Trung tâm văn hóa quận ven, huyện ngoại thành: Hữu danh, vô thực

Hiện nay, ở hầu hết các quận ven, huyện ngoại thành TPHCM đều có các trung tâm văn hóa (TTVH) để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân. Có những trung tâm được xây dựng hoành tráng với vốn đầu tư từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng, tọa lạc ở những vị trí thoáng đẹp. Thế nhưng nghịch lý là bà con nơi đây vẫn luôn thiếu những sân chơi bổ ích.
Trung tâm văn hóa quận ven, huyện ngoại thành: Hữu danh, vô thực

Hiện nay, ở hầu hết các quận ven, huyện ngoại thành TPHCM đều có các trung tâm văn hóa (TTVH) để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân. Có những trung tâm được xây dựng hoành tráng với vốn đầu tư từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng, tọa lạc ở những vị trí thoáng đẹp. Thế nhưng nghịch lý là bà con nơi đây vẫn luôn thiếu những sân chơi bổ ích.

  • Hoạt động lẻ mẻ!

Những ngày cuối tuần, nếu ai có dịp ghé TTVH quận Thủ Đức nằm trên đường Võ Văn Ngân, chắc chắn không khỏi ngạc nhiên về sự vắng lặng ở đây. Ngoài CLB patin và khiêu vũ, ở TTVH này còn có chương trình hát với nhau vào tối thứ năm hàng tuần, nhưng thu hút không mấy giới trẻ dù khu vực này rất đông sinh viên, công nhân lao động. Một người dân sống gần TTVH Thủ Đức cho biết, chỉ mỗi dịp lễ tết hay hội thi, hội diễn văn nghệ mới có nhiều người lui tới, còn thường ngày không hề có chương trình hoạt động nào!

Ở TTVH huyện Củ Chi, các hoạt động văn hóa cũng không đáng kể. Ông Nguyễn Văn Thâm, Phó Giám đốc TTVH Củ Chi, nhìn nhận: “Trước đây hàng tuần có hoạt động hát với nhau phục vụ bà con, nhưng thời gian qua đã ngưng để tìm đối tác mới. Các hoạt động của TTVH Củ Chi đa phần hướng về cơ sở, như đưa đội đờn ca tài tử về các xã biểu diễn, còn chương trình giải trí tại chỗ, nhất là vào những dịp cuối tuần, rất thiếu…”.

Với TTVH quận 6, mặc dù địa điểm hoạt động nằm trong khuôn viên của Công viên Phú Lâm – nơi rất dễ tạo sự quan tâm của công chúng nhưng hoạt động cũng không mấy hấp dẫn. Gần đây, TTVH này xuất hiện một tòa nhà mới khang trang với dòng chữ “Cung văn hóa nghệ thuật”, nhưng chỉ thấy tổ chức tiệc cưới!

Còn TTVH thể thao huyện Bình Chánh, tọa lạc trên đường Nguyễn Hữu Trí, thị trấn Tân Túc, được đầu tư xây dựng mấy chục tỷ đồng. Ở đây có một nhà hát – rạp chiếu phim được xây dựng khá bề thế, nhưng cũng chỉ để diễn văn nghệ.

Ở các TTVH quận 7, Nhà Bè…, những hoạt động văn hóa nghệ thuật mang tính cộng đồng cũng hiếm khi được tổ chức.

Trung tâm Văn hóa huyện Bình Chánh được xây dựng bề thế nhưng ít chương trình hoạt động.

Trung tâm Văn hóa huyện Bình Chánh được xây dựng bề thế nhưng ít chương trình hoạt động.

  • Khó khăn từ đâu?

Ông Nguyễn Văn Thâm, Phó Giám đốc TTVH huyện Củ Chi, lý giải: cái khó nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ nghiệp vụ chưa thật giỏi về chuyên môn để có thể đủ tự tin đưa ra những ý tưởng mới trong hoạt động cũng như thu hút công chúng. Ở TTVH Củ Chi, cán bộ nghiệp vụ hầu hết đều tốt nghiệp chuyên ngành quản lý văn hóa, không ai có chuyên môn về âm nhạc, sân khấu…

Nhà Bè cũng đối diện với thực tế cán bộ nghiệp vụ… toàn là những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên ngành quản lý văn hóa. Theo ông Vũ Ngọc Hưng, Giám đốc TTVH huyện Nhà Bè, hiện nay TTVH đang hoạt động trong điều kiện nhà tiền chế nóng bức và thường xuyên bị ngập nước nên ít thực hiện chương trình. Nhưng từ tháng 9-2010, khi TTVH Nhà Bè có được cơ ngơi mới xây dựng trên diện tích 9.700m2 với kinh phí hơn 30 tỷ đồng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có trình độâ nghiệp vụ chuyên môn cao mới có thể đáp ứng.

Cạnh đó, điều dễ nhận thấy ở hầu hết các TTVH là các hoạt động đa phần chỉ tập trung vào các dịp lễ tết, hội diễn, hội thi để đạt thành tích mà ít khi xây dựng những chương trình hoạt động mang tính cộng đồng, hoạt động định kỳ vào những ngày cuối tuần nên rất khó hấp dẫn người dân.

Thiết nghĩ, các TTVH quận ven, huyện ngoại thành cần đổi mới cách nghĩ, cách làm để chí ít vào những ngày cuối tuần, ở mỗi TTVH đều có những hoạt động văn hóa thực sự hữu ích phục vụ bà con, nhất là giới trẻ. Mô hình xã hội hóa hoạt động văn hóa, thực tế cho thấy đã góp phần giảm bớt áp lực về gánh nặng kinh phí và nhân sự cho nhà nước.

Trong khi đó, một số tổ chức xã hội hoặc tư nhân chỉ cần có được mặt bằng ở vị trí thuận lợi là có thể tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, có thể thu lại lợi nhuận. Điều đó cho thấy, trong tình hình hiện nay, song song với việc đầu tư của nhà nước, rất cần sự năng động, sáng tạo và những tấm lòng toàn tâm toàn ý với sự nghiệp văn hóa

ĐỖ HẠNH – HỮU VIỆT

Tin cùng chuyên mục