Trà đạo Việt

Trà đạo Việt

Văn hóa uống trà của người Việt Nam đã hình thành từ thế kỷ thứ 9. Một nếp sinh hoạt đẹp lành, nhất là vào dịp tết đến xuân về, sau hương trà thơm ngát dâng lên tổ tiên là khay trà ấm áp hội tụ gia đình. Không cầu kỳ thủ tục như Chanoyu - trà đạo Nhật - hay Gongfucha - trà đạo Trung Hoa, trà đạo Việt Nam tuy rất thoáng, nhưng cũng kén hương trà.

Có thể nói trà đạo Việt Nam chẳng những phổ biến ở trong nước mà đã đi ra thế giới qua nhiều loại danh trà mang nhãn hiệu như Mộc Châu, Cầu Tre CTE… Ngày nay đến Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM để tham dự một phiên sinh hoạt của CLB Trà Việt, ta sẽ thấy không như xưa là toàn cụ già khăn đóng áo dài, mà toàn giới trẻ mặc quần jeans áo pull, với 120 thành viên mà người “già” nhất mới 27 tuổi.

Một đồ trà cổ gồm chén tống và chén quân.

Một đồ trà cổ gồm chén tống và chén quân.

Nếu lùi một chút, đọc tác phẩm Chén trà trong sương sớm của cố nhà văn Nguyễn Tuân thì mới cảm thấy người xưa đã thấm với đạo trà Việt. Cũng chi li không kém, xin trích dẫn một đoạn: “Nước sôi già lắm rồi. Nhưng thói quen vẫn bắt cụ Ấm rót thử một chút nước xuống đất, bật lên tiếng xèo xèo bốc khói, mới thực sự sôi. Mở đầu cho một công việc vụn vặt trong mỗi ngày tàn còn lại, ông đã sợ nhất cái ấm trà tàu pha hỏng lúc sớm mai”. Xưa trà, rượu đi liền với thơ phú, nay trà rượu đi liền với nhạc ca. Như cụ Ấm cùng các bạn trà thương nhắc nhủ cuộc đời mấy câu thơ gốc chữ Hán diễn Nôm: “Mai sớm một chén trà, canh khuya dăm chén rượu, mỗi ngày mỗi được thế, thầy thuốc không lại nhà”.

Vẫn còn quá sớm để nói CLB Trà Việt đã thành công theo mong đợi của mình nhưng hình ảnh các bạn trẻ 8X, 9X quây quần bên khay trà, gật gù tâm đắc về văn hóa trà thật sự là điều đáng mừng cho những giá trị truyền thống trong một xã hội hiện đại. Anh An, một thành viên trẻ, bày tỏ: “Chúng tôi tin tưởng vào một tương lai không xa “trà sen” sẽ có mặt trong từ điển quốc tế như “phở”, văn hóa trà Việt sẽ được thừa nhận rộng rãi. Việc Đài Truyền hình quốc gia Thụy Sĩ TSR chọn Trà Việt trình diễn nghệ thuật pha trà để ghi hình cho một phóng sự về trà Việt Nam tháng 6-2008 đã chứng tỏ danh trà Việt qua nhãn hiệu Cầu Tre đã thấm rộng ra thế giới”.

Các thành viên trẻ của CLB Trà Việt ngồi đàm đạo quanh khay trà thơm.
Các thành viên trẻ của CLB Trà Việt ngồi đàm đạo quanh khay trà thơm.

Vậy Việt Nam có trà đạo? Trả lời cho câu hỏi này, những nhà “trà học” như PGS Đỗ Ngọc Quỹ, nghệ nhân Viên Trân đều thống nhất rằng: Nói có cũng được mà không cũng chẳng sai. Nếu hiểu chữ “đạo” theo kiểu của trà đạo Nhật Bản với những chuẩn mực quy tắc bất di bất dịch được đẩy lên thành một thứ triết lý, một loại “tôn giáo” có giáo lý, giáo chủ và thánh đường thì Việt Nam không có trà đạo. Nhưng nếu nhìn nhận ở khía cạnh một phong tục tập quán ăn sâu vào đời sống dân tộc, trở thành chuẩn mực trong các lễ nghi, nghi thức giao tiếp thì Việt Nam có trà đạo.

Và theo PGS Đỗ Ngọc Quỹ thì trà đạo chẳng qua là “phong tục tập quán uống trà hay nghệ thuật uống trà, với nội dung bao gồm cách thưởng thức phẩm chất của trà và giá trị phi vật thể biểu hiện trong nghi thức giao tiếp ứng xử, như đạo đức niềm tin của con người đối với bản thân, xã hội và đất nước”.

Lùi về lịch sử từ thế kỷ thứ 9 sẽ thấy văn hóa trà Việt đã có quá trình hình thành và phát triển rất lâu đời. Các cổ thư An Nam chí lược của Lê Tắc, Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn đều ghi nhận các dân tộc Lạc Việt đã uống chè tươi từ xa xưa, các triều vua ta đã dùng trà thơm làm cống phẩm khi đi sứ Trung Quốc. Trong Trà Kinh, bàn về trà, gốm trà và cách pha trà, Lục Vũ - nhân sĩ đời Đường, được xem là “tiên trà”, “sơ tổ” của trà đạo Trung Hoa - cũng khẳng định: “Trà là loài cây quý ở phương Nam...”. Nhiều công trình khảo cổ đã tìm thấy những trà cụ, những chén uống trà từ thời Bắc Thuộc, thời Lý - Trần; người ta cũng phát hiện những rừng chè dại trong đó có những cây chè hàng ngàn năm tuổi...

Từ những cứ liệu trên có thể khẳng định Việt Nam là một trong những cái nôi cổ nhất của cây chè và văn hóa uống trà của người Việt ít nhất cũng đã có từ thế kỷ thứ 9.

Trong dân gian thì những chứng cứ còn rõ ràng hơn. Ông bà ta bao đời nay vẫn truyền tụng câu ca dao: Làm trai biết đánh tổ tôm/Uống trà Mạn Hảo, ngâm Nôm Thúy Kiều.

Nghệ nhân Viên Trân cho biết: Mạn Hảo nay thuộc Vân Nam - Trung Quốc nhưng thuở xa xưa là lãnh thổ của tộc Bách Việt tức Việt Nam ta.

Cây chè, văn hóa uống trà xuất phát từ nền văn minh lúa nước phương Nam sau đó mới du nhập vào nền văn minh du mục của các bộ tộc bờ Bắc sông Dương Tử, trung tâm của nền văn minh Hoa Hạ, để rồi lan khắp năm châu bốn biển như ngày nay.


LÊ VĂN SÂM

Tin cùng chuyên mục