Công tác lý luận phê bình đang ở đâu?

Lý luận phê bình điện ảnh - Đất của dân nghiệp dư
Công tác lý luận phê bình đang ở đâu?

Một loạt đại hội của các hội chuyên ngành vừa diễn ra. Vị trí quản lý, lãnh đạo các hội đã có nhiều thay đổi, các ý tưởng mới, kế hoạch mới cũng đang được giới thiệu. Trong đó, lại một lần nữa, lý luận phê bình (LLPB), người lính tiên phong của mặt trận văn hóa lại được quan tâm chú ý, nhất là trong bối cảnh LLPB bị đánh giá đang ở sự thoái trào.

Lý luận phê bình điện ảnh - Đất của dân nghiệp dư

Được xem là một trong những loại hình nghệ thuật có tầm ảnh hưởng lớn đến công chúng trong mặt bằng văn học - nghệ thuật hiện nay, điện ảnh Việt Nam những năm gần đây được khen, chê không ít. LLPB ở đâu trong hoàn cảnh này?

Vở kịch “Xin lỗi em chỉ là...” đầu tư hơn 4 tỷ đồng, gây xôn xao dư luận nhưng lại thiếu sự đánh giá từ các nhà lý luận, phê bình. Ảnh: H.V.

Vở kịch “Xin lỗi em chỉ là...” đầu tư hơn 4 tỷ đồng, gây xôn xao dư luận nhưng lại thiếu sự đánh giá từ các nhà lý luận, phê bình. Ảnh: H.V.

Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, phụ trách công tác LLPB điện ảnh của Hội Điện ảnh TP, bà Ngô Ngọc Ngũ Long nhận định: “Lâu nay vấn đề LLPB trong điện ảnh gần như hoàn toàn dựa vào các cơ quan truyền thông đại chúng. Một bộ phim ra rạp hay phát sóng trên truyền hình, số phận tùy vào sự cảm nhận của các nhà báo. Tôi gọi là cảm nhận, bởi vì hầu hết các bài viết được thể hiện qua nhận định rất riêng của từng cây bút. Vì thế, sẽ không tránh khỏi có sự trái ngược về quan điểm giữa báo này và báo khác, giữa cây bút trẻ và cây bút lâu năm trong nghề. Đó là chưa kể bài viết trên báo ngày thường bị hạn chế số chữ, nên hầu hết chỉ dừng ở kiểu viết điểm phim là chính. Cũng có khen, có chê nhưng nếu khen chê thiếu sự phân tích xác đáng, nhất là thiếu tính chuyên nghiệp, sẽ khó thuyết phục được các tác giả.

Các nhà báo được phân công phụ trách điện ảnh phần lớn không được đào tạo từ trường điện ảnh, hay xuất thân từ môi trường điện ảnh, nên hầu hết đều cần có sự trải nghiệm để có những nhận định ngày càng sắc sảo và chuyên nghiệp hơn. Điều đó tất nhiên cần thời gian, cần cái tâm nghề nghiệp và bản lĩnh của từng người. Riêng Tạp chí điện ảnh, cơ quan ngôn luận của Hội Điện ảnh lẽ ra phải là nơi tập trung được tiếng nói của những người làm nghề, nơi có thể đăng tải những bài LLPB sắc nét nhất thì tiếc thay lại không phải là cơ quan ngôn luận mạnh có sức hút với độc giả và gây được dư luận xã hội.

Do vậy, tôi cho rằng công tác LLPB của Hội Điện ảnh TPHCM sẽ có chỗ hổng nếu không có sự hợp tác giữa Ban LLPB và các cơ quan truyền thông đại chúng. Vì đó là một thực tế và nếu biết vận dụng hợp lý sẽ tránh được sự chệch choạc không đáng có trong nhận định và phê bình tác phẩm điện ảnh”.

Phê bình văn học - Bỏ quên di sản, chạy theo trào lưu

Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM năm nay nguyên là Trưởng ban LLPB của Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ trước, nhà thơ, nhà phê bình Lê Quang Trang. Chính vì thế, ông có những nhận xét về LLPB văn học khá sắc: “Tôi chưa đồng tình lắm với ý kiến cho rằng, LLPB hiện nay đang suy giảm, mà theo tôi nghĩ, vẫn có chiều hướng đi lên. Bởi nếu nhìn một cách toàn diện, LLPB văn học có những bước tiến dài so với trước. Những công trình giới thiệu các trường phái lý luận cổ điển, các trào lưu lý luận mới, vận dụng vào việc xem xét và thẩm định tác phẩm văn học đã đem lại những hướng khám phá ấn tượng. Những giá trị quá khứ được đánh giá toàn diện, công bằng và khách quan, khoa học hơn. Các vấn đề tác phẩm và khuynh hướng mang tính thời sự được bàn luận khá kịp thời, nhiều ý kiến có tính gợi mở”.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận: “Di sản lý luận của cha ông gần đây chưa được coi trọng đúng mức mà phần đông ưa chạy theo những trào lưu mới của phương Tây. Đội ngũ LLPB còn rất mỏng, không phải vì ta không có nhân tài mà vì công việc này rất khó khăn. Như thế khó có thể thường xuyên tạo được những mùa gặt bội thu”.

Đề cập đến vấn đề xây dựng đội ngũ LLPB, nhà phê bình Lê Quang Trang cho rằng: “Đào tạo bồi dưỡng người viết LLPB văn học nghệ thuật đòi hỏi khá công phu, không chỉ có năng khiếu mà phải được trang bị những tri thức chung cũng như chuyên ngành cần thiết, đồng thời phải có những tích lũy nghề nghiệp qua năm tháng.

Sắp tới, chúng tôi khuyến khích những tác giả chuyên nghiên cứu những di sản của cha ông và tìm cách đầu tư nhằm có được sản phẩm chất lượng. Chú ý hơn những hoạt động phê bình mang tính thời sự. Đặc biệt phải chăm lo xây dựng đội ngũ, phát triển hội viên, nhất là những cây bút có tri thức, có phong cách độc đáo... Hội đồng LLPB của hội đã hình thành tổ chức và đang đi vào hoạt động”.

Âm nhạc - Lý luận nhiều, phê bình ít

Khi nói về công tác LLPB trong âm nhạc hiện nay, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM cho rằng: “Lý luận về mặt hàn lâm cũng rất cần thiết nhưng lâu nay chúng ta lại quá chú trọng lý luận mà bỏ quên khâu phê bình. Chúng ta hiện nay cũng thiếu những bài viết mang tính tranh luận, học thuật về các tệ nạn trong âm nhạc như nhạc nhái, nhạc nhảm tràn lan trên thị trường. Bản chất của người nghệ sĩ, nhạc sĩ là người có tri thức, có trách nhiệm sáng tạo… nên khi viết phải ý thức viết cho đất nước, viết cho dân tộc, góp phần hướng con người đến những điều tốt đẹp, đồng thời vạch rõ những khuynh hướng sai trái, tiêu cực trong sáng tác hiện nay. Đó là vai trò của LLPB mà thời gian gần đây chúng ta chưa làm được.

Nhiệm kỳ mới lần này, BCH hội đặt trọng tâm xây dựng, phát triển LLPB trong âm nhạc mà trước mắt, chúng tôi sẽ khuyến khích những bài LLPB ngắn gọn, súc tích, tác động trực tiếp, tác động thẳng đến các vấn đề xấu trong âm nhạc hiện nay. Các bài viết đó có thể gây “sốc”, gây tranh cãi, phản đối ở một bộ phận nghệ sĩ nhưng dứt khoát phải làm. Nhằm tạo điều kiện cho nhà LLPB có nơi để sáng tác, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng, nâng chất nhiều hơn cho tạp chí Sóng nhạc”.

Sân khấu - Vừa thiếu, vừa yếu

Tại Đại hội Hội Sân khấu TPHCM nhiệm kỳ 2010-2015, theo nhìn nhận của Ban Chấp hành LLPB là khâu quan trọng, nhưng hiện lại là khâu yếu kém nhất. Hiện nay, LLPB vừa thiếu lại vừa yếu, không còn những cây bút phê bình sắc sảo.

Trong tương lai, theo tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, sẽ đẩy mạnh công tác LLPB, qua đó cùng hợp sức với sáng tác và biểu diễn định hướng phát triển đời sống sân khấu. để làm được điều này, những người làm sân khấu, làm công tác LLPB phải thường xuyên tăng cường đối thoại với nhau. Chẳng hạn như, khi sân khấu ra mắt một vở diễn mới, mỗi nghệ sĩ, mỗi nhà LLPB có thể có những ý kiến khác nhau, nhưng sau những cuộc đối thoại, sẽ hiểu nhau hơn và đi đến một ý kiến chung nhất.
 

NHÓM PV VHVN

Tin cùng chuyên mục