TPHCM sáp nhập 2 đơn vị múa rối và xiếc - Có rối?

Dự kiến trong năm 2012 sẽ sáp nhập 2 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở VH-TT-DL TPHCM: Đoàn Nghệ thuật Múa rối TPHCM và Đoàn Xiếc TPHCM thành Nhà hát nghệ thuật Phương Nam. Liệu có... rối?
TPHCM sáp nhập 2 đơn vị múa rối và xiếc - Có rối?

Dự kiến trong năm 2012 sẽ sáp nhập 2 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở VH-TT-DL TPHCM: Đoàn Nghệ thuật Múa rối TPHCM và Đoàn Xiếc TPHCM thành Nhà hát nghệ thuật Phương Nam. Liệu có... rối?

  • Nhập để phát triển

Mặc dù trong thời gian qua, hai đơn vị nghệ thuật múa rối và xiếc TPHCM đã có nhiều cố gắng tăng cường hiệu quả hoạt động và chất lượng nghệ thuật, nhưng vẫn chưa tạo được sự phát triển ổn định và hiệu quả như mong muốn. Hiện nay, cơ sở vật chất – trụ sở làm việc và sàn diễn của hai đoàn nghệ thuật này chưa ổn định. Cho nên nếu không có sự đầu tư hướng tới tầm nhìn lâu dài thì tương lai loại hình múa rối và xiếc khó phát triển.

Trên thực tế, múa rối đang có sự cạnh tranh “đáng gờm” của đơn vị xã hội hóa – Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng TPHCM. Trong khi đó, với một thành phố đông dân như TPHCM, nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của công chúng hết sức phong phú, đa dạng và yêu cầu cũng ngày càng cao, đặc biệt là với xiếc, múa rối.

Bầy quỷ và viên ngọc thần, vở diễn của đoàn xiếc TPHCM có kết hợp giữa xiếc - múa rối - kịch.

Bầy quỷ và viên ngọc thần, vở diễn của đoàn xiếc TPHCM có kết hợp giữa xiếc - múa rối - kịch.

Sở VH-TT-DL TPHCM và các đơn vị liên quan đã thống nhất ý kiến nhận định việc hợp nhất hai đơn vị là một yêu cầu cấp thiết, khách quan, sẽ có nhiều thuận lợi cho việc xây dựng các chương trình nghệ thuật tổng hợp có quy mô và chất lượng, đồng thời dễ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị biểu diễn hiện đại. Tuy nhiên, lộ trình việc sáp nhập cần có sự chuẩn bị khoa học và chu đáo…

  • Tiếp tục xã hội hóa

Theo đề án, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam sẽ có 3 đoàn trực thuộc. Trong đó, đoàn Mặt trời đỏ (dự kiến) sẽ có 37 người, đoàn Bầu trời xanh 42 người. Cả hai đoàn này có thể diễn 1 chương trình từ 90 phút đến 120 phút với các loại hình xiếc người, xiếc thú, ảo thuật, múa rối cạn, nghệ thuật tổng hợp.

Bên cạnh đó, đoàn Múa rối nước (khoảng 19 người) biểu diễn múa rối nước và tham gia chương trình nghệ thuật tổng hợp. Các đoàn này đều có thể chia thành những đội trực thuộc để hoạt động đa dạng. Đồng thời, tùy chương trình biểu diễn, các đoàn sẽ mời lực lượng diễn viên ở các loại hình nghệ thuật khác tham gia, kể cả diễn viên nước ngoài. Các đoàn được liên kết, hợp tác với các thành phần kinh tế khác để xây dựng chương trình, tiết mục biểu diễn hoặc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa.

Đề án cũng đưa ra các khoản chi phí, trong đó đầu tư trang thiết bị âm thanh, ánh sáng cho các sân khấu xiếc, múa rối (8 tỷ đồng); 4 sân khấu di động cho biểu diễn rối cạn, rối nước (3 tỷ đồng); 1 sân khấu sà lan lớn trên sông Sài Gòn để có thể diễn múa rối, xiếc phục vụ khách du lịch (12 tỷ đồng); 2 rạp xiếc di động (8 tỷ đồng); đầu tư xây dựng chương trình, tiết mục lớn cho múa rối, xiếc (2 tỷ đồng)… và chi phí đào tạo trong nước, ngoài nước dành cho các cán bộ, diễn viên nhà hát khoảng 7,2 tỷ đồng.

Nhập hay không?
 

* Tác giả Lê Duy Hạnh – Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM: Nếu phân tích kỹ, mỗi một đơn vị nghệ thuật đều có một khuynh hướng nghệ thuật khác nhau, muốn sáp nhập không phải chuyện đơn giản, cần phải hết sức cẩn trọng. Chẳng nói đâu xa, ngay như sân khấu xã hội hóa, từ Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần nở nồi ra các sân khấu IDECAF, Phú Nhuận… dễ dàng. Nhưng nếu bây giờ sáp nhập các đơn vị này lại thành Nhà hát sân khấu xã hội hóa thì không thể nào thực hiện được.

* NSND Trần Ngọc Giàu: Việc sáp nhập đòi hỏi phải quy mô và có hoạch định chiến lược phát triển cụ thể, bền vững. Chúng ta từng sáp nhập các đoàn kịch Cửu Long Giang, Tuổi Trẻ, Bông Hồng… thành Đoàn Kịch TPHCM, sau này là Nhà hát Kịch TPHCM với mong muốn sẽ hoạt động mạnh hơn. Nhưng trên thực tế, các đoàn kịch trước đây đã bị xóa tên, còn Nhà hát Kịch TPHCM thì hoạt động cũng không có gì tiến triển.

* NSƯT Trần Minh Ngọc:
Với một thành phố lớn như TPHCM, tôi cho rằng chúng ta không nên sáp nhập các đơn vị nghệ thuật lại. Nhưng nếu vì tổ chức, vì cơ chế phải sáp nhập thì loại hình xiếc, múa rối đều có thể kết hợp được.

Đỗ Hạnh

Tin cùng chuyên mục