội học tập” ở chiến khu Láng Le – Bàu Cò

Năm 1946, tôi 14 tuổi, theo các anh sinh viên học sinh đi “lên chiến khu”. Cụm từ này, vào thời ấy, có nghĩa là đi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.
“Xã hội học tập” ở chiến khu Láng Le – Bàu Cò

Năm 1946, tôi 14 tuổi, theo các anh sinh viên học sinh đi “lên chiến khu”. Cụm từ này, vào thời ấy, có nghĩa là đi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.

Xe chạy về hướng miền Tây. Tưởng chiến khu ở đâu xa lắm. Nào dè vừa qua khỏi cầu An Lạc một đỗi, anh trưởng nhóm bảo ngừng lại. Chúng tôi băng qua đường rày xe lửa (lúc ấy còn đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho), lần theo hàng dừa nước uốn lượn ven một con rạch và đi sâu vào trong. Độ vài trăm mét, gặp một chị mặc bộ bà ba đen cầm khẩu súng hai nòng đứng gác. Anh trưởng nhóm nói câu gì đó, chị gật đầu và chúng tôi tiến đến một nơi có tên là rạch Ruột Ngựa cây cối khá um tùm, chúng tôi vào một nhà lá, thay quần áo học sinh bằng một bộ bà ba đen, y như nông dân địa phương. Tôi ngơ ngác hỏi:

- Đâu? Chiến khu ở đâu? 

Anh trưởng nhóm cười:

- Đây chứ còn đâu nữa. Đây là chiến khu Láng Le - Bàu Cò.

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

Tại sao chiến khu này mang tên hai loài chim? Đến tối thi thắc mắc của tôi được giải đáp: hàng đàn le le từ đâu đến, xà xuống các bưng sâu mò cá, gọi nhau inh ỏi. Còn cò về đậu trắng các hàng cây. Thật là một cảnh tượng ngoạn mục đối với một chú nhóc mới ở thành phố ra.

Chiến khu Láng Le - Bàu Cò gồm 4 xã: Tân Nhật, Tân Tạo, Tân Kiên, Tân Túc (nay thuộc huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh). Bên kia kinh Xáng là chiến khu Vườn Thơm, còn bên lộ đá là chiến khu Vĩnh Lộc.

Tôi được phân công về làm liên lạc viên (giao liên) tại phòng Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam địa phương Saigon Cholon sau mới gọi là khu). Thời ấy, thiếu niên 13, 14 tuổi như tôi đi kháng chiến là chuyện bình thường. Ở các tiểu đoàn Ký Con, Ngô Gia Tự, Trung đoàn 306 Phạm Hồng Thái, các đội dân quân tự vệ 10 ban công tác thành, tiền thân của Biệt động Sài Gòn... nơi nào cũng có thiếu niên làm giao liên.

Nhiệm vụ cho phép tôi đi khắp nơi trong chiến khu.

Lúc ấy 95% dân số còn mù chữ. Đáp lời kêu gọi của Bác Hồ, toàn dân chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Chiến khu này, ngày nào cũng phải đánh trả giặc lấn chiếm, tối đến lại tổ chức học tập. Không có lớp học chính quy đâu. Vì không thể tập trung đông người được: trong chiến khu, chỗ nào pháo địch cũng vói tới, nên chỉ tổ chức học tập lẻ tẻ. Ở bưng Cái Đỉa vỏn vẹn có 2 nóc gia, vậy mà tối nào cơ quan Thành ủy cũng cử người cầm cái đèn soi cá đến dạy chữ cho một, hai thanh niên từng nhà (ở vùng này không xài đèn pin, vì ngoài bót nó thấy).

Bộ đội tối đi đánh giặc về, ngày cũng cùng nhau học chữ, từng nhóm đôi ba người, không có chỗ thì ngồi học trong các lùm bụi. Người biết chữ chỉ cho người chưa biết. Người biết nhiều chỉ cho người biết ít. Giấy, viết, mực do cơ quan cấp, dân không tốn tiền mua (dân thời ấy nghèo lắm).

Ở gần bót Bà Hom, tối đến cơ quan cũng cử người đến tận nhà dân dạy học. Dân quân gác sát bót, đề phòng giặc ra bất ngờ. Học xong, phải giấu hết giấy, tập và xóa hết vết mực vì sáng ra giặc ập vào, nó thấy mấy thứ này, biết là có Việt Minh về, nó sẽ làm khó. Trên bờ kinh Xáng có dựng mấy tấm bảng, mỗi ngày trên bảng viết một câu. Đồn rằng ai đọc được câu ấy thì đi qua, ai không đọc được phải quay về nhà học lại. Đồn là thế nhưng thực ra, không ai phải quay về, vì cạnh tấm bảng, luôn có một chị thân thiện và khả ái, đứng hướng dẫn dân đọc.

Trong chiến khu cũng thiết lập nhiều công cụ hỗ trợ sự học của dân: Láng Le - Bàu Cò diện tích không lớn, vậy mà là nơi xuất bản 3 tờ báo có vai trò quan trọng: báo Chống Xâm Lăng của Thành ủy Đảng Cộng sản VN Saigon Cholon, báo Tiến Lên của tỉnh Chợ Lớn, báo Cảm Tử của Liên hiệp Các công đoàn. Ba tờ báo này, phần lớn phát hành trong nội thành, một phần không nhỏ để lại trong chiến khu cho dân đọc.

Ở chợ Gò Xoài (chỉ họp về đêm) có một sạp báo rất lạ: sạp báo không người bán! Ai muốn mua, cứ lật sau lưng tờ báo xem giá rồi tự bỏ tiền vào cái hộp gỗ gần đó, không ai kiểm soát cả. Chỉ có lòng tự trọng của người mua tự ứng xử với bản thân mình thôi! Đúng ra cũng có một người. Nhưng anh này không trông coi việc bán báo mà coi... cái đèn măng sông! Khi có “hơi” máy bay thì anh tắt đèn đi - khi con quái vật bằng sắt qua khỏi, anh thắp đèn lên. Việc buôn bán lại tiếp tục tấp nập.

Ở gần Giáp Nước, giữa một vườn tre trúc um tùm, một Câu lạc bộ Mác-xít ẩn mình trong bóng mát. Nơi đây mọi người vào đọc báo tự do lúc nào cũng được. Nhiều báo, nhiều sách lắm. Và, thật khó tưởng tượng, giữa lúc ngày nào bom đạn cũng ì ầm, mà trong chiến khu Láng Le - Bàu Cò này vẫn xuất hiện một tờ báo hài hước, tờ Br...ùmm, viết nhiều bài đọc xong cười muốn bể bụng! Tinh thần lạc quan trong gian khổ là thế đấy.

Chánh quyền kháng chiến có tầm nhìn xa: Ngay từ năm 1948, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh cho mở hai trường trung học kháng chiến, một tại rừng U Minh (trường Nguyễn Văn Tố) và một ở Đồng Tháp Mười (trường Thái Văn Lung) chiêu sinh khắp vùng giải phóng. Hai trường đều nội trú, học sinh được miễn phí hoàn toàn. Các “chiến sĩ trẻ” còn trong độ tuổi ở chiến khu Láng Le - Bàu Cò cũng nô nức đi thi.

Lúc ấy, căn nhà lá là trụ sở của Thành ủy Saigon Cholon đã bị địch đốt (chúng không biết đấy là trụ sở). Mấy anh em chúng tôi, ngồi dưới các lùm cây bình bát mà học ôn bài, chuẩn bị dự thi, ai nấy đều nôn nao chờ đợi.

Ngày thi đã tới, trường thi chính là trụ sở của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Saigon Cholon. Vị giáo sư danh tiếng và có uy tín lớn ở Sài Gòn ra tham gia kháng chiến, ngồi ghế chánh chủ khảo. Trong lúc chúng tôi đang làm bài thi thì một đám cưới đi ngang. Đám cưới hồi đó cũng rình rang lắm. Đồn Tân Hữu nó thấy, nó nã súng cối vô. Có mấy quả nổ cách trường thi chỉ vài trăm mét. Học sinh hơi nhốn nháo, nhưng thấy vị chánh chủ khảo vẫn bình tĩnh yên vị trên ghế, ai nấy đều tiếp tục làm bài thi.

Tình hình chiến sự ngày càng căng. Vậy mà việc học vẫn duy trì. Nước nhà vừa giành lại được độc lập, ai cũng muốn sống xứng đáng với tư cách người công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, muốn vậy phải cố gắng học tập dù hoàn cảnh có khó khăn đến thế nào. Nhờ vậy, chỉ một năm sau, hầu hết dân trong chiến khu đều thoát khỏi nạn mù chữ. “Xã hội học tập” trong chiến tranh do Đảng Cộng sản khởi xướng là thế đấy.

Hôm tôi được tin thi đậu, cũng là lúc quân Pháp mở cuộc bố lớn vào chiến khu (“bố” là cách nói tắt của từ “khủng bố”). Một chiếc máy bay trinh sát của địch đã lượn trên chiến khu để hướng dẫn bộ binh địch. Bộ đội ta cho nó mấy loạt súng máy, nó chúi mũi xuống đất. Cuộc bố ráp thất bại. Tôi chạy lại xem xác máy bay. Anh bộ đội tặng tôi một ống bằng nhôm lấy từ thân con quái vật bằng sắt. Tôi cầm món “chiến lợi phẩm” ấy làm gậy đi đến Đồng Tháp Mười nhập học và khoe với bạn bè: “Chiến khu Láng Le - Bàu Cò của tôi chiến đấu như thế đấy, và dạy tôi học như thế đấy”

CHU THAO

Tin cùng chuyên mục