PGS-TS Đỗ Thị Hảo: Nguy cơ mất dần kho báu văn hóa dân tộc

PGS-TS Đỗ Thị Hảo: Nguy cơ mất dần kho báu văn hóa dân tộc

Dân tộc ta giàu có lắm, các cụ ta ngày xưa uyên bác lắm... Hiềm một nỗi chúng ta chưa nghiên cứu hết, chưa hiểu hết được dân tộc mình. Tôi nói giàu có, ấy là kho tàng vô giá về văn hóa, tinh thần mà chúng ta đang được thừa hưởng từ các cụ truyền lại... PGS-TS Đỗ Thị Hảo (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, tâm sự như thế.

* PV: Cả một đời bà đã gắn bó với công việc nghiên cứu Hán Nôm và văn nghệ dân gian, bà có thể cho biết đôi nét về công việc và các tác phẩm của bà?

* PGS-TS ĐỖ THỊ HẢO: Nhiều năm tôi chuyên nghiên cứu về các nữ tác gia Hán Nôm như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Thị Lộ, Ỷ Lan, Lý Ngọc Kiều (con vua Lý Thái Tông), Bà huyện Thanh Quan, ba chị em công chúa con vua Minh Mạng (Mai Am, Huệ Khanh, Thục Khanh)... Và đã hoàn thành một số công trình: Chủ biên bộ sách Các nữ tác gia Hán Nôm Việt Nam dày 1.000 trang, Phụ nữ Việt Nam qua thư tịch Hán Nôm. Bên cạnh đấy là những nghiên cứu về các vị nữ thần Việt Nam được thờ như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thiều Hoa công chúa, Ả Lã nàng Đê, nữ thần lửa, nữ thần mặt trời, bà chúa muối, Mẫu Liễu, bà chúa dệt Thụ La... Khi làm Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, tôi cũng đã mở ra hướng nghiên cứu mới về các làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam và cũng đã chủ biên nhiều sách về Hà Nội, tham gia viết bộ sách đồ sộ Thông sử vạn năm, xuất bản các công trình riêng.

* Được biết, bà là học viên đầu tiên của lớp đại học Hán Nôm...?

* Lớp đại học Hán học đầu tiên của Việt Nam có 18 người, chủ yếu là cán bộ, giảng viên đại học, chỉ có 3 học sinh tốt nghiệp từ phổ thông lên. Lớp nằm trong Viện Văn học của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, nay là Viện Khoa học xã hội và Nhân văn. Tôi là một trong 3 học sinh đã tốt nghiệp phổ thông vào học cùng lớp với thầy. Lớp do giáo sư, nhà văn, nhà văn hóa Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng. Giảng viên toàn các cụ tên tuổi lẫy lừng như cụ Lê Thước, Đào Duy Anh, Nam Trân...

Học về Hán Nôm gian khổ lắm. Học chữ nào biết chữ ấy mà chữ Hán thì mênh mông bể sở, rất nhiều chữ, một chữ lại rất nhiều nghĩa. Đứng vào bộ này thì nghĩa này, đứng ở bộ kia nghĩa lại khác... Tôi vào Hán Nôm chắc cũng do cái vận, cái nghiệp thôi. Khi học phổ thông mình đã thích văn học cổ, cận đại thế nên mới thi vào Khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi được đi học Hán Nôm mình rất thích, bởi muốn hiểu biết sâu về vấn đề mình thích, phải biết chữ Hán, chữ Nôm. Càng học càng vỡ ra nhiều điều mới lạ và cũng thật may mắn sau khi học xong chúng tôi được tiếp cận với kho tư liệu đồ sộ của Viện Viễn Đông Bác Cổ.

Trình diễn viết thư pháp Hán Nôm tại TPHCM. Ảnh: MINH AN

Trình diễn viết thư pháp Hán Nôm tại TPHCM. Ảnh: MINH AN

* Đến nay và chắc chắn sau này, Hán Nôm vẫn luôn hiện diện quanh ta và những giá trị vô giá từ kho tàng Hán Nôm vẫn phải tiếp tục được nghiên cứu, khai thác...

* Ở đất nước ta, xung quanh mỗi người đều là Hán Nôm! Trong gia đình, dòng họ, dòng tộc có gia phả, tộc phả; nhà nào khá cho con theo học thầy đồ lấy ít chữ giắt lưng, có tiền có chí theo đuổi nghiệp sĩ tử đi thi, đỗ đạt ra làm quan. Ra khỏi nhà gặp Hán Nôm ngay, đấy là đình, chùa, đền, miếu với những hoành phi, câu đối, bia khắc... Xã hội phong kiến Việt Nam từ thời Bắc thuộc đến những năm đầu thế kỷ 20, mọi văn tự đều dùng chữ Hán hoặc Nôm cả. Thế nên toàn bộ nền văn học bác học, văn học dân gian Việt Nam đều được lưu giữ, ghi khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm. Nếu không có các nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu của các cụ lớp trước như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Đổng Chi, Lê Thước, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Hoa Bằng, Nam Trân... và của Viện Viễn Đông Bác Cổ để lại, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu những tinh hoa văn hóa, văn chương, văn hiến, phong tục... của tổ tiên.

Tóm lại, Hán Nôm nghiên cứu và làm sáng tỏ về cội nguồn dân tộc Việt Nam, qua đó chúng ta thấy nền văn hiến Việt Nam được hình thành như thế nào, văn học, văn học dân gian, phong hóa, phong tục, lề thói, bản sắc... của dân tộc, của con người Việt Nam. Có thể thấy rằng nghiên cứu Hán Nôm là nghiên cứu toàn bộ sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam.

* Thế nhưng, thực tế đáng buồn, ngành này ngày càng không có người theo học, theo đuổi?

* Mối nguy của chúng ta hiện nay, các em không thích học Hán Nôm. Học xong ra trường phải mất chừng 15 năm mới có thể làm việc được. Bởi muốn làm được việc phải tích lũy kiến thức từ sách vở từ thực tế. Muốn giải mã được Hán Nôm phải có kiến thức văn hóa sâu rộng, phải có kiến thức cao. Thế nhưng đồng lương không đủ nuôi sống họ. Cả một nền văn hóa gần 2.000 năm, nếu không hiểu biết về Hán Nôm, nếu không có được đội ngũ kế tục, quả là gay lắm. Và nguy cơ chúng ta mất dần kho báu văn hóa của dân tộc. Chúng tôi đã đề xuất từ nhiều năm rồi - đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo cho học sinh được học Hán Nôm từ chương trình cấp 2, nhưng vẫn không có hồi âm.

Hiện nay những người hiểu biết và am hiểu về văn hóa dân tộc, đặc biệt là Hán Nôm đã lớn tuổi và mỗi ngày rơi rụng dần, nhưng lớp kế cận quá ít và non nớt. Nếu không có những biện pháp kịp thời và tích cực, chỉ trong 15 - 20 năm nữa sẽ không có đội ngũ nghiên cứu tinh hoa văn hóa văn nghệ của dân tộc. 

CAO MINH

Tin cùng chuyên mục