Hội thảo “Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay”: Hiện thực là nguồn cảm hứng sáng tạo

Hội thảo “Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay”: Hiện thực là nguồn cảm hứng sáng tạo

Hội thảo tại Đà Lạt với chủ đề: “Văn học nghệ thuật (VHNT) phản ánh hiện thực đất nước hôm nay” là một dịp để các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ gặp gỡ, trao đổi. Trên diễn đàn hay bên lề hội thảo, rất nhiều vấn đề được bàn luận sôi nổi, tâm huyết.

Một lần nữa, tại hội thảo, những cụm từ “tắm mình trong thực tế”, “người trong cuộc”, “dấn thân”, “đầu sóng ngọn gió” lại được dành cho các văn nghệ sĩ. Tất cả đều thống nhất, vấn đề đưa ra hội thảo này chính là muốn đề cao chức năng phản ánh và dự báo xã hội của VHNT, nhấn mạnh chức năng nghệ sĩ - công dân trước đất nước.

Nhà báo lão thành, nhà văn hóa Phan Quang (giữa) trao đổi với các đồng nghiệp trẻ tại hội thảo.

Nhà báo lão thành, nhà văn hóa Phan Quang (giữa) trao đổi với các đồng nghiệp trẻ tại hội thảo.

Các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo tham gia hội thảo thực sự quan tâm đến vấn đề: Hiện thực đất nước hôm nay được nhận thức như thế nào? Thực tế, hiện thực hôm nay có những vấn đề mới mẻ chưa từng có, từ chiến tranh sang thời bình, từ quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế - đó là cả một kỳ tích, mang tính lịch sử sâu sắc. Hiện thực đất nước hôm nay là hiện thực của thời kỳ quá độ, có nhiều đan xen giữa mới - cũ; đúng - sai, thiện - ác.

Và điều đáng nói trong đó là cuộc đấu tranh giữa đúng - sai; tốt - xấu. Có những điều ngày hôm qua được nhận thức là đúng nhưng hôm nay đã khác, đã không còn giá trị. Tất cả những điều này tác động trực tiếp vào tư tưởng, tình cảm con người, và đặc biệt đối với văn nghệ sĩ, những người rất nhạy cảm và được thể hiện qua các tác phẩm VHNT do họ sáng tạo. Do đó, nhận thức đúng hiện thực hôm nay là một vấn đề khó. Các văn nghệ sĩ phải bình tĩnh, tỉnh táo, để tránh nhìn cây mà quên rừng, nhìn sự vật mà quên khuynh hướng, tránh tô hồng, nhưng cũng tránh bi quan, dao động… Cùng lúc, phải phê phán đấu tranh loại bỏ cái sai, cái ác và phát hiện, trân trọng, khuyến khích, nâng đỡ cái mới, cái tiến bộ.

Ở những góc cạnh khác nhau, khi nhìn vào vấn đề mối quan hệ giữa VHNT với hiện thực đất nước, tất cả đều thống nhất đó là mối quan hệ mật thiết. Hiện thực đất nước luôn là đối tượng phản ánh của VHNT, là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ. Theo GS, TS Phùng Hữu Phú (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo) thì đó chính là nguyên lý gốc, là nguồn cảm hứng mẹ, là sức sống của VHNT, nếu thoát ly thì không còn gì để nói.

Hội thảo cũng bổ sung, làm phong phú thêm những vấn đề lý luận trước đây chưa được làm rõ. VHNT phản ánh hiện thực nhưng không chỉ là miêu tả theo cách sao chép đơn giản, dập khuôn, mà phải được thể hiện một cách sinh động, đa dạng, phong phú khái quát qua cảm xúc thẩm mỹ, phong cách của từng nghệ sĩ, đặc trưng từng thể loại. Sự lựa chọn đề tài phụ thuộc vào phong cách nghệ sĩ, loại hình nghệ thuật, nhưng nhất thiết phải cần tài năng, lý tưởng, thẩm mỹ, đạo đức của người nghệ sĩ, như thế mới đủ sức khái quát, thể hiện sinh động hiện thực khách quan.

Đánh giá những thành tựu, hạn chế của VHNT trong giai đoạn hiện nay, các tham luận có cách tiếp cận chung, hoặc riêng, cả về lý luận, cả về thực tế, có những vấn đề chung, cũng có những lĩnh vực cụ thể, nhưng nhìn chung đều thống nhất rằng, trong những năm qua, VHNT có điều kiện để phản ánh hiện thực đất nước với nhiều góc độ khác nhau, khắc phục một bước bệnh công thức, dập khuôn, xuôi chiều (ví dụ như đề tài chiến tranh được đề cập một cách gần gũi, con người hơn). Xu hướng cách tân trong VHNT cũng được quan tâm, trân trọng. Không khí cởi mở trong sáng tạo đã đem lại cho VHNT có mặt tiến bộ.

Những hạn chế của VHNT cũng được hội thảo đề cập, dường như VHNT chưa nắm bắt, thể hiện được chiều sâu hiện thực đang chuyển mình mạnh mẽ của đất nước. Phải chăng đó là do chưa có sự đầu tư đúng mức, văn nghệ sĩ chưa thực sự tâm huyết với công việc sáng tạo của mình. Vẫn có hiện tượng né tránh những vấn đề rất cơ bản trong đời sống đất nước, có biểu hiện chạy theo hình thức, tình trạng sao chép, vay mượn, đạo sách-tranh-thơ-nhạc… Nhiều người tự hỏi, có phải đây là do dễ dãi, xa rời hiện thực. Các tham luận cũng bước đầu gợi mở, đề xuất, kiến nghị: cần cung cấp thông tin thường xuyên cho văn nghệ sĩ, tạo điều kiện bằng những cơ chế mạnh cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế.

Cũng tại đây, các đại biểu đề cập đến việc cần đổi mới mạnh mẽ hơn chính sách với VHNT, chính sách cho sáng tác, chính sách cho đầu ra. Trong đó, quan trọng nhất là phải thật sự tôn trọng, tôn vinh tài năng, thật sự tạo môi trường dân chủ để văn nghệ sĩ phát huy tài năng, đề cao, tạo điều kiện cho các hội VHNT phát huy chức năng của mình.

Kết luận hội thảo, GS-TS Phùng Hữu Phú đánh giá cao những đóng góp tâm huyết của các đại biểu, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, đánh giá cao kết quả của hội thảo. Theo đồng chí, đây là vấn đề lớn, rất khó, còn phải tiếp tục tranh luận, lý giải, hội thảo này mới chỉ là ban đầu, khơi gợi.

BÌNH NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục