Xâm hại di tích ở TPHCM: Đáng lo ngại!

Xuống cấp nghiêm trọng
Xâm hại di tích ở TPHCM: Đáng lo ngại!

Từ nhiều năm qua, tình trạng di tích tại TPHCM bị xâm hại khiến xã hội bức xúc. Di tích bị xuống cấp nặng nề, bị xâm hại lâu nay vẫn là câu chuyện dài, là vấn đề thời sự tại nhiều diễn đàn, hội thảo.

Khu vực bảo tháp chùa Giác Viên (quận 11) bị chiếm dụng làm nơi đổ rác, xà bần và phơi quần áo. Ảnh: Lê Minh

Khu vực bảo tháp chùa Giác Viên (quận 11) bị chiếm dụng làm nơi đổ rác, xà bần và phơi quần áo. Ảnh: Lê Minh

Xuống cấp nghiêm trọng

Chúng tôi trở lại di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình Thông Tây Hội ở quận Gò Vấp - một trong những ngôi đình cổ nhất của vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa, mới thấy rõ ngôi đình cổ bị xuống cấp nặng. Vây quanh khu cổng chính là nơi tụ tập của các xe đẩy bán trái cây, nhang đèn. Đôi khi người lang thang vào ở gây mất vệ sinh, mất mỹ quan. Khu vực nhà hội sở với nhiều cột gỗ bị hư hại nặng do mối mọt, ngói nhiều nơi bị mục bể và nền sân thường bị thấm dột, ngập nước khi mưa lớn.

Ông Hồ Văn Cụm, Thư ký Ban quý tế đình Thông Tây Hội, cho biết: “Hồi đầu năm, bị ảnh hưởng của bão số 1, dãy nhà bếp sau khu hội sở bị gió đánh sập và mới đây 2 cây kèo ở khu chính điện lại bị gió giật gãy. Sau khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương, Ban quý tế đã thực hiện tu sửa”. Ông Nguyễn Văn Tý, Trưởng ban quý tế đình Thông Tây Hội, nói thêm: “Khu nhà hội sở xuống cấp nặng quá, hôm rồi chúng tôi có đề xuất lên quận cho sửa chữa tạm thời, quận nói TP sẽ trùng tu ngôi đình nên hãy giữ nguyên trạng. Giờ thì thấm dột, mục gãy chỗ nào chúng tôi chỉ sửa tạm chỗ ấy thôi”.

Theo Sở VH-TT-DL TPHCM, trước đây, Đại sứ quán CHLB Đức có ý tài trợ 100.000 USD để trùng tu di tích đình Thông Tây Hội. Sau nhiều cuộc bàn thảo, vì phương án thực hiện phía bạn đưa ra không phù hợp nên dự án đã gác lại. Hiện di tích này đã được UBND TPHCM duyệt kinh phí trùng tu từ nguồn ngân sách TP.

Một trong những di tích bị xuống cấp nặng nề không kém mà báo chí đề cập nhiều thời gian qua là di tích quốc gia chùa Giác Viên (đường Lạc Long Quân, quận 11). Trong khu chánh điện cột gỗ nhiều nơi bị mục, lún, nền gạch ẩm thấp, mấp mô. Cạnh bên lối vào chùa vẫn là khu mộ tháp hoang tàn, ngoài việc bị lấn chiếm, một số hộ dân gần đó còn biến khu này thành điểm đổ rác, tập kết các loại xà bần và… phơi quần áo, trông rất nhếch nhác.

Xâm hại kéo dài!

* Tính đến nay, toàn TPHCM có 143 công trình, địa điểm đã được xếp hạng di tích, gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 57 di tích cấp quốc gia và 85 di tích cấp thành phố.

Theo thời gian, không chỉ  xuống cấp, nhiều di tích ở TPHCM còn bị con người xâm hại. Ở phía cổng phụ của đình Thông Tây Hội, một số người bày bán cà phê giải khát, chợ rau cá rất nhếch nhác. Có những hộ dân vẫn sinh hoạt, cư ngụ trái phép trong khuôn viên đình. Được biết trước đây, lãnh đạo quận Gò Vấp có nhờ một phần đất của đình để đặt tạm trụ sở Công an phường 11 trong thời gian 18 tháng, nhưng đến nay đã 6 năm, phần đất này vẫn chưa được trả lại cho đình.

Tình trạng di tích xuống cấp và bị người dân lấn chiếm, xâm hại phải kể đến di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Sắc Tứ Trường Thọ, ở phường 7, quận Gò Vấp. Thượng tọa Thích Tịnh Thành, trụ trì nhà chùa chỉ chúng tôi xem nhiều cây cột, kèo, đòn tay bị mốt mọt xâm hại nặng nề. Ngôi chùa cổ này đã có trên 270 năm tuổi, từng được ban tấm biển “Sắc Tứ pháp vũ tự” vào năm Minh Mạng thứ ba (1822) và biển “Sắc Tứ trường thọ tự” dưới thời Tự Đức. Ngoài hai bức hoành cổ hiện vẫn còn treo tại chùa, nhà chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ quý như: bộ tượng thập điện, bộ tượng 18 vị La Hán, bộ tam thế Phật, bộ tam tôn, tượng địa tạng, tượng giám trai sứ giả và đại hồng chung cổ. Phía sau chùa, nhiều năm qua có một số hộ dân xây dựng lấn chiếm, sinh hoạt ăn ở đã ảnh hưởng đến mỹ quan di tích. “Tôi mong nhà nước sớm thực hiện dự án tu sửa, tôn tạo ngôi chùa. Mái chùa cần được làm lại nguyên trạng (lợp ngói âm dương) thay vì lợp tạm bằng tôn như hiện nay để bảo đảm trang nghiêm và kiến trúc của chùa”, thầy Tịnh Thành nêu ý kiến.

Bị xâm hại nghiêm trọng và kéo dài nhất phải kế đến di tích quốc gia chùa Phụng Sơn (còn gọi là chùa Gò, ở đường 3 Tháng 2, quận 11). Từ nhiều năm qua, UBND quận 11 đã khảo sát và xác định có khoảng 113 hộ dân xây dựng lấn chiếm khuôn viên chùa. Năm 2008, TPHCM đã đưa di tích này vào danh sách trùng tu và giao UBND quận 11 thực hiện giải phóng mặt bằng, giải tỏa các hộ lấn chiếm, nhưng đến nay việc này vẫn chưa xong. Trước mắt, Sở VH-TT-DL TPHCM đã kiến nghị UBND TP cho trùng tu khu vực 1 của di tích trong khi chờ địa phương giải phóng mặt bằng. Thượng tọa Thích Trí Định, trụ trì chùa Phụng Sơn, cho biết: “Cách đây hơn 1 tháng, có cán bộ ở Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 11 đến khảo sát, thực hiện di dời đối với 2 hộ dân lấn chiếm di tích trong khu vực 1. Từ đó đến nay, tôi chưa nghe thấy có thông tin gì thêm”.

Minh An

Tin cùng chuyên mục