Ý kiến

Phim cho nhà giàu(!)

Mới đây, thảo luận tại phiên họp tổ đại biểu Quốc hội về dự án sửa đổi Luật Điện ảnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, nhận xét: Phim Việt Nam phát sóng truyền hình đa phần xa lạ với đời sống vì nhà cửa sang trọng, cách sinh hoạt rất khác xa cuộc sống của đa số người lao động...

Nhận xét trên vô cùng chí lý, bởi có thể nói nhiều phim truyền hình Việt Nam hiện nay là phim dành cho nhà giàu!

Nước ta hiện vẫn chưa thoát ra khỏi hàng ngũ các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp, với 3/4 số dân đang sống ở nông thôn (tức nông dân), hơn 11 triệu người (khoảng 13% số dân) có thu nhập trung bình mỗi ngày chưa tới 10.000 đồng (từ 200.000 - 260.000 đồng/tháng)…

Hàng chục triệu lao động ở nhiều miền quê nước ta phải rời bỏ làng thôn, ra thành thị kiếm sống. Họ làm việc quần quật từ ngày này qua tháng nọ để tự nuôi thân, đồng thời cố dành dụm chút ít tiền gửi về quê giúp đỡ gia đình v.v…

Thế nhưng, trong hầu hết các phim chiếu trên truyền hình, người ta thấy các nhân vật thường ngự trong các tòa biệt thự lộng lẫy, kín cổng cao tường. Nhiều người, chẳng biết làm “nghề ngỗng” gì, lại có tiền sắm xe hơi đời mới, chuyên đi ăn uống ở các nhà hàng sang trọng…

Các thanh niên, cả nam lẫn nữ, hễ có chuyện gì buồn phiền – thường là thất tình – lại tìm đến quán bar, vũ trường ngồi nốc rượu Tây hoặc nhảy nhót để quên đời (!). Mối bận tâm – gần như duy nhất – của các nhân vật chính thường chỉ là chuyện yêu đương “nhăng nhít”, chuyện ghen tuông, hờn giận, hiểu lầm… vớ vẩn!

Nếu họ có đi làm thì cũng như “lính kiểng”, thỉnh thoảng tạt vào cơ quan hay công ty (?), “ẹo qua ẹo lại” một chút rồi “biến”; thế nhưng không biết tiền ở đâu ra, cứ thấy sống như ông hoàng, bà chúa (!).

Có thể nói, nhiều phim truyền hình Việt Nam hiện nay đã thoát ly khỏi đời sống bình thường của tuyệt đại đa số nhân dân lao động nước ta - đang hàng ngày hàng giờ làm lụng vất vả, bươn chải kiếm sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở khắp mọi miền.

Phim truyền hình dường như thích sa vào những chuyện “tào lao” đâu đâu, chỉ phản ánh, phục vụ một thiểu số rất ít những người giàu – cả chính đáng lẫn không chính đáng. Đó không phải là mối quan tâm của đông đảo công chúng nước ta.

Đề nghị quý vị làm phim truyền hình cần xác định lại đối tượng phục vụ của mình là ai, để từ đó có sự thay đổi cách làm cho phù hợp.

Ba Hiền

Tin cùng chuyên mục