Dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi: Chấn chỉnh liên kết xuất bản

Liên kết xuất bản là vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Đánh giá về nó luôn có đủ cả hai thái cực, khen ngợi hết lời và phê phán kịch liệt. Chính vì thế, trong dự thảo Luật Xuất bản đang được thảo luận để sửa đổi, liên kết xuất bản được đặc biệt quan tâm.
Dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi: Chấn chỉnh liên kết xuất bản

Liên kết xuất bản là vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Đánh giá về nó luôn có đủ cả hai thái cực, khen ngợi hết lời và phê phán kịch liệt. Chính vì thế, trong dự thảo Luật Xuất bản đang được thảo luận để sửa đổi, liên kết xuất bản được đặc biệt quan tâm.

  • Sống dựa vào bán giấy phép

Thành tựu của liên kết xuất bản là điều mà không ai phủ nhận. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của mô hình này cũng rất cụ thể, sách vi phạm bản quyền, sách phản cảm về nội dung, sách kích động bạo lực, tình dục, vi phạm thuần phong mỹ tục, thậm chí cả sách sai lệnh về lịch sử, bôi bác danh nhân… tất cả hầu hết đều có dấu ấn của liên kết xuất bản. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến các sai sót trong liên kết xuất bản hiện nay.

Liên kết xuất bản khiến thị trường đa dạng nhưng cũng mang lại các tác phẩm kém chất lượng

Liên kết xuất bản khiến thị trường đa dạng nhưng cũng mang lại các tác phẩm kém chất lượng

Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM cho rằng, một trong những nguyên nhân lớn nhất là việc xem xét trách nhiệm còn chưa rõ ràng, cụ thể là trách nhiệm của đơn vị chủ quản. Hiện nay, các đơn vị chủ quản chỉ mới quản lý việc hoạt động, hoàn toàn buông lỏng phần nội dung. Ông Hỷ cũng cho rằng nếu nghiêm khắc trong việc xử lý với các trách nhiệm cụ thể cho từng vị trí như giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên, đơn vị chủ quản… thì sẽ giảm bớt không ít tiêu cực như hiện nay.

Ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông thì cho rằng nhiều NXB quá yếu, chỉ sống dựa vào bán giấy phép xuất bản, bỏ mặc việc biên tập, in ấn, phát hành… cho đối tác liên kết. Thậm chí ông cho biết có trường hợp khi xảy ra sự cố, bộ yêu cầu NXB giải trình thì NXB ngớ ra, phải tra lại sổ sách mới biết cuốn sách là do đơn vị mình xuất bản. Mà đối tác thì không phải lúc nào cũng là đơn vị am hiểu làm sách, có trường hợp đối tác bỏ tiền ra làm sách nhưng không biết gì nhiều về sách, NXB thì bỏ mặc, kết quả là cho ra đời những cuốn sách sai nội dung một cách cực kỳ thô thiển gây bức xúc lớn trong dư luận.

  • Trách nhiệm phải cụ thể

Nếu trong Luật Xuất bản hiện nay, liên kết xuất bản (Điều 20) chỉ gồm có 3 khoản thì với Luật Xuất bản sửa đổi, số khoản lên đến 8. Trong đó ở mỗi khoản đều có ít nhất 3 đến 7 quy định. Ông Đỗ Quý Doãn cho biết: “Luật sửa đổi lần này sẽ cụ thể hơn rất nhiều, ai được liên kết, điều kiện nào để liên kết, trường hợp nào không được liên kết, trách nhiệm của các bên liên kết… đều được quy định cụ thể, chi tiết”.

Trong đó đáng chú ý là lần đầu tiên, đối tác liên kết được chủ động biên tập bản thảo, điều mà hiện nay về nguyên tắc luật chưa cho phép. Để được như vậy bản thân đối tác phải đáp ứng một yêu cầu khó khăn là phải có bộ phận biên tập với ít nhất 5 biên tập viên có chứng chỉ theo quy định.

Tuy nhiên, ngay cả như thế thì đối tác cũng không thể biên tập một số sách đặc thù như lý luận chính trị, tôn giáo, lịch sử, chủ quyền quốc gia, hồi ký. Nhiều ý kiến cho rằng điều này quá khắt khe vì nếu cần đội ngũ biên tập như trên thì ngay cả một số NXB địa phương cũng không đáp ứng nổi chưa kể còn có giám đốc NXB chịu trách nhiệm kiểm duyệt cuối cùng, và như vậy trừ một số sách đặc biệt như viết về lãnh tụ, chính trị hay đề cập đến những vấn đề nhạy cảm thì nên mở rộng cho đối tác liên kết tự biên tập nếu đủ khả năng.

Dù còn nhiều ý kiến tranh luận về thêm, bớt một số chi tiết trong dự thảo nhưng hầu hết giới xuất bản đều cho rằng với những gì được đưa ra, Luật Xuất bản sửa đổi sẽ đem lại sự chấn chỉnh mạnh mẽ đối với việc liên kết xuất bản.

"Có năng lực thì làm, không thì thôi, có ai ép phải làm đâu. Nếu cứ nhân nhượng thì lại để tái diễn việc không làm nổi nhưng vẫn cứ cố làm để rồi nảy sinh ra sai sót, sự cố, thảm họa… rồi lại đổ là do sai sót của biên tập viên. Ở khoản này theo tôi cùng lắm là sẽ thay đổi ngôn từ cho hợp lý, chuẩn xác hơn chứ yêu cầu tiêu chuẩn như vậy là cần thiết để liên kết xuất bản hạn chế được sai sót như vừa qua".

GS-VS Đào Trọng Thi, UVTƯ Đảng, Ủy viên UBTVQH,
Chủ nhiệm UB VHGDTNTN và NĐ của Quốc hội

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục