Văn học - nghệ thuật TPHCM: Hướng tới tác phẩm đỉnh cao

“Tác phẩm đỉnh cao, tác phẩm tiêu biểu phản ánh thời đại”, trong các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với văn nghệ sĩ, lời yêu cầu này được nhắc đến nhiều lần. Chính vì thế, làm thế nào để có những tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu luôn là câu hỏi được giới văn nghệ sĩ quan tâm đề cập nhiều trong thời gian gần đây.
Văn học - nghệ thuật TPHCM: Hướng tới tác phẩm đỉnh cao

“Tác phẩm đỉnh cao, tác phẩm tiêu biểu phản ánh thời đại”, trong các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với văn nghệ sĩ, lời yêu cầu này được nhắc đến nhiều lần. Chính vì thế, làm thế nào để có những tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu luôn là câu hỏi được giới văn nghệ sĩ quan tâm đề cập nhiều trong thời gian gần đây.

  • Trước tiên cần tác phẩm hay

Trước đề nghị cần có tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, nhà văn Trần Thanh Giao cho rằng một tác phẩm đỉnh cao đầu tiên phải là một tác phẩm hay, được dư luận đón nhận. Còn việc tác phẩm đó có thể trở thành đỉnh cao hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thời đại, sự tiếp nhận của bạn đọc… Những vấn đề này nằm ngoài khả năng của bản thân tác giả cũng như các nhà quản lý.

Những chương trình hoành tráng với chất lượng nghệ thuật đỉnh cao rất cần có cơ sở vật chất phù hợp. Ảnh: AN DUNG

Những chương trình hoành tráng với chất lượng nghệ thuật đỉnh cao rất cần có cơ sở vật chất phù hợp. Ảnh: AN DUNG

Lấy tiêu biểu như tác phẩm “Chí Phèo”, khi mới ra đời đã không nhận được chú ý, mãi vài năm sau truyện ngắn này của nhà văn Nam Cao mới nổi bật lên và trở thành một trong các tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam. Vì thế, ông đề nghị thay vì chờ đợi tác phẩm đỉnh cao, TP nên chú ý tạo điều kiện để có được những tác phẩm hay trước. Tán đồng ý kiến trên, nhà lý luận phê bình Mai Quốc Liên cho rằng tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao là một phạm trù nằm ngoài mong muốn chủ quan của mọi người, nó còn cần yếu tố thời gian để khẳng định giá trị. Do đó, theo ông trong khi chờ đợi có được tác phẩm đỉnh cao thì nỗ lực có được tác phẩm hay mang tính thực tiễn hơn.

Nhưng tác phẩm hay cũng không phải muốn là có được, bên cạnh yếu tố tài năng của người sáng tác, yếu tố cơ sở hạ tầng cũng là điều không thể thiếu. Thật khó có được tác phẩm cải lương hay khi người nghệ sĩ suốt ngày phải lo tìm rạp để diễn, một tác phẩm giao hưởng xuất sắc bối rối cố tìm một sân khấu đạt tiêu chuẩn để thể hiện.

  • Cơ sở vật chất lạc hậu!

Dù đã triển khai nhiều năm nhưng đến nay tất cả các dự án nhà hát tại TPHCM vẫn chưa thể thành hình. Tiêu biểu như Nhà biểu diễn đa năng dành cho xiếc ở Phú Thọ, Rạp hát Hưng Đạo dành cho nghệ thuật cải lương… vẫn còn nhiều vướng mắc chưa thể khởi công. Còn điểm diễn dành cho Nhà hát Giao hưởng nhạc Vũ kịch TPHCM thì bị di dời từ đường Lê Duẩn về Công viên 23-9, rồi qua Thủ Thiêm, đến nay vẫn chưa có được địa điểm cụ thể chứ chưa nói đến chuyện xây dựng.

Mặc dù đây là một trong những công trình trọng điểm mà Đại hội Đảng bộ TPHCM vừa qua xác định phải thực hiện ngay trong nhiệm kỳ này. Với các đơn vị Đoàn Múa rối TPHCM, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen… thì địa điểm biểu diễn càng thiếu chuẩn. Có đơn vị phải thuê mướn mặt bằng để diễn, có đơn vị có rạp hát nhưng cơ sở vật chất lại quá lạc hậu, không thể đáp ứng được những nhu cầu đổi mới, sáng tạo của nghệ sĩ. Còn đối với các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, như NSƯT Hồng Vân than thở: “Toàn phải thuê mướn hoạt động cầm chừng, nhìn Chèo Hà Nội đang xây nhà hát mà thèm”. Cũng chính vì không ổn định cơ sở nên các nhà đầu tư nghệ thuật cũng hiếm khi dám mạo hiểm thực hiện những vở diễn hoành tráng.

  • Nỗi lo chất lượng đào tạo diễn viên

Bên cạnh cái khó về cơ sở vật chất thì chất lượng đào tạo diễn viên cũng đang là vấn đề đáng báo động. Theo đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc, người có nhiều năm tham gia giảng dạy, đào tạo diễn viên, hiện nay giáo trình đào tạo diễn viên chưa được biên soạn, chuẩn hóa. Cho nên, mỗi thầy cô dạy theo một giáo trình riêng của mình và đương nhiên “chất lượng” ra trường của các sinh viên cũng khác nhau. Trong tương lai, nếu muốn nâng cao chất lượng dạy và học của diễn viên, nhất thiết phải có những bộ giáo trình đồng nhất, được biên soạn kỹ. Nếu cứ như hiện nay thì chất lượng đào tạo diễn viên khó lòng đổi khác.

Bao giờ các nghệ sĩ cải lương mới có một địa điểm biểu diễn đúng nghĩa? Ảnh: AN DUNG

Bao giờ các nghệ sĩ cải lương mới có một địa điểm biểu diễn đúng nghĩa? Ảnh: AN DUNG

Nói như nhiều nghệ sĩ, với cơ sở vật chất dành cho văn học - nghệ thuật (VH-NT) quá lạc hậu, cũ kỹ như thế thì những ý tưởng mới, sáng tạo mới khó lòng thực hiện và nếu thực hiện thì với cách đào tạo như hiện nay cũng khó có nhân lực đúng chuẩn đáp ứng yêu cầu. Đời sống VH-NT của TPHCM vì thế còn hạn chế và hiếm khi tìm được tác phẩm hay, xuất sắc.

  • Những sự khởi đầu

Thế nhưng, như NSƯT Hồng Vân tâm sự: “Nghệ sĩ TP dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng cảm thấy ấm lòng khi được TP quan tâm”. Sự quan tâm không chỉ thể hiện ở việc lãnh đạo TP liên tục tổ chức những cuộc gặp gỡ trao đổi với văn nghệ sĩ mà còn hành động trực tiếp mà mở đầu là việc tổ chức một Hội đồng lý luận phê bình VH-NT của riêng TPHCM. Lý luận phê bình luôn được xem là nền tảng cơ bản nhất cho một nền VH-NT tiên tiến không chỉ đóng vai trò cố vấn cho các nhà quản lý để có được những chỉ đạo sát sao, đúng đắn đối với sự phát triển của VH-NT mà còn cổ vũ, hỗ trợ giới sáng tác hướng đến những tác phẩm hay, ngăn chặn, phê phán những tác phẩm lệch lạc, tiêu cực.

Bên cạnh đó, trước những bức xúc thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đã đề nghị tổ chức các buổi gặp riêng từng hội nghệ thuật chuyên ngành để có sự trao đổi sâu sát hơn, giúp lãnh đạo TP có những biện pháp cụ thể nhất nhằm tháo gỡ những vướng mắc, góp phần giúp cho VH-NT TPHCM có được những tác phẩm hay từ đó tạo nền tảng để sớm có những tác phẩm đỉnh cao đúng nghĩa như yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.

NHÓM PV VHVN

“Chúng tôi rất hy vọng các nghệ sĩ TP hôm nay sẽ tiếp cận hơn nữa hơi thở của cuộc sống hiện tại, đặt mình vào tư thế chiến đấu chống lại những mặt trái của xã hội, lên án những thói hư tật xấu, những mặt chưa được của đời sống xã hội hôm nay. Song song đó cũng biểu dương, ca ngợi những điều tích cực, những nét đẹp trong xã hội. Làm được như thế thì từ ngọn lửa yêu nghề, tâm huyết của văn nghệ sĩ thông qua mỗi tác phẩm sẽ làm cho cuộc sống người dân ngày càng tốt đẹp hơn…” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua nói.

Tin cùng chuyên mục