“Chảy máu di sản” ở Afghanistan

“Chảy máu di sản” ở Afghanistan

Tháng 3-2001, thế giới phẫn nộ khi hay tin hai bức tượng Phật lớn nhất thế giới được khắc sâu vào núi đá ở Bamiyan, Afghanistan, cách đây trên 1.500 năm (cao 53m và 38m) bị Taliban dùng thuốc nổ đánh sập.

Vài tháng sau đó, Mỹ đưa quân đến Afghanistan thực hiện sứ mệnh được gọi là gìn giữ hòa bình ở quốc gia Trung Á này. Theo các chuyên gia về khảo cổ phương Tây, hơn 11 năm qua, việc bảo tồn di sản Hồi giáo và Phật giáo ít được nhắc đến nhưng rải rác đâu đó vẫn có những cuộc khai quật và nỗ lực âm thầm để gìn giữ một phần nét văn hóa thông qua những biểu tượng tôn giáo cổ xưa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều quanh việc lựa chọn phương án tốt nhất để giữ gìn các tác phẩm nghệ thuật in đậm dấu ấn văn hóa, tôn giáo ở Afghanistan.

Một trong hai bức tượng Phật lớn nhất thế giới trước (trái) và sau khi phá hủy.

Một trong hai bức tượng Phật lớn nhất thế giới trước (trái) và sau khi phá hủy.

Theo AFP, năm 2008, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một quần thể khảo cổ nằm cách nơi có hai bức tượng Phật đã bị hủy hoại khoảng 130km. Nơi này chôn vùi một bức tượng Phật khổng lồ, cao hơn 150m và gần 20 tượng nhỏ hơn, làm bằng đá, kích thước khác nhau, khối lượng vài tấn đến vài chục tấn. Nhà khảo cổ học người Pháp Zemaryalai Tarzi (75 tuổi, sinh ra ở Afghanistan) là trưởng nhóm khảo sát trên. Ông cho biết: “Chúng tôi cố gắng hết sức để khôi phục toàn bộ những di tích còn lại để cứu chúng không bị phá hủy và đánh cắp”.

Trái ngược với suy nghĩ trên, ông Brendan Cassar, người phụ trách dự án UNESCO ở Afghanistan cho rằng, việc kiểm soát hàng ngàn cổ vật từ thời tiền sử cũng như tượng của cộng đồng người Hồi giáo, Phật giáo là điều không tưởng “Nơi an toàn nhất để giữ các cổ vật trên chính là lòng đất”. Theo ông, chỉ có cách đó mới giúp những vật quý trên tránh khỏi bị đánh cắp rồi vận chuyển lậu qua các nước. Thật ra, cơ sở hạ tầng để lưu giữ lượng lớn cổ vật trên ở Afghanistan hầu như không có nên lo lắng trên là không thể tránh khỏi. Theo nhà khảo cổ học người Pháp Philippe Marquis, nạn ăn cắp cổ vật diễn ra nhan nhản, đến 99,9% khu vực ở Afghanistan gặp phải. Hiện nay, một người Afghanistan được thuê với mức thù lao 4-5 USD/ngày để đào vật cổ, sau đó những vật cổ này được chuyển ra nước ngoài, phần lớn là châu Âu hoặc châu Á bán với mức giá hàng ngàn USD cho mỗi sản phẩm.

Hơn một thập kỷ qua, nguồn tài nguyên các mỏ dầu của Afghanistan đã bị khai thác triệt để. Tình hình chính trị-xã hội của quốc gia Trung Á này luôn bất ổn. Điều còn lại để các quốc gia nước ngoài có thể trục lợi chính là những cổ vật quý giá. Trong khi người Afghanistan còn loay hoay, chưa nghĩ đến việc bảo tồn văn hóa thì “chảy máu di sản” đã rất cận kề.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục