Gian nan vực dậy ca trù

Gian nan vực dậy ca trù

Với sự ra đời của nhiều CLB Ca trù và “Hồ sơ ca trù của người Việt” vừa được gửi sang UNESCO ứng cử để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thế giới... đã tạo điều kiện để vực dậy một di sản đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Chúng ta sẽ phải làm gì gìn giữ và phát triển vốn cổ?

Giữ gìn từ việc “Vướng duyên Ca trù”

Gian nan vực dậy ca trù ảnh 1

Sân khấu ca trù.

Phát triển cực thịnh vào khoảng thế kỷ 15, ca trù được đánh giá là một trong những loại hình văn hóa đặc sắc do vừa phong phú về làn điệu, về không gian biểu diễn, vừa gắn liền với nhiều nghi lễ phong tục.

Trước đây, đã có một thời gian dài, sự tao nhã của loại hình nghệ thuật này bị lạm dụng, bị hiểu lầm và đánh đồng với những sinh hoạt thiếu lành mạnh. Điều này dẫn đến việc ca trù không được tôn vinh, bảo vệ và dần tàn lụi.

Vào khoảng nửa cuối thập niên 80 thế kỷ XX, lần đầu tiên một câu lạc bộ về ca trù được thành lập dưới nỗ lực của NSƯT Bạch Vân. Là người đi tiên phong trong việc vực dậy ca trù, khi đó NS Bạch Vân cũng đã gặp đủ những gian truân với nhiều điều tiếng. Thành lập CLB Ca trù Hà Nội đã khó, để có kinh phí duy trì lại càng khó hơn.

NS Bạch Vân cho biết, đã mấy lần toan giải thể CLB vì quá khó khăn về kinh phí, trụ sở... Nỗi gian nan của CLB Ca trù trong những ngày đầu thành lập là điển hình của tất cả những ai đã “vướng duyên” ca trù. Đam mê nhiều, nhưng lại không sống được bằng nghề. Và để tồn tại, buộc người nghệ sĩ phải xoay sang làm trăm nghề khác. Lớp trẻ thấy thế cũng ngại dấn thân.

Giờ thì những người còn lưu giữ vốn cổ đều đã bước qua tuổi 70, như nghệ nhân Nguyễn Thị Tình đã sang tuổi 96, nghệ nhân Nguyễn Thị Sinh 86 tuổi, nghệ nhân đàn đáy Vũ Văn Hùng tuổi cũng đã tròn 90... Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhiều không gian diễn xướng của Ca trù xưa như đình làng, cung đình giờ không còn nữa.

Được biết, loại hình nghệ thuật này có tới tới hơn 50 làn điệu, nhưng những nghệ nhân còn sót lại cũng chỉ thuộc được 31 làn điệu. Đấy là còn chưa kể, không phải nghệ nhân nào cũng thuộc, biểu diễn, truyền dạy đủ 31 làn điệu được. Còn với những ca nương mới, thì việc “nhập tâm” các làn điệu còn ít hơn.

Hồi sinh nếu được đầu tư

Trong “Hồ sơ ca trù của người Việt” vừa gửi UNESCO tham gia ứng cử vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, điểm quan trọng nhất là chương trình hành động để vực dậy nghệ thuật ca trù.

Theo ông Lê Toàn - Viện trưởng Viện Âm nhạc, trong thời gian tới, Viện Âm nhạc sẽ tiếp tục tiến hành điều tra, thống kê, điền dã, sưu tầm... để bảo tồn vốn di sản, đồng thời tìm lại môi trường và điều kiện giống như nó từng tồn tại, phát triển. Ông Toàn cũng cho biết thêm, để ca trù “sống” được rất cần có công chúng. Vì thế, chương trình hành động cũng đặt ra việc phải đào tạo công chúng bằng cách đưa chương trình giới thiệu ca trù vào trường học, ủng hộ sự phát triển của các CLB ca trù. Tuy nhiên, để làm được điều này cũng cần sự linh hoạt và kiên trì tiến hành theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Trong vài liên hoan ca trù được tổ chức gần đây, sự xuất hiện của các ca nương 7x, 8x, thậm chí 9x đã như những tia sáng hy vọng cho ca trù. Tuy nhiên, dấu hiệu này chưa đủ để khẳng định ca trù đã hồi sinh. Muốn phát triển được, cần phải có sự vào cuộc của nhiều phía, bắt đầu và quan trọng nhất là các cơ quan có trách nhiệm, rồi tới những nghệ nhân, những đào nương, kép đàn.

Hơn 20 năm nay, kể từ khi CLB Ca trù đầu tiên được thành lập ở Hà Nội, vẫn chưa có sự đầu tư nào đáng kể của các cơ quan chức năng! Vì thế, cho dù ca trù như đang được quan tâm sâu sắc nhưng đoạn đường phía trước vẫn còn nhiều trắc trở, bởi xét cho cùng, nghệ nhân có sống được bằng nghề thì mới gắn bó lâu dài với nghề.

Một điều đáng mừng, việc xây dựng “Hồ sơ ca trù của người Việt” vào năm 2005 đã trở thành một điểm nhấn quan trọng để ca trù thu hút được sự chú ý của dư luận. Kết quả từ phía UNESCO thế nào cũng phải chờ đến tháng 9-2009. Nhưng bất luận thế nào, chúng ta đều mừng bởi cái vốn di sản từ hàng ngàn năm nay đã được gìn giữ, bảo tồn và đang được quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục