Bản quyền văn hóa phẩm

Đối diện với khiếu kiện từ nước ngoài

Đối diện với khiếu kiện từ nước ngoài

Sự kiện đại diện thương hiệu Walt Disney đánh tiếng đòi khoản tiền 3,2 tỷ đồng nhằm khắc phục việc thương hiệu bị xâm phạm bản quyền tại Việt Nam từ trước đến nay gây tranh cãi về tính khả thi.

Điều phải tới

Thật ra, ngay sau khi Việt Nam gia nhập công ước Berne cách nay gần 4 năm, chuyện doanh nghiệp trong nước bị doanh nghiệp nước ngoài truy đòi tiền bản quyền được xem là tất yếu sẽ xảy ra.

Đối diện với khiếu kiện từ nước ngoài ảnh 1

Một trong những sản phẩm có bản quyền đầu tiên của Hãng Walt Disney vào Việt Nam cuối năm 2007.

Vào cuối tháng 5, giám đốc Công ty Apex Media JSC, đơn vị đại diện bản quyền của Walt Disney trong lĩnh vực xuất bản (có trụ sở tại 90 Ký Con, Q1, TPHCM) đã gửi thư yêu cầu các đơn vị vi phạm quyền sở hữu hình ảnh của Walt Disney thu hồi các sản phẩm vi phạm. Đề nghị này ngay lập tức được các đơn vị trên chấp hành. Tuy nhiên, tranh cãi bắt đầu nảy sinh khi Apex Media JSC yêu cầu trả phí cho công tác kiểm tra sản phẩm vi phạm trên thị trường Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, với tổng chi phí là 200.000 USD (hơn 3,2 tỷ đồng) cho 15 ngày làm việc.

Việc nhanh chóng thu hồi sản phẩm vi phạm bản quyền cho thấy các đơn vị này đều hiểu rõ vi phạm của mình. Nhưng giá tiền do đại diện Walt Disney đưa ra lại gây tranh cãi về tính khả thi. Vụ việc này là điển hình cho thấy trong vấn đề thực thi công ước Berne tại Việt Nam, các vấn đề liên quan đến bồi thường, khắc phục thiệt hại do vi phạm bản quyền gây ra, đang là một lỗ hổng lớn đối với các đơn vị kinh doanh trong nước. Biện pháp phản ứng chung của các doanh nghiệp trong nước vẫn là “đề nghị một giải pháp hợp lý để có thể hợp tác” và “không chấp nhận mức phí được đưa ra”.

Luật chọi luật

Gần 4 năm sau ngày gia nhập Berne, thị trường bản quyền văn hóa phẩm, nhất là mảng sách của Việt Nam, đã có những thay đổi rõ rệt. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, các doanh nghiệp Việt Nam dần hòa nhập vào thị trường sách thế giới, với các hoạt động mua bán bản quyền ngày càng phát triển. Thực tế đã hình thành những đơn vị mua bán bản quyền chuyên nghiệp, với những ưu thế riêng trong từng lĩnh vực, như Công ty văn hóa Phương Nam với mảng sách tiếng Trung, Công ty Truyền thông Nhã Nam mạng sách văn học, FristNews sở trường các loại sách ngoại ngữ, kiến thức phổ thông…

Thế nhưng, cũng chính sự phát triển này cho thấy Berne vẫn chỉ đang được nhìn nhận ở một góc hẹp. Luật Bản quyền không chỉ đơn thuần là chuyện mua bán bản quyền, mà chính là ở việc bảo vệ và giải quyết những vấn đề liên quan đến sở hữu và sử dụng các sản phẩm được Luật Bản quyền bảo vệ.

Sự kiện tranh chấp các nhân vật truyện tranh giữa Công ty Phan Thị và họa sĩ Lê Linh trước đây, Công ty Lê Linh sau này, đã là minh chứng cho thấy Luật Bản quyền còn ít được các doanh nghiệp hiểu thấu đáo. Cũng một bộ truyện tranh NXB này thì từ chối do “vi phạm bản quyền”, trong khi NXB khác lại chấp nhận do “không có dấu hiệu vi phạm bản quyền”.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam kinh doanh văn hóa phẩm lại có kiến thức sâu rộng về Luật Bản quyền Việt Nam, am hiểu đến từng ngóc ngách của Công ước Berne. Tuy nhiên, như đại diện một NXB lớn của Mỹ có chi nhánh tại Việt Nam cho biết: “Thời gian trước đây, các đơn vị nước ngoài khi vào Việt Nam thường ít phản ứng về các vấn đề bản quyền do còn thăm dò tình hình thị trường”. Với cách làm của đại diện Công ty Walt Disney, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải hiểu biết hơn, chuyên nghiệp hơn về luật để vừa tôn trọng bản quyền, vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình. 

TƯỜNG VÂN

Tin cùng chuyên mục