Nguyễn Nhật Ánh với cái duyên Nhật Bản

Đến tấm vé đi tuổi thơ
Nguyễn Nhật Ánh với cái duyên Nhật Bản

Hơn 20 năm qua nhà báo Nguyễn Nhật Ánh công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng. Hiện anh là biên tập viên Ban Văn hóa - Văn nghệ, đồng thời là cây viết bình luận thể thao sắc sảo trên số chủ nhật hàng tuần với bút danh Chu Đình Ngạn. Anh cũng là một trong những nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi hàng đầu hiện nay. Truyện của anh được đánh giá là có đời sống rất dài, đến nay, nhiều tác phẩm được xuất bản từ những năm 80 của thế kỷ trước vẫn ăn khách. Một điều khá đặc biệt là những tác phẩm của anh lại rất có duyên với nước Nhật.

Từ Mắt biếc...

Truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được đánh giá là phù hợp với mọi lứa tuổi nhất là ở các bạn trẻ thanh thiếu niên. Chính sự nổi bật trong văn hóa đọc của giới trẻ đã mang đến cho tác phẩm những mối nhân duyên đặc biệt. Trước đây, khi một NXB tại Nhật đặt hàng dịch giả Kato Sakae, người chuyên dịch tác phẩm văn học Việt Nam chọn lựa một tác phẩm điển hình về đề tài thanh thiếu niên, Kato Sakae đã chọn Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với các bạn sinh viên Trường ĐHKHXH và NV. Ảnh: T. VÂN

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với các bạn sinh viên Trường ĐHKHXH và NV. Ảnh: T. VÂN

Việc lựa chọn Mắt biếc lúc đó cũng đã gây ra nhiều câu hỏi, trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Mắt biếc được đánh giá là “già” nhất. Ngay tại Việt Nam, tác phẩm này cũng được nhà văn nhắm vào bạn đọc lứa tuổi sinh viên, còn tại Nhật, theo dịch giả thì đối tượng được nhắm đến là lớp độc giả trung niên. Lần gặp mặt đầu tiên với bạn đọc Nhật của nhà văn chuyên về truyện cho giới trẻ tuy chưa đúng hẳn vào sở trường nhưng cũng đã đủ là một dấu ấn riêng.

Đến tấm vé đi tuổi thơ

Nếu lần đến với xứ hoa anh đào đầu tiên của nhà văn có biệt danh Anh Bồ câu mang tính chủ động thì lần mới đây lại là một bất ngờ. Tất cả bắt đầu từ một cuộc thi có tên gọi: “Giải thưởng biên dịch Việt-Nhật Kenshobou” do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam-Đông Nam Á (NCVN-ĐNA) phối hợp cùng ĐH Joho (Nhật Bản) tổ chức nhằm mục đích xúc tiến giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản. Cuộc thi giới hạn trong việc biên dịch tác phẩm truyện ngắn nhưng kết quả cuối cùng, người đoạt giải duy nhất lại không phải dịch truyện ngắn mà lại là dịch hai chương trong truyện vừa mới nhất của nhà văn có nhan đề: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (CTXMVĐTT).

Lý giải về việc chọn lựa dịch hai chương mà không phải là dịch trọn một truyện ngắn, cô sinh viên chuyên ngành Nhật Bản thuộc khoa Đông Phương học trường ĐH KHXH và NV Nguyễn Hồng Phúc tiết lộ: “Chương truyện chọn dịch nói về việc các cô cậu bé tranh cãi nhau tại sao lại đặt tên này hay tên khác cho sự vật, địa danh… Tình tiết đó khiến tôi nhớ lại tuổi thơ của chính mình, từ tình cảm hoài niệm đó tôi quyết định chọn dịch dù yêu cầu ban đầu của cuộc thi là phải dịch truyện ngắn”.

Bìa tác phẩm “Mắt biếc” bản tiếng Nhật.

Bìa tác phẩm “Mắt biếc” bản tiếng Nhật.

Ban giám khảo cuộc thi đã đánh giá cao bản dịch của Hồng Phúc cả về khả năng chuyển ngữ và nội dung tác phẩm: “Tác phẩm CTXMVĐTT mà thí sinh lựa chọn để dịch sang tiếng Nhật là một tác phẩm có nội dung hay và ý nghĩa sâu sắc. Thí sinh vẫn còn trẻ, vì thế tôi hy vọng thí sinh tiếp tục học tiếng Nhật và sẽ dịch thêm thật nhiều tác phẩm văn học Việt Nam. Tôi mong sẽ nhận được bài dự thi của thí sinh trong giải thưởng biên dịch lần 2. Đồng thời, cho tôi gửi lời chào thân ái tới nhà văn Nguyễn Nhật Ánh”.

Chính từ cuộc thi, ông Matsuda Kiyoshi, Trưởng ban giám khảo đã biết đến tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tại cuộc thi “Giải thưởng biên dịch Việt-Nhật Kenshobou” lần thứ hai đang được tổ chức, khi thấy một thí sinh khác là cô Mỹ Loan cũng chọn dịch hai chương của tác phẩm này dự thi, ông Matsuda Kiyoshi đã đặt hàng cô dịch luôn cả cuốn.

Một lần nữa, tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người được mệnh danh là chuyên viết cho thiếu nhi nhưng người lớn cũng thích đọc đã lại tiếp tục kết duyên với đất nước và con người Nhật Bản.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục