Lý luận phê bình VHNT trên phương tiện truyền thông: Nặng quyền lợi - Nhẹ trách nhiệm

Ngày 28-12, tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Phê bình văn học, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin truyền thông - Thực trạng và giải pháp”. Cuộc hội thảo đã nhận được sự chú ý của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo. Các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã đến dự hội thảo.
Lý luận phê bình VHNT trên phương tiện truyền thông: Nặng quyền lợi - Nhẹ trách nhiệm

Ngày 28-12, tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Phê bình văn học, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin truyền thông - Thực trạng và giải pháp”. Cuộc hội thảo đã nhận được sự chú ý của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo. Các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã đến dự hội thảo.

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM trao đổi cùng các đại biểu tại hội thảo.

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM trao đổi cùng các đại biểu tại hội thảo.

  • Hai mặt của công cụ truyền thông

Nâng cao văn hóa thưởng thức, thị hiếu thẩm mỹ của người dân

Trong bài phát biểu mở đầu hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, nhận định: “Lý luận phê bình văn học nghệ thuật thời gian qua đã có sự hoạt động mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, từ báo giấy, báo nói, báo hình đến báo điện tử… từ đó đã ảnh hưởng đến đời sống văn học nghệ thuật thời quan qua. Tuy nhiên, lý luận phê bình trên truyền thông gần đây có biểu hiện thiên về giới thiệu, quảng bá mà xem nhẹ lý luận phê bình thực sự. Nhiều tác giả có tác phẩm hay, tích cực lại không đến được với bạn đọc, công chúng trong khi ngược lại có tác phẩm không mang tính giáo dục, phản cảm lại được cổ xúy, ca ngợi gây tác động xấu đến xã hội. Cuộc hội thảo lần này được tổ chức với hy vọng các đại biểu tham dự sẽ đóng góp, cống hiến những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông đại chúng, từ đó góp phần nâng cao văn hóa thưởng thức, thị hiếu thẩm mỹ của người dân”.

PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, mở đầu các bài tham luận với một nhận xét mang tính khái quát: Lý luận phê bình trên báo chí hiện nay ưu nhiều mà khuyết cũng nhiều. Ưu là giới thiệu được các tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh và khẳng định các nhân tố mới, miêu tả cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất và thoái hóa về nhân cách của một bộ phận xã hội, đồng thời góp phần bảo vệ đường lối văn học nghệ thuật chính thống của Đảng và Nhà nước.

Nhưng bên cạnh đó, lý luận phê bình trên báo chí hiện nay cũng đã thể hiện rõ sự yếu kém về trình độ chuyên môn. Một số báo có biểu hiện tùy tiện dẫn đến kiểu lý luận phê bình cực đoan, khen thì thái quá mà chê thì đến tận cùng. Đó là chưa kể đội ngũ làm công tác lý luận phê bình trên báo chí nhiều lúc thiếu hụt nghiêm trọng kiến thức cơ bản về văn học nghệ thuật nên viết hời hợt, dựa nhiều vào cảm tính. Và cuối cùng là một số người viết ngại va chạm, dẫn đến né tránh các hiện tượng sai trái.

Soạn giả Cao Đức Trường nhấn mạnh thêm về vấn đề này khi cho rằng có sự lấn cấn giữa các báo, báo này chê thì báo kia ngại khen hoặc giữa người viết và tác giả như trường hợp nhà báo trẻ ngại chê những tác giả nổi tiếng.

GS-TS Mai Quốc Liên lại nhìn nhận phương tiện truyền thông dưới một góc độ khác. Theo ông, truyền thông là một công cụ rất đa dạng mà nổi bật là tính hai mặt. Một mặt nó thể hiện rõ tính đại chúng của văn hóa, của thông tin. Nhưng mặt khác, truyền thông đại chúng cũng làm nhạt nhòa, hạn chế tính chất tinh hoa, bác học của văn hóa. Để có sự hài hòa, tránh được bề rộng mất bề sâu thì theo GS cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn, hỗ trợ lẫn nhau giữa văn hóa truyền thông và văn hóa tinh hoa để đáp ứng nhu cầu của thời đại.

Dù góc độ nhìn nhận khác nhau, nhưng cả hai luồng ý kiến đều thống nhất một thực trạng là lý luận phê bình trên báo chí hiện nay chưa ngang tầm nhiệm vụ, đang có tình trạng thiếu sự nhìn nhận công tâm, khách quan của người viết.

  • Quyền lợi và trách nhiệm

Kinh nghiệm nhiều năm vừa làm báo vừa tham dự trực tiếp trong lĩnh vực lý luận phê bình chuyên nghiệp, nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long nêu một thực trạng buồn: “Các nhà báo, nhất là những nhà báo tuổi đời, tuổi nghề còn non, kiến thức xã hội và nghệ thuật còn chưa được trang bị nhiều nhưng lại được trao một quyền quá lớn là phán xét tác phẩm, gây tác động định hướng xã hội. Tiêu cực cũng dễ phát sinh từ đây, bởi lĩnh vực văn học nghệ thuật không như các lĩnh vực khác có sự phân định rạch ròi mà thường phải dựa vào sự cảm nhận tinh tế từ tâm hồn”.

