Đình làng kêu cứu

Nhận diện đình làng
Đình làng kêu cứu

Vượt qua không gian nhỏ của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm ”Đối thoại với đình làng” không chỉ đưa đến cho người xem một cái nhìn mới về loại hình kiến trúc cổ đã hình thành và tồn tại nhiều năm tạo nên phần “hồn” sống động cho khu vực 36 phố phường của Hà Nội xưa cũ mà đó còn là tiếng kêu cứu của nghệ sĩ dành cho di sản. Tại đây, người xem sẽ được dẫn dắt qua nhiều cung bậc của cảm xúc, từ trầm trồ, ngạc nhiên, đến ngỡ ngàng, mất mát với những câu chuyện của những ngôi đình giữa thủ đô Hà Nội.

Đình Đồng Môn (số 8, Hàng Cân, Hà Nội) trở thành nơi bán dụng cụ bơi.

Đình Đồng Môn (số 8, Hàng Cân, Hà Nội) trở thành nơi bán dụng cụ bơi.

Nhận diện đình làng

Trong quá khứ, đình đã có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, tâm linh của người dân, hướng người dân đến sự tốt lành, đến cái thiện cho gia đình, xã hội, tránh xa điều ác. Nhưng hiện nay, không những bị lãng quên mà đình còn bị triệt để tận dụng, lấn chiếm, xâm cư, đập phá, cải tạo, hủy hoại làm biến dạng các kiến trúc đặc sắc. Đến giờ, rất nhiều ngôi đình là nơi ở của các hộ dân sống chen chúc… Đình không còn giữ được sự nguyên sơ, thuần chất như thuở ban đầu.

GS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, không giấu nổi sự ngạc nhiên khi bước chân vào không gian đặc biệt này. Ông tâm sự: Mặc dù tôi là người nghiên cứu và bảo tồn vốn cổ nhưng đây là lần đầu tiên có được cái nhìn tập trung về một loại hình kiến trúc, văn hóa mang tính đặc thù của người dân hàng phố (tên gọi thân mật của Hà Nội 36 phố phường). Dù đó là cách tiếp cận của các nghệ sĩ, cách tiếp cận mang nặng tính nghệ thuật nhưng nó đã đánh thức được phần rất sâu trong ký ức về một cuộc sống xưa của Hà Nội với những thị dân, với tiếng lanh canh, rộn ràng của những làng nghề truyền thống. Đó cũng chính là tâm trạng của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, tác giả của 70 bức ảnh nhận diện về đình làng, đã cảm nhận và chuyển tải được nguyên vẹn đến với mỗi người khi xem tác phẩm của mình. Khi chuyển về phố, nơi đất chật, người đông thì đình làng dần có thay đổi, thích nghi hơn với hoàn cảnh. Điều đặc biệt là chỉ trong một phạm vi không lớn của khu vực 36 phố phường nhưng từng làng nghề khác nhau lại có “ngôi nhà chung” không giống nhau. Nhìn vào không gian kiến trúc, vào hoa văn chạm trổ mà người ta có thể biết ngay phường thợ đó đoàn kết hay không, làm ăn sung túc hay khốn khó. Vì thế, có tổ đình ngự trong không gian đẹp nhưng nhiều đình thậm chí chuyển sang dạng hình ống nằm hòa giữa khu phố cổ. 70 ngôi đình là 70 trạng thái kiến trúc, 70 câu chuyện với vô vàn các truyền thuyết, các thân phận của người dân xung quanh đó.

Đâu rồi hồn xưa, đình cũ

Nạn xâm phạm không gian di tích lịch sử, trong đó có các ngôi đình, cùng với nạn trùng tu vô tổ chức làm biến dạng di sản; sự thiếu quan tâm, thiếu hiểu biết khiến di sản vẫn tồn tại mà như bị tách ra khỏi đời sống.

Những ngôi đình của Hà Nội xưa, giờ được các chủ nhân mới sử dụng để sản xuất, kinh doanh đủ loại ngành nghề. Có những địa điểm mà ngay cả tác giả cũng không dám tin vào mắt mình khi dấu vết của ngôi đình cách đó chỉ vài chục năm giờ đã không còn nữa mà giờ nơi đó, số nhà ấy sừng sững mọc lên tòa khách sạn sang trọng và hiện đại. Nhiều ngôi đình đã hoàn toàn biến mất và thay vào đó là nhà nghỉ, ngân hàng, quán bar… như đình Du Vũ ở 42 Hàng Da giờ thành quán cà phê; đình Cổ Tân ở 166 Trần Quang Khải giờ thành trụ sở ngân hàng; đình Hoa Thị tại 90B Hàng Đào giờ thành cửa hàng thời trang... Một số đình không còn giữ được dáng dấp, kiến trúc nguyên sơ mà bị bó hẹp lại cùng tốc độ xâm lấn của người dân sống xung quanh.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trong số 70 địa chỉ đình làng mà họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã ghi nhận quanh phố cổ nay chỉ còn rất ít trong số đó hiện hữu và còn ít hơn nữa những đình giữ được không gian và lề thói sinh hoạt cộng đồng đặc trưng vốn có. Vì thế, không chỉ là lời cảnh báo, chính những bức ảnh không lời, những khung hình nhấp nhô, cái cao, cái thấp ấy đã đánh thức bao tâm hồn khát khao cùng hướng về với đình làng. Đó chính là câu trả lời đắt giá cho hành trình đi tìm cội nguồn của văn hóa Việt.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục