Xuất khẩu tác phẩm văn học. Bài 2: Cần có chính sách khuyến khích

Ai cũng muốn những tác phẩm văn học Việt Nam có thể nổi tiếng trên thế giới và ai cũng hiểu để làm được điều đó thì trước hết phải làm sao để các tác phẩm Việt Nam đến với bạn đọc quốc tế càng nhiều càng tốt. Nhưng để đưa một tác phẩm văn học xuất ngoại lại không phải chuyện dễ dàng mà một đơn vị kinh doanh sách hay một NXB có thể làm được.
Xuất khẩu tác phẩm văn học. Bài 2: Cần có chính sách khuyến khích

Ai cũng muốn những tác phẩm văn học Việt Nam có thể nổi tiếng trên thế giới và ai cũng hiểu để làm được điều đó thì trước hết phải làm sao để các tác phẩm Việt Nam đến với bạn đọc quốc tế càng nhiều càng tốt. Nhưng để đưa một tác phẩm văn học xuất ngoại lại không phải chuyện dễ dàng mà một đơn vị kinh doanh sách hay một NXB có thể làm được.

Dịch gì và ai dịch

Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 13 (khóa 7) vừa ra quyết định tổ chức hội nghị về quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài vào cuối năm nay. Đó là một tín hiệu đáng mừng và ngay lập tức đã có nhiều ý kiến đóng góp về những việc hội nghị cần làm trước mắt.

Các ý kiến cho rằng việc đầu tiên cần làm là chọn lựa những tác phẩm văn học Việt Nam xuất sắc, có giá trị văn học cao và phản ánh được văn học Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Từ trước đến nay, việc chọn lựa này thường do phía nước ngoài chủ động thực hiện và do đó đôi khi dẫn đến sự phiến diện gây hiểu lầm cho bạn đọc nước ngoài về đất nước và con người Việt Nam được phản ánh thông qua văn học.

Việc xây dựng hội đồng chọn lựa tác phẩm này phải hội đủ tài năng, công tâm với mục đích cao nhất là nhằm quảng bá văn học Việt Nam một cách khách quan nhất với bạn bè quốc tế. Một hội đồng như vậy không thể do một hay vài đơn vị làm sách, xuất bản thực hiện mà cần sự giúp đỡ của cả văn đàn trong nước, từ các nhà văn đến các nhà phê bình, nhà nghiên cứu văn học…

Sách Việt Nam dịch qua tiếng Nhật chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Sách Việt Nam dịch qua tiếng Nhật chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Vấn đề thứ hai không kém phần quan trọng là khâu chuyển ngữ. Tại các hội chợ sách quốc tế, nhiều đơn vị sách Việt Nam không thể giới thiệu, chào hàng với các NXB nước ngoài những tác phẩm văn học Việt vì không có bản chuyển ngữ. Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk đã không thể đoạt giải Nobel văn chương năm 2006 nếu như những tác phẩm của ông không được chuyển ngữ và xuất bản ở châu Âu trước đó. Thế nhưng chuyển ngữ văn học lại không dễ dàng.

Ông Trần Đức Lâm, Giám đốc NXB Thế giới, một trong những đơn vị được đánh giá là nghiêm túc và chất lượng nhất trong việc dịch sách Việt sang tiếng nước ngoài cho biết: “Việc chuyển ngữ từ tiếng Việt ra các thứ tiếng khác rất khó khăn và đòi hỏi dịch giả phải chuyên sâu vì văn học, văn hóa Việt vốn khá xa lạ với nhiều nước nên đòi hỏi dịch giả phải dịch thật tốt thì người đọc mới có thể cảm thụ được cái hay của văn học Việt”.

Ông Lâm ví dụ như khi dịch bộ 50 truyện ngắn Việt Nam, NXB đã nhờ đến dịch giả Đặng Thế Bình, người được xem như là một trong các dịch giả giỏi nhất Việt Nam hiện nay. Thế nhưng, ông Đặng Thế Bình chỉ nhận dịch hai truyện của Dương Thị Xuân Quý và Nguyễn Khải vì “Tôi chỉ nắm được cái thần của hai nhà văn này để chuyển tải cho bạn đọc nước ngoài, những người còn lại nếu tôi dịch hết thì sẽ bị giống nhau”. Để khắc phục NXB đã phải kết hợp nhiều dịch giả như người bản xứ, Việt kiều, kết hợp giữa dịch giả Việt dịch thô và nhà văn bản xứ trau chuốt. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế hiện nay.

        Chuyện không của riêng ai

Xây dựng một chương trình hành động cấp quốc gia để quảng bá văn học Việt Nam đến thế giới sẽ là một biện pháp hiệu quả. Và đó cũng là kinh nghiệm mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện. Tiêu biểu như ở Ba Lan, Viện sách đã tổ chức chương trình dịch thuật Copyright Poland, trong vòng 10 năm đã hỗ trợ xuất bản 800 cuốn sách của Ba Lan tại hơn 40 nước trên thế giới.

Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã lập ra một danh sách những tác phẩm văn học của đất nước và đưa ra những chính sách hỗ trợ để quảng bá sách ra nước ngoài. Chính phủ Hàn Quốc thông qua cơ quan đại diện đã đầu tư, hỗ trợ để xuất bản những tác phẩm của nước họ vào Việt Nam.

Không chỉ hỗ trợ về kinh phí dịch thuật, xuất bản tác phẩm văn học của quốc gia mình tại nước ngoài, các quốc gia có sự quan tâm đến quảng bá văn học, văn hóa còn tổ chức đưa các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học sang các quốc gia cần nâng cao ảnh hưởng để giao lưu như vừa qua Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam mời giáo sư Mitsuyoshi Numano qua nói về văn học Nhật hay chuyến thăm giao lưu của nhà văn Pháp Marc Levy thông qua sự sắp xếp của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam…

Bên cạnh việc trực tiếp hỗ trợ, việc quảng bá văn học còn có thể thực hiện thông qua sự ủng hộ của các doanh nghiệp. Đi đầu trong lĩnh vực này phải kể đến Hàn Quốc với việc kết hợp giữa quảng bá văn hóa và kinh doanh sản phẩm. Sau một số thành công của điện ảnh, giới doanh nhân đã phát hiện ra đây là một công cụ quảng cáo sản phẩm đầy hiệu quả. Còn giới làm nghệ thuật thì tìm thấy một nguồn đầu tư mạnh mẽ và năng động. Vấn đề khó khăn chỉ là kết hợp sao để nghệ thuật không bị kinh doanh lấn át và kinh doanh có thể thu lợi từ thành công của nghệ thuật. Với những gì điện ảnh Hàn Quốc làm được ở Việt Nam, có thể nói sự kết hợp đã thành công.

Sự thành công nói trên có thể xem là một bài học hay cho việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới trong đó có cả văn học. Nhưng muốn làm được tất cả những điều trên xét đến cùng vẫn rất cần có chính sách khuyến khích của Nhà nước để khích lệ sự tham gia của mọi tầng lớp trong và ngoài nước. Từ đó, các sản phẩm văn hóa của Việt Nam mới có điều kiện đến với bạn bè thế giới và thông qua sự giao lưu văn hóa, văn học sẽ giúp thế giới hiểu hơn và hiểu đúng về lịch sử, con người và sự phát triển của đất nước Việt Nam hiện nay. 

TƯỜNG VY - BẢO LÂM

Thông tin liên quan:

>> Xuất khẩu tác phẩm văn học: Bài 1, Không có cái để bán?

Tin cùng chuyên mục