Truyện tranh nước ngoài tại Việt Nam

Hậu quả khoảng trống quản lý xuất bản

Hậu quả khoảng trống quản lý xuất bản

Dù không được coi trọng nhưng truyện tranh vẫn luôn chiếm thị phần đáng kể trên thị trường sách Việt Nam. Gần đây dư luận bày tỏ sự lo ngại khi xuất hiện các loại truyện tranh sex, bạo lực mà người đọc chủ yếu là thiếu nhi. Khoảng trống quản lý xuất bản đang gây nên hậu quả này.

Tranh cãi vì truyện tranh

Thực ra, không phải đợi tới bây giờ mới có những cuộc tranh cãi về truyện tranh gây xôn xao dư luận. Từ khi cuốn truyện tranh thiếu nhi ăn khách nhất của Nhật Bản là Doraemon (tên tiếng Việt lúc đó là Đô-rê-mon) vào thị trường Việt Nam, các cuộc tranh cãi xung quanh truyện tranh đã bắt đầu nổ ra.

Lúc bấy giờ, nhiều người cho rằng bộ truyện tranh này, dù được đánh giá hấp dẫn, giàu tính giáo dục nhưng lại phản cảm với thiếu nhi Việt Nam vì nhân vật chính Nobita nhiều lần rình coi cô bạn gái Xuka tắm, học sinh tiểu học đánh nhau, bắt nạt bạn bè…

Tiếp sau đó, bộ truyện tranh Bảy viên ngọc rồng cũng bị lên án là điển hình của kích động bạo lực. Đến tác phẩm Thám tử Conan, việc tranh cãi càng trở nên gay gắt khi tác phẩm toàn là các vụ án giết người với xác chết máu me cùng các âm mưu thủ đoạn thâm hiểm độc địa.

Hậu quả khoảng trống quản lý xuất bản ảnh 1

Khi truyện tranh không còn là sản phẩm cho thiếu nhi, thật khó để các em chọn được tác phẩm phù hợp với mình. Ảnh: T.V.

Sau những lên án là bạo lực, phản cảm, dòng truyện tranh Nhật (còn được gọi là Manga) càng bị điều tiếng với việc xuất hiện hàng loạt truyện có nhiều cảnh hở hang, khiêu dâm.

Thậm chí, đã có lúc truyện tranh Nhật ở Việt Nam bị đánh đồng là bạo lực, sex đến mức khi bộ truyện tranh Việt Nam Thần Đồng Đất Việt ra đời với lối vẽ Manga đã bị nhiều người, ngay cả trong giới họa sĩ, lên án là “cổ xúy cho một dạng thể hiện truyện tranh không thích hợp cho thiếu nhi”.

Có họa sĩ khá nổi tiếng trong lĩnh vực tạo hình, lúc đó đang manh nha làm truyện tranh đã thẳng thừng tuyên bố, không chấp nhận làm truyện tranh cho thiếu nhi Việt Nam theo kiểu Manga vì sẽ “làm hỏng cảm thụ nghệ thuật của trẻ em trong nước!”.

Hệ quả độ vênh văn hóa

Cái gì đã khiến truyện tranh, nhất là truyện tranh Nhật bị phê phán, chê bai như vậy? Một biên tập viên NXB Trẻ cho biết: “Tất cả chỉ là sự hiểu lầm về văn hóa”. Thực tế, truyện tranh tại Nhật được xem là một loại sách văn học như mọi loại sách khác, nghĩa là có sách cho thiếu nhi, tuổi mới lớn, tuổi trưởng thành, sách dành riêng cho người lớn…

Còn tại Việt Nam, truyện tranh được hiểu là sách cho thiếu nhi. Nhiều tác phẩm truyện tranh vốn dành cho người lớn ở nước ngoài nhưng khi xuất bản trong nước lại thành sách thiếu nhi. Điển hình gần đây nhất như là bộ truyện K.S.Đ của NXB Thanh Hóa với đề tài thời Trung cổ. Hình ảnh trong truyện tràn ngập những trận đánh đẫm máu, những cuộc hãm hiếp, làm tình tập thể… không thể phù hợp cho thiếu nhi, dù nội dung xuyên suốt khá nhân văn khi nói về sự vật lộn tìm kiếm giá trị sống của những con người bị hoàn cảnh đẩy đến tận cùng của tuyệt vọng.

Và cũng thật là oan ức khi nói chỉ có truyện tranh Nhật mới có thể loại dành cho người lớn. Bộ truyện tranh Peter Pan (do Công ty Truyền thông Nhã Nam phát hành) từng gây sốc cho độc giả, vì tuy dựa theo một câu truyện thiếu nhi nổi tiếng thế giới nhưng truyện lại được thể hiện với nét vẽ chân thật và không thiếu những cảnh bạo lực trẻ em, làm tình.

Truyện do họa sĩ Pháp Regis Loisel vẽ, ông từng đoạt giải thưởng lớn Angoulême (giải thưởng danh giá nhất thế giới dành cho một họa sĩ truyện tranh). Cùng đến từ châu Âu còn có XIII (NXB Trẻ) với âm mưu vụ sát hại tổng thống Mỹ. Từ Trung Quốc là một loạt tác phẩm như Phong Vân, Anh hùng vô lệ, Đại thánh vương, Võ thần (NXB Trẻ) nặng tính bạo lực.

Ngoài ra, truyện tranh nước ngoài còn có thể loại khiêu dâm dành riêng cho người lớn. Ở Việt Nam, luật pháp cấm thể loại này.

Hậu quả quản lý lỏng lẻo

Bất chấp mọi sự đánh giá có một truyện tranh đang chiếm một thị phần quan trọng trong thị trường sách hiện nay tại Việt Nam. Trừ NXB Giáo dục, hai NXB lớn nhất nước hiện nay là NXB Trẻ và NXB Kim Đồng đều sở trường làm truyện tranh. Thậm chí, một lượng lớn truyện tranh không bản quyền trên thị trường cũng đang là nguồn sống của nhiều NXB địa phương. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho các loại truyện tranh bạo lực, khiêu dâm luồn vào.

Tuy nhiên, việc quản lý, phân loại truyện tranh lại hầu như chưa có quy chuẩn chính thức. Hiện nay các NXB đang tự mình phân loại truyện tranh theo chủ quan, như NXB Trẻ có truyện tranh cho thiếu nhi, tuổi mới lớn, trưởng thành, người lớn; NXB Kim Đồng có truyện tranh thiếu nhi, thiếu niên.

Gần đây, sau khi bị phản ánh, các NXB khác cũng bắt đầu quan tâm đến chuyện phân loại, như NXB Thanh Hóa có thêm câu: “Sách cần có sự tham khảo của phụ huynh”.

Thế nhưng, ông Trí Đức, trưởng ban biên tập truyện tranh NXB Trẻ cho biết: “Việc phân loại, thẩm định truyện tranh chủ yếu vẫn dựa vào khả năng của biên tập viên chứ chưa có một quy chuẩn chính thức nào”. Có loại, truyện tranh Nhật dành cho 14 tuổi trở lên, nhưng qua Việt Nam lại phải nâng lên thành 18 tuổi. Tuy nhiên, dù dựa theo quy chuẩn nào thì truyện tranh ở Việt Nam phải phù hợp với phong tục, tập quán, đạo đức và văn hóa Việt Nam.

Tại Nhật, truyện tranh cho người lớn được bán khắp nơi nhưng không được phép bán cho trẻ em, nếu vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép, thậm chí phạt tù. Còn tại nước ta, trẻ em dễ dàng mua truyện tranh dành cho người lớn trong khi cảnh báo của các NXB chỉ mang tính thụ động chiếu lệ. Bản thân truyện tranh người lớn không có lỗi, trừ các thể loại khiêu dâm và kích động bạo lực, thế nhưng chính việc quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng đã khiến những sản phẩm dành cho người lớn đến tay trẻ em, và từ đó dẫn đến những hậu quả khó lường. 

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục