“Xê bảy” nhỏ bé lặng thầm

Năm 1948, khi cùng học ở Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4, Võ Xuân Triều, đồng đội của tôi là một chàng trai lầm lì, ít nói. Bạn bè thường chê: “Thằng này lớn lên sẽ chẳng làm nên tích sự gì”. 3 năm ngồi cùng lớp, ra trường mỗi đứa đi một nơi. Tôi đi đánh Pháp ở Lào, Triều đi làm quân báo rồi về hải quân.
“Xê bảy” nhỏ bé lặng thầm

Năm 1948, khi cùng học ở Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4, Võ Xuân Triều, đồng đội của tôi là một chàng trai lầm lì, ít nói. Bạn bè thường chê: “Thằng này lớn lên sẽ chẳng làm nên tích sự gì”. 3 năm ngồi cùng lớp, ra trường mỗi đứa đi một nơi. Tôi đi đánh Pháp ở Lào, Triều đi làm quân báo rồi về hải quân.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 Hải quân (Đoàn tàu không số) đón nhận lẵng hoa do Bác Tôn trao tặng năm 1970. Ảnh: T.L.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 Hải quân (Đoàn tàu không số) đón nhận lẵng hoa do Bác Tôn trao tặng năm 1970. Ảnh: T.L.

Ngày hội trường, gặp lại nhau ở Sài Gòn, đứa nào cũng tóc bạc phơ. Có đứa chống gậy đi lẫm chẫm như trẻ con. Hỏi thăm nhau mới biết nhiều đứa đã hy sinh khắp các mặt trận Lào, Campuchia, Điện Biên Phủ, khu 3, Đông Tây Nam bộ, Bình Trị Thiên… Nhiều người chết bệnh, chết già. Lúc còn sống, nhiều người thành đạt làm giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, tướng lĩnh, bộ trưởng, ủy viên bộ chính trị… Có người được tuyên dương anh hùng… Hoàng Đăng Sơn và Võ Xuân Triều gắn bó với hải quân. Triều lấy cô dân quân Hoàng Thị Bách, đẻ con trai đặt tên Võ Hải Quân. Con trai đầu lòng của Sơn đặt tên là Hải Đăng.

Chuyện kể rằng, có một trận đánh trên biển Đông, tàu Sơn bị chìm, bảy đứa sống sót buộc dây vào nhau trôi lênh đênh trên biển, chỉ chờ chết, bởi vì chẳng biết đâu là bờ bến mà vào. May sao có một đêm, nhìn thấy ánh đèn biển, cố bơi vào, gặp dân, cứu sống. Nhờ thế, đặt tên con là Hải Đăng. Tôi hỏi Sơn làm gì ở hải quân mà được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, cậu ta nói như chơi: “Thì vớt quả thủy lôi của Mỹ, mang lên bờ, mày mò tháo ra tìm hiểu cách chế tạo của nó để làm ra cái máy kích nổ theo ý mình, vô hiệu hóa được nó. Thế thôi!” Tôi khen: “Ghê nhỉ! Thành tích của cậu lớn thật, ghê thật!” Sơn nói: “Ghê gì mà ghê. Thằng Triều và đại đội 7 của nó mới ghê. Công lao của chúng nó đã góp công vào sự thắng lợi của những đoàn tàu không số, lập nên chiến công lừng lẫy của đường Hồ Chí Minh trên biển.

Theo lời Hoàng Đăng Sơn, tôi tìm gặp Võ Xuân Triều để tìm hiểu về chiến công của Đại đội 7 Trinh sát kỹ thuật của Triều phục vụ con đường Hồ Chí Minh trên biển. Vẫn lặng lẽ và khiêm nhường như xưa, Triều nói: “Cái “Xê bảy” nhỏ bé của mình và những công việc lặng thầm của nó, chẳng đáng kể gì so với công lao to lớn của quân đội và nhân dân ta trong sự nghiệp đánh Mỹ cứu nước”.

Triều nói vậy, nhưng sau khi đi tìm hiểu, những người lính hải quân già đã từng đi trên những con tàu không số kể rằng: Đại đội 7 Trinh sát kỹ thuật (Xê bảy) được Bộ Chỉ huy Hải quân thành lập ngày 18-2-1960, đã gắn bó với Đoàn 759, sau này còn gọi là Đoàn 125 hay Đoàn tàu không số suốt 15 năm trời cho đến ngày toàn thắng năm 1975. Nếu không có “Xê bảy” làm tai mắt, thì những con tàu sẽ mò mẫm trên biển Đông bao la.

Võ Xuân Triều, sĩ quan tình báo của Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng được điều động về “Xê bảy” hải quân ngay từ khi được thành lập. Sau đó, anh thay Nguyễn Văn Sang làm đại đội trưởng và ở mãi cùng với các sĩ quan, chiến sĩ; dùng các loại máy móc trinh sát, nghiên cứu thu thập, khai thác mật mã, tin tức tình báo của hải quân ngụy hoạt động ven sông, biển miền Nam và trên biển Đông. Chỉ 6 tháng sau ngày thành lập, “Xê bảy” đã thu thập được các nguồn tin; nắm được toàn bộ hệ thống tổ chức binh lực, hải lực và hoạt động của hải quân ngụy Sài Gòn, góp phần phục vụ cấp trên chỉ đạo các lực lượng chiến trường sông, biển miền Nam đánh Mỹ, ngụy. “Xê bảy” cũng đã kịp thời phát hiện hai mạng sóng ngắn của địch ở Nha Trang và Vũng Tàu. Nắm được tin tức những toán biệt kích người nhái xâm nhập ven biển miền Bắc cho hải quân ta tiêu diệt.

Trong những ngày “Xê bảy” bám máy, bám địch suốt ngày đêm quên ăn, quên ngủ để dẫn dắt các con tàu không số tránh địch trên biển, vào ra an toàn, “Xê bảy” còn dẫn dắt các đơn vị đặc công hải quân đánh chìm hàng chục tàu chiến của Mỹ, ngụy ở Cửa Việt, Đông Hà.

Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Bá Phát nhớ lại, ngày 4-8-1964, trong lúc ông đang làm việc với đồng chí Trần Bội, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình tại căn cứ sông Gianh thì Triều vào xin gặp với báo cáo khẩn cấp: “Xê bảy” bắt được mật mã của địch ở vùng 1 chiến thuật Đà Nẵng báo động “đề phòng máy bay Việt Cộng tấn công”. Tin ngắn gọn đó làm ông Phát hiểu ngược trở lại và nhận định hẳn có liên quan đến việc ta đánh tàu Ma-đốc Mỹ ngày 2-8-1964 để trả đũa chăng? Lập tức ông ra lệnh báo động chiến đấu khẩn cấp cho các lực lượng hải quân ta ở sông Gianh.

Đêm đó, tất cả tàu bè, phương tiện quân sự của ta sơ tán, dàn trận ẩn nấp, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Đúng 11 giờ sáng hôm sau 5-8, hàng trăm máy bay phản lực Mỹ ở hạm đội 7 và Đà Nẵng, Thái Lan ầm ầm đến bắn phá. Ta đã biết trước nên chủ động đánh trả, bắn rơi nhiều máy bay của Mỹ, bảo toàn được lực lượng ta. Đó là một ví dụ thành tích của “Xê bảy” nhỏ bé và thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng.

Trần Công Tấn

Tin cùng chuyên mục