Nhà báo trẻ Tiểu Quyên (Báo Người Lao Động) cũng nhìn nhận: “Các nhà báo trẻ hay khen chê cảm tính”. Đó cũng là vấn đề mà nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cảm thán nhiều nhất, thậm chí nhà báo này còn cho rằng lý luận phê bình trên báo không cần quá khắt khe về chuẩn mực như ở các tác phẩm chuyên sâu mà cần nhất là sự khách quan của người viết.

Quyền lợi và trách nhiệm của người viết lý luận phê bình trên báo hiện nay chính là vấn đề được các nhà báo quan tâm chú ý nhất. Nhà báo Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP, nêu thực tế là có lúc Hội đồng lý luận phê bình phản ứng còn khá chậm với tình hình diễn biến văn học nghệ thuật hiện nay, điều này vô tình đã dẫn đến sự lộn xộn trong lý luận phê bình trên báo chí do thiếu sự định hướng chính thức của Nhà nước.

Nhà báo Phạm Đức Hải, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, cho rằng, việc lý luận phê bình trên báo chí bị lộn xộn thời gian qua còn một phần là do thiếu sự xuất hiện của các nhà phê bình chuyên nghiệp, thiếu những bài phân tích súc tích, ngắn gọn phù hợp với báo chí. Ngoài ra, còn thiếu hụt cả sự hỗ trợ từ các hội chuyên ngành.

  • Giải pháp

Làm gì để có được một lực lượng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng phát triển, đáp ứng nhu cầu của thời đại, mỗi đại biểu nêu ra một phương hướng. Nhà báo Trần Thế Tuyển đề cập đến việc cần phải chú ý hơn đến việc quản lý mạng xã hội, một phương tiện truyền thông hiện đại có ảnh hưởng rất lớn hiện nay. Ông còn cho rằng, để đáp ứng nhu cầu hiện nay rất cần có sự đổi mới về phương pháp lý luận phê bình, xây dựng một hệ thống lý luận phê bình phù hợp với sự biến đổi, xuất hiện mới các thể loại báo chí, truyền thông tiên tiến.

GS Trần Trọng Đăng Đàn đề nghị xây dựng một cơ sở lý luận về tư tưởng, mô hình hoạt động của lý luận phê bình trên truyền thông, dựa vào đó tạo nên lý luận cơ bản định hướng cho lý luận phê bình, tránh tình trạng mập mờ như hiện nay.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân không nhấn mạnh vấn đề đào tạo lý luận phê bình cho người viết báo, ông cho rằng bản thân nhà báo đã luôn phải tự đào tạo. Theo ông, để có phê bình văn học nghệ thuật tốt trên báo cần có sự phối hợp giữa báo chí và các nhà phê bình, tuy nhiên sự phối hợp này đòi hỏi sự hiểu biết lẫn nhau giữa cả hai.

Nhà báo Hồ Thi Ca đề cập một vấn đề đáng chú ý khác, đó là vai trò của tờ Tuần báo Văn nghệ TPHCM, “ngôi nhà” của những người làm văn học nghệ thuật, nhất là với những nhà lý luận phê bình. Tại đây, một thời đã là nơi xuất hiện nhiều bài phê bình xuất sắc, góp phần xây dựng một nền văn học nghệ thuật phát triển của TP. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây Tuần báo Văn nghệ TPHCM hoạt động chập chờn, mờ nhạt trong môi trường văn học nghệ thuật TP. Do vậy, việc nâng cao chất lượng tờ Tuần báo Văn nghệ TPHCM để tạo một công cụ chủ lực cho lý luận phê bình có đất thể hiện là một vấn đề nóng của TP hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật: Văn học nghệ thuật và báo chí có mối quan hệ gắn bó, tác động qua lại. Báo chí tạo ra động lực thúc đẩy văn học nghệ thuật phát triển và ngược lại văn học nghệ thuật góp phần làm giàu thêm các đề tài báo chí, tăng tính hấp dẫn… Báo chí còn là gạch nối giữa công chúng và văn nghệ sĩ, giữa công chúng và tác giả.

Trong bối cảnh lý luận phê bình văn học nghệ thuật nói chung bị đánh giá trầm lắng thì chính báo chí lại góp phần duy trì sự tồn tại của lý luận phê bình. Tuy nhiên, hoạt động lý luận phê bình trên báo chí vẫn còn đơn lẻ, thiếu sự tổ chức, tập hợp. Nhiều tác phẩm lý luận phê bình thực chất mang tính quảng bá, giới thiệu. Đội ngũ làm công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật trên báo còn ít về số lượng và yếu về chất lượng, đội ngũ lãnh đạo một số nơi ít quan tâm đến công tác lý luận phê bình.

Cuộc hội thảo đã chỉ rõ những điểm yếu kém của lý luận phê bình văn học nghệ thuật trên báo chí hiện nay và đề ra nhiều giải pháp nhằm xây dựng và phát triển lý luận phê bình trên báo chí, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người dân.


TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục