Về cuốn sách “Trường Sơn máu lửa vạn đại anh hùng” của GS Vũ Khiêu

Về cuốn sách “Trường Sơn máu lửa vạn đại anh hùng” của GS Vũ Khiêu

Trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ năm nay, GS Vũ Khiêu có gửi tôi tập bản thảo “Trường Sơn máu lửa vạn đại anh hùng”, yêu cầu tôi đọc, góp ý và nếu có thể viết mấy lời giới thiệu. Tôi rất vui nhận nhiệm vụ này và đã viết mấy trang mở đầu cho cuốn sách. Cuốn sách đã kịp thời xuất bản trước ngày 27-7 năm nay.

Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu không chỉ nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu, học thuật: triết học, mỹ học, lịch sử tư tưởng Việt Nam mà ông còn đặc biệt nổi tiếng trong lĩnh vực văn tế, văn bia, câu đối, những loại rất cổ điển, rất khó về niêm luật bằng trắc, về đối xứng từng câu, từng chữ.

Năm 2007, trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - liệt sĩ, tôi đã gặp GS Vũ Khiêu để trao đổi với GS về việc xây dựng một ngôi đền tưởng niệm ngày Bác Hồ gửi thư cho Ban tổ chức ngày Thương binh toàn quốc, Bác đã lấy ngày 27-7 hàng năm là ngày Thương binh - liệt sĩ. GS Vũ Khiêu đã góp rất nhiều ý kiến về nội dung và hình thức của ngôi đền.

Theo đề nghị của tôi, GS Vũ Khiêu đã lên xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để làm việc với anh em xây dựng ngôi đền. Ở nơi đây, GS đã viết 4 câu đối thể hiện tấm lòng của Bác đối với thương binh, liệt sĩ và ý nghĩa của việc xây đền này. 4 câu đối đã được khắc treo ở ngoài cửa và ở trong đền. Cuốn Trường Sơn máu lửa vạn đại anh hùng đã dành một số trang nói về việc này. Cùng với đó là 7 bài văn khắc trên bia đá hoặc khắc trên chuông, ở khắp dọc đường Trường Sơn.

Trong bài văn bia Tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong toàn quốc trên dải Trường Sơn, GS Vũ Khiêu nói lên khí thế của thanh niên xung phong:

Thanh niên xung phong thành lập: đất trời ngang dọc xông pha
Thanh niên xung phong ra quân: Nam Bắc vẫy vùng khí thế.

Về cuộc chiến đấu quyết liệt của quân và dân ta trên dải Trường Sơn, tác giả viết:

Trùng trùng thử thách vạn khổ cũng băng qua!
Mải miết xông pha một ngày không kịp nghỉ!

Tiếp sau bài này, những bài khác đều toát ra những lời vừa hào hùng, vừa bi tráng nêu lên được lẽ sống cao cả của dân tộc, ý chí không bao giờ khuất phục của các thế hệ Việt Nam và đặc biệt là khí thế bừng bừng của tuổi trẻ trước trách nhiệm lịch sử.

Ngoài những bài văn bia, tiếp sau là một loạt những bài minh viết trên chuông trên dải Trường Sơn ở nhiều địa điểm. Đặc biệt là những bài minh đều viết theo thể phú, đọc lên như có tiếng âm vang của hồn thiêng liệt sĩ ở mỗi tiếng chuông:

Chuông rung lên, lộng gió bình minh
Chuông dội khắp, gọi hồn quá khứ

Hoặc như trong quả chuông ở đường số 9:

Muôn dặm từng vang đường số chín
Ngàn thu còn mãi tuổi hai mươi

Hoặc ở nơi khác trên đường Trường Sơn:

Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ
Dạt dào Đông Hải khí anh linh
Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí
Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình

Tiếp đó là những bài tiếp tục nói về Trường Sơn huyền thoại và một số bài trên văn bia ở miền Nam và miền Bắc, hòa nhập với những bài trên dải Trường Sơn thành một bản trường ca về khí thế.

GS Vũ Khiêu đã dành bao tâm huyết để ngợi ca anh hùng liệt sĩ và đã chính mình dành những tháng lương ít ỏi để in 1.000 cuốn sách này gửi tới các địa phương để dâng lên những đền thờ và những đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ khắp cả nước. Tôi trân trọng giới thiệu tập sách này với đông đảo độc giả.

NGUYỄN THỊ HẰNG
(Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH)

 

Tin cùng chuyên mục